Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi: Người nghỉ hưu vẫn bị xử lý!
Báo cáo giải trình của Chính phủ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), trong phạm vi điều chỉnh, Chính phủ đề xuất không xem xét giải quyết tố cáo đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên tại Điều 12 về nguyên tắc xác lập thẩm quyền quy định tại dự thảo luật lại quy định về nguyên tắc giải quyết đối với Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác, bị mất chức, cho thôi việc, bị buộc thôi việc, tự ý thôi việc hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Đại biểu Hoàng Thanh Tùng – ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - quy định tại Điều 12 của dự thảo luật tuy không dùng chữ “nghỉ hưu” nhưng có thể hiểu là đối tượng đã nghỉ hưu nằm trong phạm vi điều chỉnh này.
“Về nguyên tắc, trong luật vẫn xử lý nhưng báo cáo của Chính phủ nói là không, tôi cho rằng không nhất quán” - Đại biểu Hoàng Thanh Tùng nói.
“Việc xử lý phù hợp với thực tiễn hiện nay, Đảng và Nhà nước đã xử lý nhiều cán bộ công chức từng giữ chức vụ cao có vi phạm trong thời gian đương chức. Việc này phù hợp với thực tiễn và cũng phù hợp với lòng dân trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang ra sức phòng chống tham nhũng như hiện nay”.
Hiện nay Luật Cán bộ công chức chưa có quy định xử lý đơn thư tố cáo đối với những cán bộ công chức đã nghỉ hưu, nhưng ông Tùng cho rằng không vì thế mà không xử lý, tới đây cần sửa Luật Cán bộ công chức cho phù hợp.
Các Đại biểu thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông) đặt vấn đề giải quyết tố cáo là giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công chức trong khi thi hành công vụ, nhưng khi cán bộ công chức đã nghỉ hưu rồi thì sao? Luật Tố cáo hiện hành chưa xác định nội dung này. Khi đặt vấn đề xử lý giải quyết tố cáo đối với đối tượng đã về hưu, Luật Cán bộ công chức chưa có quy định xử lý vi phạm đối với đối tượng này. Đại biểu Giang cho rằng nếu Luật Cán bộ công chức chưa bổ sung thì cần bổ sung trong các luật về nội dung này.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh), thực tế, nhiều cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý được cử tri, người dân đồng tình. Do đó, sửa đổi Luật Tố cáo nếu để lọt những đối tượng này có nghĩa chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) bày tỏ băn khoăn nếu cán bộ về hưu nhưng trong thời gian đương chức đã có quyết định gây thất thoát tài sản, tiền của Nhà nước.
“Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt có những quy định vượt các bộ luật, luật khác, và theo nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì được chấp thuận khi quy định sửa trong dự án luật. Vậy nếu không được Luật Cán bộ, công chức quy định thì có thể sửa đổi ngay tại Luật Tố cáo (sửa đổi) không?” ông Cao Đình Thưởng nói.
Tuy nhiên, Đại biểu Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Chính phủ là không áp dụng xử lý tố cáo với người đã nghỉ hưu, để thống nhất với Luật Cán bộ, công chức.
Cùng với đó, Đại biểu Nguyễn Hồng Diên (đoàn Thái Bình), tán thành với ý kiến của Chính phủ khi cho rằng không quy định việc tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ công vụ của người đã nghỉ hưu nguyên là cán bộ, công chức, viên chức.