Du lịch Việt đứng trước triển vọng và tương lai tích cực
Tại tọa đàm Tương lai Du lịch Việt Nam? Cơ hội và Thách thức trong năm 2021 và Tương lai, các chuyên gia đã có nhiều nhận định và kiến nghị để cùng thúc đẩy du lịch trong nước.
Các chuyên gia trong ngành du lịch và chuyên gia quốc tế đầu ngành đã thảo luận cách Việt Nam chuẩn bị để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu sau đại dịch COVID-19 tại tọa đàm Tương lai Du lịch Việt Nam? Cơ hội và Thách thức trong năm 2021 và Tương lai.
Tọa đàm do ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT tổ chức đã thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, hàng không, điều hành tour, bán lẻ và bất động sản.
Với việc kiểm soát thành công đại dịch cũng như những thành công của ngành du lịch trong năm 2019 như đóng góp 9,2% vào GDP của cả nước, 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa và thu về hơn 32,8 tỷ USD, các chuyên gia đã dự đoán một triển vọng tích cực cho du lịch Việt Nam.
Theo các chuyên gia, các cơ hội sắp đến bao gồm việc đầu tư vào du lịch nội địa, các sản phẩm du lịch mới, nguồn nhân lực chất lượng cao, số hóa ngành du lịch và cơ sở hạ tầng để giúp Việt Nam tỏa sáng trong nước và trường quốc tế.
Giảng viên cao cấp và Trưởng Nhóm nghiên cứu ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn Đại học RMIT Tiến sĩ Nuno Ribeiro cho biết mục đích chính của tọa đàm là thúc đẩy đối thoại tích cực giữa các lĩnh vực trong ngành du lịch Việt để cùng nhau tìm ra các giải pháp đưa du lịch Việt tiến lên trước sau đại dịch.
Tiến sĩ Ribeiro cho biết: "Tôi chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu tích cực từ thị trường du lịch nội địa rất sôi động, cũng như những sáng kiến của Chính phủ đã cực kỳ thành công trong việc tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho du lịch nội địa trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn".
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết thúc đẩy du lịch nội địa và xây dựng du lịch thông minh ở Việt Nam là những mục tiêu chính trong năm 2021.
Ông Hòa cho biết: "Một trong những trọng tâm chính của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh trong năm nay là triển khai các chương trình liên kết với các tỉnh thành và các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cũng như các ngành du lịch để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới nhằm thúc đẩy du lịch trong nước".
Ông cho biết thêm: "Năm nay cũng là thời điểm thuận lợi để TP.Hồ Chí Minh triển khai du lịch thông minh. Cơ sở dữ liệu du lịch là nền tảng quan trọng để đảm bảo các đề án du lịch thông minh thành công bên cạnh sự tham gia của nhiều ban ngành và lĩnh vực trong việc chuẩn hóa hệ thống thu thập dữ liệu đồng thời số hóa các dịch vụ du lịch".
Phó Giám Đốc Inbound công ty du lịch Vietravel Trần Thùy Trang cho rằng Việt Nam nên quảng bá đất nước như một điểm đến an toàn và hấp dẫn trên thế giới.
Bà Trang nhận định: "Không chỉ ngành du lịch, khách sạn mà Chính phủ cũng cần quảng bá hình ảnh du lịch Việt như một điểm đến an toàn để có thể tăng lượng khách quốc tế khi biên giới Việt Nam mở cửa trở lại và hoạt động lại bình thường".
Giám đốc Điều hành The Grand Hồ Tràm - Craig Douglas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại dịch.
"Với một số dự án vẫn đang được triển khai trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác trong nước cũng như việc các cơ sở sản xuất quốc tế chuyển đến Việt Nam, nhu cầu nhân lực sẽ là một thách thức lớn và sẽ củng cố nhận định nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất", ông Douglas bày tỏ.