Dù thu nhập không cao, tôi vẫn có tiền tiết kiệm mỗi tháng và sống 1 cuộc đời vui vẻ nhờ có "quỹ hưởng thụ"
"Nếu có kế hoạch từ trước, các bạn sẽ thấy cuộc sống của mình không phải lúc nào cũng chỉ xoay quanh vấn đề tiền nong nữa đâu", chị Ánh Tuyết (34 tuổi) khẳng định.
Tiết kiệm chưa bao giờ là điều dễ làm, đừng nói đến việc có thể hạnh phúc với cuộc sống "liệu cơm gắp mắm". Thế nhưng, bằng những mẹo nhỏ của mình, chị Ánh Tuyết (34 tuổi, bán hàng online, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) đã không còn phải lắng lo về chuyện tiết kiệm nữa.
"Sau khi tính toán doanh thu, trừ hết mọi khoản cố định như: Lương của nhân viên, tiền thuê mặt bằng, điện nước, chạy quảng cáo,... sẽ còn một khoản lời cho mình. Cùng lúc này, mình sẽ ngắt ngọn để tiết kiệm luôn. Dù cửa hàng mới mở, thu nhập còn nhiều bấp bênh, tháng lời tháng thiếu nhưng đó là điều mình chắc chắn phải làm", chị Ánh Tuyết cho biết nếu tháng nào thiếu thì sẽ vay mượn tạm tiền để chi tiêu trước chứ không rút tiết kiệm.
"Ngoài ra, vào ngày đầu tiên của tháng mới, mình cũng sẽ mở sổ tiết kiệm online với số tiền tối thiểu của ngân hàng, kỳ hạn 12 tháng, trích tự động từ tài khoản ngân hàng của mình", chị Tuyết chia sẻ hãy cố gắng lãng quên số tiền này, dù ít dù nhiều thì đảm bảo, sau một vài năm chắc chắn bạn sẽ vô cùng bất ngờ.
Đó là những thói quen chính - bên cạnh việc thiết lập kế hoạch, ghi chép cụ thể các khoản chi tiêu hàng ngày, nhưng vẫn không phải tất cả!
Cách chi tiêu để sống vui dù tiết kiệm
Khi bắt đầu phải tự lo cho cuộc sống cũng là lúc chúng ta ý thức được rằng, có vô vàn khoản chi tiêu lớn nhỏ khiến túi tiền dễ rơi vào tình trạng cạn dần, việc thiết lập ngân sách sẽ giúp giải quyết nỗi lo này.
Cũng áp dụng biện pháp này, chị Ánh Tuyết cho biết chị sẽ phân chia rạch ròi các khoản chi tiêu bao gồm:
- Khoản chi tiêu cho con cái (gồm học phí, học thêm, sách vở, quần áo, đồ chơi, truyện, sữa,...).
- Chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày (ăn uống, mua sắm,...).
- Chi tiêu cho các khoản giỗ chạp, ma chay, hiếu hỉ,...
- Chi phí phát sinh khác.
Theo đó, chị Tuyết sẽ cố định một ngày trong tháng để chuyển khoản cho từng loại phí - giống như cách thực hiện với tiền tiết kiệm.
Đồng thời, chị Tuyết cũng sẽ đặt ra "trò chơi" 1 ngày không tiêu cho bản thân - không quy định số lượng để tránh trở thành áp lực, mà trái lại có thể cảm thấy vui hơn. Đây cũng chính là cách trực tiếp giúp chị Tuyết nhìn được sự nỗ lực trong việc tiết kiệm của mình. Bởi số tiền luôn là hiện hữu.
"Trong một ngày đó, mình sẽ không chi tiêu. Nếu muốn ăn hoa quả, mình sẽ tìm xem trong nhà còn gì không để ăn. Nếu muốn uống cà phê, mình cũng sẽ pha cafe gói có sẵn ở tủ chứ không mua ngoài quán. Nếu muốn ngắm hoa tươi thì mình sẽ nhìn ngắm hoa ở ban công nhà. Còn nếu thèm ăn món gì đó, mình sẽ cố gắng nhịn với suy nghĩ không ăn cũng sẽ giúp giảm cân, điều đó giúp mình cảm thấy vui và có thêm động lực để không chi tiền cho các sở thích bộc phát", chị Tuyết cho biết, số tiền lẽ ra nên chi trong ngày khi được cất đi chị sẽ đút lợn, tránh trường hợp nhìn thấy tiền trong tài khoản rồi hôm sau lại muốn tiêu.
Vào các dịp đặc biệt trong năm, chị Tuyết vẫn sẽ dành ra một khoản nhỏ để mua đồ trang trí nhà cửa, giúp các thành viên cảm thấy hứng thú, vui vẻ hơn khi ở nhà.
Ngoài ra, để cuộc sống luôn cân bằng và vui vẻ, quỹ hưởng thụ chính là "chìa khóa". Với số tiền dành cho việc giải trí, thư giãn tinh thần, chị Tuyết sẽ dùng để làm những gì mình thích - trong phạm vi cho phép, ví dụ như: Mua hoa tươi (tối đa 3 lần/tháng, mỗi lần tối đa 100.000 đồng), đi du lịch (4 lần/năm, mỗi lần không quá 5 triệu đồng/người), hoạt động giải trí cùng gia đình (mỗi tuần một lần, mỗi lần không vượt quá 1 triệu đồng)...
"Tuy nhiên, đó đều là những kế hoạch đã được mình tính dư ra một chút. Bởi, ví dụ như: 4 lần du lịch/năm thì đã có 1 lần chồng mình đi du lịch cùng cơ quan, 1 lần vào mùa hè cho các con về quê chơi rồi... Số tiền còn lại sẽ được mình tổng kết vào cuối năm, nếu thừa sẽ được cho vào tài khoản tiết kiệm để có thêm lãi. Hoặc không thừa thì vợ chồng mình cũng cảm thấy vui vẻ vì dù sao mọi thứ cũng đã nằm trong tính toán", chị Tuyết chia sẻ.
Nhìn chung, tiết kiệm nên được hình thành như một thói quen bền bỉ, theo chúng ta lâu dài. Đó là lý do dù nỗ lực tiết kiệm tới đâu cũng hãy dành cho bản thân cả những món quà để làm động lực sống.