Dự án Happyland 2 tỷ đô nợ nần chồng chất, vừa phải bán một phần cho đại gia Hồng Kông hiện giờ ra sao?
Do gặp nhiều khó khăn và đang lao vào con đường nợ nần chồng chất, cuối cùng siêu dự án này phải bán khu giải trí hơn 300ha cho một nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An giai đoạn 2016 - 2020, dự án Happyland được nêu tên là một dự án trì trệ nhất hiện nay của tỉnh này và cần phải được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Còn trong đề án Phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Happyland cũng là một dự án đứng đầu danh sách các dự án gây nhiều "đau đầu" nhất cho tỉnh vì tiến độ triển khai quá chậm.
Ngày 14/2/2011, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng Phú An (công ty con của Tập đoàn Khang Thông) khởi động khu phức hợp giải trí Happyland rộng gần 700ha, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Quy mô giai đoạn 1 của dự án (DA) 338ha, giai đoạn 2 là 350ha.
Trong quy hoạch tổng thể dự án, Khang Thông đầu tư khoảng 600 triệu USD xây dựng công viên chủ đề 100ha. Các hạng mục còn lại chủ yếu kêu gọi các đối tác lớn trong và ngoài nước đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý II/2014 (sau 4 năm thi công).
Sau 7 năm khởi công xây dựng, dự án đã triển khai san lắp mặt bằng và đầu tư một số hạng mục còn dang dở.
Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ dự án, do điều kiện kinh tế khó khăn, công ty sẽ triển khai dự án và đưa vào khai thác theo hình thức cuốn chiếu, phấn đấu đến cuối năm 2014, đầu năm 2015 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác một phần của dự án. Vấn đề khó khăn nhất của dự án hiện nay ngoài nguồn vốn đầu tư vẫn chưa có, hàng chục hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù.
Ngay cả trên trang thông tin điện tử của tập đoàn Khang Thông, dự án Happyland đã được "vẽ" ra làm hàng chục giai đoạn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng được công bố cũng chỉ mới dừng lại ở năm 2011, ngay sau khi lễ khởi công dự án diễn ra. Thực tế cũng cho thấy, công trường xây dựng hiện tại khá yên ắng, chỉ có đội ngũ bảo vệ và công nhân vệ sinh thường trực.
Trong hợp đồng được Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Long An cung cấp, chủ đầu tư dự án Happyland sẽ chuyển nhượng 88% số lượng cổ phần cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Vina Oscar Hotel, Hong Kong, Trung Quốc. Giá trị chuyển nhượng lên tới 668 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, việc chuyển nhượng liên doanh với đối tác ngoại sẽ giúp công ty hoàn thành nghĩa vụ nợ và đưa dự án trở lại hoạt động. Tuy nhiên để có thời gian hoàn thiện các thủ tục hồ sơ tài chính ngân hàng, pháp lý, chủ đầu tư lại tiếp tục xin tạm hoãn thời gian thi hành án đến hết tháng 11, thay vì cuối tháng 8 này. Đến nay, Khang Thông chỉ mới thanh toán khoản tiền nợ 1 tỷ đồng trong tổng 800 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty cổ phần và phát triển hạ tầng Phú An đã khởi công xây dựng thêm một số hạng mục trọng điểm như: Khu khách sạn 5 sao hơn 1.000 phòng, khu resort, khu giải trí…
Dự án cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Quy hoạch phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo văn bản số 1052/BVHTTDL-KHTC, ngày 1-4-2010.
Theo thông tin do chủ đầu tư cung cấp tại thời điểm khởi công dự án năm 2011, Khu phức hợp giải trí Happyland Khang Thông được thiết kế để đón khoảng 14 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 42014.
Chủ đầu tư đang phối hợp với các đối tác triển khai xây dựng trở lại các hạng mục, dự án thành phần còn dang dở.
Mặc dù một số dự án thành phần đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng chưa được đưa vào khai thác.
Bà Phan Thị Phương Thảo - Chủ tịch tập đoàn Khang Thông cho biết từ 2 năm qua chỉ có dự án trường đua xe mô tô là "kiếm ra tiền". Dự án Happyland phải mất 5 năm để hoàn thành các thủ tục pháp lý dù đã khởi công từ hơn 7 năm trước.
Dự án tọa lạc tại một vị trí đắc địa của tỉnh Long An, giao thông kết nối TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khá thuận lợi. Tuy nhiên, như lời bà Thỏ nói: "Chúng tôi xui là làm dự án ngay khi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo ập đến", dự án lâm vào nợ nần.