Du khách có nên cho tiền, mua hàng từ các em nhỏ khi đi du lịch Sa Pa?
Việc để trẻ em ở tuổi ăn tuổi học đi bán hàng rong không chỉ vi phạm quyền trẻ em mà còn gây hình ảnh không đẹp trong mắt du khách.
Mạng xã hội gần đây xuất hiện video được cho là Tổ kiểm tra trật tự đô thị tại Sa Pa liên tục đi tuyên truyền, nhắc nhở người dân và khách du lịch về hành vi cho tiền hay mua đồ từ các em nhỏ. Nguyên văn lời kêu gọi như sau:
"Trên địa bàn thị xã Sa Pa trong ngày đông giá buốt có những trẻ thơ đang bị ép đi ăn xin và bán hàng. Đây là hành động trục lợi trên thân thể trẻ em, đang vi phạm pháp luật về quyền trẻ em. Tổ công tác chúng tôi kính mong quý khách khi đi tham quan và du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng phản đối việc làm trên bằng hành động thực tế, không mủi lòng thương hại và cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng của các cháu.
Như vậy là chúng ta đã góp phần bảo vệ quyền trẻ em. Bởi những bà mẹ béo ù béo mập đang ngồi trên ghế đá công viên, quanh khu vực nhà thờ và sân quần Sa Pa để chờ những đứa trẻ thơ dại, dù chỉ 1, 2, 3, 4 tuổi đầu nhưng đã bị ép đi ăn xin trong những ngày đông giá buốt, thời tiết Sa Pa hiện chỉ 3 độ C.
Mỗi chúng ta cần phản đối hành động trên bằng việc làm thực tế: Không cho tiền và không mua hàng. Con chim còn biết công mồi về bú mớm cho con, các bậc làm cha mẹ đang trục lợi trên chính ruột thịt, con cháu mình, đây là hành động bất lương".
Trong một video khác, một cán bộ cũng lên án gay gắt hành động này, cho rằng "đây không khác gì hành vi của xã hội đen, chăn dắt các cháu. Chỉ khác đó là các bà mẹ béo trục béo tròn, lười lao động, thích tiêu tiền".
Trên thực tế, tình trạng trẻ em bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch đã trở thành vấn đề nan giải ở Sa Pa (Lào Cai) trong nhiều năm nay. Những em nhỏ này đa phần là người dân tộc thiểu số đến từ các xã nghèo như Lao Chải, Tả Phìn, Trung Chải, Tả Van…sau đó theo bố mẹ, anh chị hoặc nhóm bạn xuống thị xã bán hàng.
Chính quyền Sa Pa đã thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động bà con đưa trẻ em trở về nhà đi học; đề ra các chương trình hỗ trợ bà con qua các dự án phát triển kinh tế, đào tạo nghề... Tuy nhiên tình trạng này thường chỉ thuyên giảm được một thời gian sau đó sẽ bùng phát trở lại.
Việc để trẻ em ở tuổi ăn tuổi học đi bán hàng rong không chỉ vi phạm quyền trẻ em mà còn gây hình ảnh không đẹp trong mắt du khách. Nhiều người cho rằng những chuyến du lịch là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nhưng khi gặp phải tình trạng này nói chung, trong họ sẽ để lại ấn tượng xấu về cả con người và phong cảnh địa phương.