Dự án tham vọng cấy chip vào não người của "phù thủy" Elon Musk vừa nhận đầu tư 100 triệu USD
Neuralink, một công ty con của tỷ phú Elon Musk vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 100 triệu USD trong nỗ lực phát triển sản phẩm chip cấy não bộ. Vị tỷ phú công nghệ hy vọng các con chip cấy não bộ sẽ giúp con người học nhanh hơn, làm việc hiệu quả hơn và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Neuralink được kỳ vọng sẽ bắt đầu thực hiện các thí nghiệm trên con người vào quý 2/2020 khi các nghiên cứu về chip cấy não bộ đã đủ hoàn thiện. Theo các chuyên gia, công nghệ Neuralink đang phát triển cho phép đưa một số con chip vào xuyên qua lớp sọ người và tương tác trực tiếp với não bộ chúng ta.
Theo Neuralink, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò trung tâm trong các sản phẩm của họ. Công ty thuộc này tuyên bố hệ thống chip cấy não bộ giúp con người mở rộng khả năng đọc, viết và thu thập nhiều thông tin hơn trong tương lai.
Với khả năng y học hiện tại, các bác sĩ phải khoan một lỗ nhỏ xuyên qua hộp sọ mới có thể gắn những chip Neuralink dài khoảng 4-6 micromet vào não. Song Neuralink hy vọng công nghệ laser sẽ giúp cấy chip xuyên qua những lỗ siêu nhỏ ở hộp sọ. Quá trình này sẽ gần như không gây đau cho người dùng.
Bên cạnh viễn cảnh giúp kết nối não bộ với máy tính, tỷ phú Elon Musk khá lạc quan về ứng dụng y tế của chip cấy não bộ Neuralink. Ông dự đoán công nghệ trên sẽ giúp người khiếm thị, khiếm thính hoặc bị câm có thể giao tiếp thông thường với mọi người.
Công ty đang lên kế hoạch hợp tác với các nhà khoa học thần kinh tại đại học Stanford và một số viện nghiên cứu khác ở châu Âu và Bắc Mỹ.
"Chúng tôi muốn vượt qua những rào cản công nghệ và định kiến để hoàn thiện sản phẩm vĩ đại này", Max Hodak – Chủ tịch Neuralink phát biểu trong buổi ra mắt công ty ngày 16/7/2019.
Trong một bài thuyết trình trước giới đầu tư và báo chí tối hôm 16/7, tỷ phú Elon Musk cũng tuyên bố công nghệ Neuralink phát triển sẽ cho phép con người "hợp thể với trí tuệ nhân tạo".
Neuralink không phải là dự án công nghệ đầu tiên giúp kết nối con người với máy tính. Trước đó, Đại học Brown đã phát triển dự án Nagle cho phép người bị bại liệt cầm nắm đồ vật, thao tác trên máy tính thông qua các cánh tay robot và hệ thống chip trên cơ thể người dùng.
Mặc dù đây là một ý tưởng hết sức mạo hiểm nhưng Neuralink hiện được đầu tư tổng cộng 158 triệu USD và có 90 nhân viên.