Du khách Hà Nội kể trải nghiệm 'hồi hộp' khi đi tour buổi tối ở Nhà tù Hỏa Lò
Tour tham quan Nhà tù Hỏa Lò buổi tối kéo dài từ 19h đến 20h30 thứ 6 và thứ 7 hàng tuần với những câu chuyện về nữ tù nhân thời kháng chiến chống Pháp được tái hiện bằng diễn xuất của các diễn viên.
Nguyễn Diệu Hoa (NV văn phòng, Hà Nội) vừa cùng công ty trải nghiệm chuyến tham quan "Đêm Thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” tại Nhà tù Hỏa Lò. Đây là sự kiện hàng tuần tiếp nối tour diễn cùng tên là Đêm Thiêng liêng được tổ chức từ năm 2020. Tour được tổ chức lúc 19h-20h30 thứ 6 và thứ 7 hàng tuần và hầu như đều kín chỗ, thường phải đặt trước cả tháng mới có thể tham dự.
Xúc động khi xem những nữ tù anh hùng
Sự kiện kéo dài 1 tiếng 30 phút đưa du khách tham quan 10 địa điểm ở nhà tù, kể về nữ tù nhân, những phụ nữ Việt Nam anh hùng, quật cường. Không chỉ qua thuyết minh của hướng dẫn viên, câu chuyện còn được tái hiện đầy sống động thông qua diễn xuất của các diễn viên.
Diệu Hoa cho biết: “Trải nghiệm tham quan buổi tối mang đến nhiều điều mới lạ. Với sự kết hợp giữa không gian, nhạc và thêm cả tiếng gió rít nữa khiến mình thấy rất chân thật, hồi hộp". Với Hoa, hoạt cảnh ấn tượng nhất là đoạn diễn về bà Hoàng Thị Ái, vợ anh hùng Nguyễn Phong Sắc. Nữ diễn viên diễn rất thành công trong việc khắc họa nỗi đau của người phụ nữ vừa mất chồng, vừa mất con vì khát sữa mẹ.
Ngoài xem diễn viên hóa thân thành các nhân vật, người tham quan còn được trải nghiệm cảm giác chui cống để vượt ngục. Dù chỉ là cống nhân tạo nhưng với kích thước hẹp, thấp nên vẫn có thể cảm nhận rõ sự nguy hiểm của những người tù ở đây”.
Dưới diễn xuất của các diễn viên, những câu chuyện bên trong Nhà tù Hỏa Lò trở nên sống động hơn bao giờ hết. Ảnh: Fanpage Nhà tù Hỏa Lò |
“Suốt 100 phút tham gia tour, không chỉ những hoạt cảnh tái hiện lại mà ngay khi chạm tay vào từng song sắt mình đã nghẹn ngào. Từ khi đi học mình đã được học về lịch sử, về sự hy sinh của ông cha, của các bà các mẹ nhưng chỉ khi có cơ hội trải nghiệm tour lần này mình mới thật sự thấm thía thế nào là nỗi đau giằng xé. Nỗi đau ấy không đến từ da thịt, từ đòn roi tra tấn mà từ sự mất mát, mất đi người thân, những người là máu mủ ruột rà, có những đứa trẻ còn đỏ hỏn hơi sữa đã phải xa mẹ, có những bà mẹ lần lượt tiễn con đi dù biết không có ngày gặp lại...”
Với Mai Anh, những âm thanh mô phỏng đòn roi tra tấn, tiếng ru của người mẹ sau song sắt nhà tù, tiếng khóc giữa đêm còn khiến cô lạnh sống lưng.
Trước khi tham quan, nhân viên sẽ đóng dấu hai chữ "đồng song" vào tay của du khách. Ảnh: NVCC |
Trải nghiệm ý nghĩa nhưng không dành cho trẻ em
Khi đã đi qua hết các điểm tham quan, ở cuối mỗi tour, du khách được thưởng thức những món ăn nhẹ làm từ bàng như trà bàng, bánh và thạch bàng. Theo như được kể lại, những cây bàng trồng trong khuôn viên nhà tù Hỏa Lò là “thần dược” hồi sinh và tăng thêm sức khỏe cho các chiến sĩ thời xưa. Và “cây bàng” cũng có một câu chuyện đặc biệt, khiến chuyến tham quan nhà tù Hỏa Lò thêm phần ý nghĩa.
Ở cuối chặng tham quan, du khách được phát một tờ giấy nhỏ để ghi lại trải nghiệm của mình. Với nhiều người, cảm nhận sau chuyến đi đó là thấy một di tích vốn khô khan nhưng nay được tái hiện đầy sống động và thu hút.
Bánh, thạch và trà làm từ cây bàng cho du khách. Ngoài ra, một tờ giấy nhỏ sẽ giúp du khách ghi lại cảm nhận của mình khi đến đây. Ảnh: NVCC |
Giá vé tham quan nhà tù Hỏa Lò cho tour buổi tối là 300.000 đồng/người/lượt và ban tổ chức có yêu cầu đặc biệt về trang phục và cách di chuyển khi tham quan. Theo đó, du khách mặc đồ nghiêm túc, không làm ồn và nói chuyện để tránh làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người đi cùng. Theo Diệu Hoa, cách tổ chức chuyên nghiệp cũng chính là một trong những yếu tố khiến tour tham quan thu hút hơn hẳn.
Dù sự kiện rất ý nghĩa nhưng theo những người đã trải nghiệm, hoạt động sẽ cần sự cân nhắc khi dẫn trẻ em theo do có những hoạt cảnh thực dân Pháp đàn áp bạo lực các tù nhân, và các cảnh chia ly thương tâm.