Dự án nghìn tỷ "đắp chiếu" thứ 13 của ngành Công thương: Vẫn chờ chốt phương án xử lý!
Khẳng định với nước bạn Lào, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ sớm đưa ra phương án xử lý dự án muối mỏ kali đang đặt tại nước này.
Phương án xử lý dự án muối mỏ kali tại Lào do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - Vinachem làm chủ đầu tư là một trong những nội dung vừa được Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Khammany Inthirath (Lào) thảo luận.
Cả hai bên đều nhất trí tiếp tục hỗ trợ Vinachem đối với dự án này. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công thương Việt Nam đang tích cực rà soát, báo cáo chính phủ về dự án muối mỏ kali.
"Chúng tôi sẽ sớm có phương án cụ thể", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và cho biết quy trình sau khi hoàn tất sẽ có thông báo đến nước bạn.
Dự án khai thác muối mỏ Kali tại Lào do Vinachem là chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 522 triệu USD, trong đó, vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Các ngân hàng tham gia tài trợ thu xếp vốn bao gồm: VDB 113 triệu USD (đã ký hợp đồng tín dụng), BIDV 161 triệu USD, VietinBank 143 triệu USD.
Dự án này có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm và tiến hành khai thác vào năm 2020, với công suất khai thác 320.000 tấn một năm. Tuy nhiên sau hơn 2 năm khởi công, dự án đã tạm dừng từ năm 2017. Báo cáo của Vinachem về dự án cho biết lý do "tạm dừng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc triển khai".
Năm 2017, 20 đơn vị thành viên của Vinachem ghi nhận lãi gần 2.200 tỷ đồng nhưng do lỗ phát sinh chủ yếu là đến từ 4 dự án yếu kém, thua lỗ lên tới 2.115 tỷ, nên tổng số lãi có được của tập đoàn chỉ còn 47 tỷ đồng. Doanh thu của toàn tập đoàn đạt 44,971 tỷ, tăng 5% so với năm 2016.
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải hồi tháng 2/2018 cho biết dự án này được làm theo thoả thuận của hai nước, hiện chỉ mới ở bước chuẩn bị đầu tư. Bộ Công thương và Vinachem sau phân tích thấy rằng nếu triển khai tiếp dự án thì không hiệu quả, thậm chí cả đời dự án sẽ tiếp tục lỗ.
Nguyên nhân là giá thành đầu ra của muối mỏ kali Lào không như kỳ vọng. Tại thời điểm tiền khả thi, dự toán giá thành phẩm là 500 USD/tấn. Tuy nhiên, đến nay giá thành giảm mạnh xuống chưa được 300 USD/tấn, thậm chí có thời điểm chỉ còn 250 USD/tấn.