Du lịch Việt tăng trưởng mạnh, ngành khách sạn - nghỉ dưỡng đang "hái ra tiền"
Sáng nay (10/7), công ty Grant Thornton Việt Nam đã công bố kết quả cuộc khảo sát ngành Dịch vụ Khách sạn năm 2018. Theo đó, ngành khách sạn đang được đầu tư lớn nhờ lượng khách du lịch không ngừng tăng cao.
Theo báo cáo, tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2016, Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu trong số các nước Đông Nam Á. Việt Nam hiện tại là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 6 thế giới và nhanh nhất châu Á trong vai trò là một điểm đến du lịch, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Theo đó, tổng lượng khách đến tăng 19%, từ 72 triệu lượt năm 2016 đến 86 triệu lượt năm 2017, trong đó lương khách quốc tế tăng 29% và lượng khách nội địa tăng 18%.
Từ đà này, kéo theo ngành khách sạn, với xu hướng tăng lương khách du lịch, đang được nhận một lượng đầu tư lớn từ các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước. Công ty nghiên cứu này dẫn thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho thấy năm 2017 có 79 khách sạn cao cấp (3-5 Sao) mới được đưa vào hoạt động, trong đó có 10 khách sạn 5 sao, nâng tổng số phòng lên 101.400 phòng, đưa tổng số phòng năm 2017 tăng 10% so với năm ngoái.
Về giá phòng, kết quả khảo sát được phân tích chủ yếu trên 2 khía cạnh, theo xếp hạng sao và theo khu vực. Theo xếp hạng sao, giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao năm 2017 tiếp tục tăng nhẹ lên 75,2 USD, tương đương với tốc độ tăng 1%. Khách sạn 5 sao có giá phòng phục hồi sau sự sụt giảm năm 2016, đạt 107,6 USD, tương ứng mức tăng 4,2%.
Doanh thu trên số phòng sẵn có (RevPar) của các khách sạn tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ khác nhau cho từng hạng khách sạn. Khách sạn 4 sao có tốc độ thấp hơn năm 2016 với tỷ lệ 7,6%, trong khi khách sạn 5 sao tăng nhanh hơn năm 2016 với tốc độ 10,2%.
Nhìn chung, Grant Thornton Việt Nam cho biết công suất phòng được cải thiện với tăng trưởng khoảng 5% cho cả hai hạng sao (4,8% với 4 sao và 5% với 5 sao). Dù vậy, chia theo khu vực, thay dổi ở công suất phòng là khác nhau đối với các khu vực khác nhau. Khu vực miền Trung có tăng trưởng mạnh nhất ở 7,5%, theo sau bởi khu vực phía Bắc (6,4%) và phía Nam (2,2%).
Cũng theo báo cáo này, trong năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự cải thiện trong lợi nhuận của phân khúc các khách sạn cao cấp (khoảng 1,7%). Tốc độ tăng này chủ yếu là do việc chi phí hoạt động không phân bổ giảm 1,8%, trong khi các chi phí khác gần như không thay đổi.
Đối với mục đích lưu trú của khách du lịch, khách nghỉ dưỡng và khách đoàn chiếm tỉ trọng cao nhất trong số khách ở tại các khách sạn cao cấp, với tỷ trọng tổng cộng là 60%. Tỷ trọng lớn thứ ba – khách doanh nghiệp đã tăng nhẹ với mức tăng 0,5% trong năm 2017.
Năm 2017 chứng kiến sự gia tăng số lượng khách sạn cho rằng công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc kinh doanh nhằm đối phó với cạnh tranh của các khách sạn khác, đồng thời cũng là cách để khiến cho họ gây sự chú ý so với các khách sạn có tên tuổi lâu đời hoặc có tư tưởng cũ hơn.
Gần 90% các khách sạn đã cho rằng việc tích hợp công nghệ số vào dịch vụ khách sạn sẽ làm thay đổi thị trường khách sạn Việt Nam, điều này cho thấy sẽ có nhiều khách sạn hơn nữa sẽ tiếp nhận công nghệ này trong tương lai.
Đặc biệt, trong thời gian qua, tất cả các khách sạn tham gia khảo sát đã ứng dụng một hay nhiều công nghệ số vào hoạt động của họ. Trong khi việc ứng dụng công nghệ số vào truyền thông và phân tích dữ liệu đã trở thành xu hướng tất yếu ở hầu hết các khách sạn 4 và 5 sao.
Việc ứng dụng cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng qua điện thoại và làm thủ tục phòng trực tuyến đang dần được áp dụng rộng rãi và ngày một phổ biến tại hơn 50% khách sạn 5 sao và 30% - 40% khách sạn 4 sao được khảo sát. Dự doán xu thế công nghệ hóa này sẽ sớm chiếm lĩnh thị trường khách sạn trong tương lai không xa.