Dự báo: Đến năm 2040, cứ 1 phút sẽ có 1 người mắc ung thư ở Anh

03/02/2024 11:41 AM | Sống

Ung thư phổi gây chết người nhiều nhất trong giai đoạn 2020 - 2022, khoảng 1,8 triệu, tiếp theo là ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư dạ dày và ung thư vú.

Gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng

Cancer Research UK (Cơ quan Nghiên cứu ung thư Vương quốc Anh) mới đây đã đưa ra dự báo rằng, đến năm 2040, cứ mỗi phút ở Anh sẽ có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Hiện tại, có khoảng 420.000 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mỗi năm ở Anh, nhưng con số này sẽ tăng lên khoảng 1,5 lần; số người chết vì ung thư cũng tương tự như vậy (hiện đang khoảng 176.376 người/năm).

Theo bà Michelle Mitchell, Giám đốc của Cancer Research UK, Vương quốc Anh có nguy cơ mất vị thế là siêu cường nghiên cứu về bệnh ung thư. Đầu tư sẽ không theo kịp gánh nặng ngày càng tăng.

Bà ấy nói với The Times: "Chúng tôi đang ở thời điểm bước ngoặt. Có những dấu hiệu đáng lo ngại ở phía trước. Và bây giờ là lúc phải hành động để giữ được vị trí dẫn đầu toàn cầu trong những thập kỷ tới".

Đến năm 2040, cứ 1 phút sẽ có 1 người mắc ung thư - Ảnh 1.

Bà Michelle Mitchell cảnh báo đến năm 2040, cứ mỗi phút ở Anh sẽ có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư

Bà Michelle Mitchell cho biết, tác động của Brexit, sự gián đoạn trong các thử nghiệm lâm sàng do đại dịch COVID-19 gây ra và tình trạng thiếu kinh phí so với các đối tác như Mỹ đồng nghĩa với việc "thu hút nhân tài đến Vương quốc Anh khó khăn hơn nhiều" để thực hiện các nghiên cứu.

Phân tích của tổ chức này cho thấy nếu thu nhập từ hoạt động gây quỹ không thay đổi, ngay cả khi chính phủ tăng tài trợ cho các dự án nghiên cứu, vẫn sẽ thiếu hụt khoảng 1 tỉ bảng Anh trong vòng một thập kỷ.

Khoảng 2/3 nghiên cứu về ung thư được tài trợ công của Anh là do các tổ chức từ thiện hỗ trợ vào năm 2019, tương đương khoảng 400 triệu bảng Anh. Tiến sĩ Owen Jackson, giám đốc chính sách của Cancer Research UK, dự đoán vài năm tới tài trợ sẽ khó khăn do lạm phát.

Chính phủ Anh có tham vọng đưa đất nước trở thành "không khói thuốc" bằng lệnh cấm mới nhằm ngăn giới trẻ hút thuốc và giảm tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc xuống dưới 5% vào năm 2030. Kết hợp với giảm uống rượu và điều chỉnh chế độ ăn uống ở người trung niên, Cancer Research UK kỳ vọng sẽ có hàng nghìn ca mắc bệnh mỗi năm được ngăn ngừa.

"Người dân đang theo dõi rất chặt chẽ để xem liệu sẽ có một chiến lược rõ ràng, sự lãnh đạo mạnh mẽ và kế hoạch phù hợp với nguồn tài trợ, đảm bảo chúng ta không bị tụt hậu trên thế giới về sống sót sau ung thư. Hiện tại vẫn chưa đủ tốt", bà Michelle Mitchell, giám đốc điều hành Cancer Research UK, nói.

Theo phát ngôn viên của Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội, nghiên cứu và khoa học đời sống rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

"Chúng tôi cũng đã hợp tác với BioNTech và Moderna để giúp các bệnh nhân ở NHS trở thành những người đầu tiên trên thế giới được hưởng lợi từ vắc xin ung thư", người này cho biết.

Thế giới sẽ có 35 triệu ca ung thư mỗi năm vào 2050

Theo dự đoán được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của WHO công bố ngày 1-2, có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới vào năm 2022, tăng so với 18 triệu ca vào năm 2020. Con số này sẽ tăng 77% lên 35 triệu vào năm 2050.

Tốc độ gia tăng bệnh ung thư sẽ mạnh nhất ở các nước phát triển trong 25 năm tới. Tuy nhiên ở các nước kém phát triển hơn, tỉ lệ ung thư cũng gia tăng ở mức đủ gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế các nước này.

Đến năm 2040, cứ 1 phút sẽ có 1 người mắc ung thư - Ảnh 2.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tỉ lệ ung thư toàn cầu sẽ tăng đến 77% vào giữa thế kỷ này, bởi tuổi tác, béo phì và hút thuốc, uống rượu

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, IARC dự đoán tỉ lệ ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển và tăng 99% ở các quốc gia có mức phát triển trung bình.

"Tác động của sự gia tăng này sẽ không được cảm nhận đồng đều ở các quốc gia có mức phát triển khác nhau. Những nước có ít nguồn lực nhất sẽ phải gánh chịu gánh nặng ung thư toàn cầu", tờ Fortune dẫn lời tiến sĩ Freddie Bray, lãnh đạo cơ quan giám sát ung thư tại IARC nhận định. Sự chênh lệch trong điều trị ung thư không chỉ giữa các khu vực có thu nhập thấp và cao, mà còn khác biệt trong từng quốc gia.

"Đây không chỉ là vấn đề tài nguyên mà còn là vấn đề ý chí chính trị", tiến sĩ Cary Adams, lãnh đạo Liên minh NGO quốc tế về kiểm soát ung thư, nhấn mạnh.

Ưng thư vú, ung thư phổi thống trị

Theo IARC, các loại ung thư phổ biến nhất năm 2022 là ung thư phổi (2,5 triệu ca mới), ung thư vú (2,3 triệu), ung thư đại trực tràng (1,9 triệu), ung thư tuyến tiền liệt (1,5 triệu), ung thư dạ dày (970.0000).

Đến năm 2040, cứ 1 phút sẽ có 1 người mắc ung thư - Ảnh 3.

Đối với phụ nữ, ung thư vú là sát thủ gây ra cái chết nhiều nhất

Ung thư phổi và ung thư vú là 2 loại ung thư chiếm đa số ngang nhau trong năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ hút thuốc cao ở châu Á đã đẩy số ca ung thư phổi toàn cầu vượt ung thư vú vào năm 2022. Trong khi đó, ung thư vú vẫn là nguyên nhân gây ung thư phổ biến nhất cả hai giới ở đại đa số các quốc gia.

Đối với phụ nữ, ung thư vú là ung thư phổ biến nhất và gây tử vong cao nhất. Trong khi đó, "sát thủ" nguy hiểm nhất đối với nam giới là ung thư phổi.

Nhìn chung, ung thư phổi giết nhiều người nhất trong giai đoạn 2020 - 2022, khoảng 1,8 triệu, tiếp theo là ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư dạ dày và ung thư vú.

Tại Mỹ, tỉ lệ tử vong do ung thư cũng dự kiến phá kỷ lục trong năm 2024. Trong dự báo mới đây, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) dự đoán sẽ có đến 2 triệu ca ung thư được chẩn đoán trong năm nay.

Theo The Telegraph, CNN

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM