Dự án Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ ‘ì ạch’, ĐBQH đề nghị không thể mãi làm theo cách cũ
Hạ tầng giao thông vùng đồng bằng Sông Cửu Long chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong phiên chất vấn ngày 15/6.
Nút thắt trong thiết kế
Thống kê cho thấy đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có 2,9 triệu ha đất nông nghiệp trồng lúa và 800 ngàn hécta đất nuôi trồng thủy sản. Với 18 triệu dân của đồng bằng, hàng năm đồng bằng đã đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực và khoảng 45% sản lượng nuôi trồng thủy sản và đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, đại biểu Trần Thị Hoa Ry trăn trở với câu chuyện về tải trọng vẫn đang là một vấn đề bế tắc lớn. Tiến độ thực hiện nhiều công trình quan trọng có tính chất động lực phát triển cho vùng đồng bằng đang chậm so với kế hoạch, trong đó có tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ.
Đồng tính với ý kiến của bà Ry, đại biểu Trần Văn Thể nhấn mạnh đường Trung Lương - Cần Thơ là một trục đường quan trọng nhất của cả miền Nam. Lưu lượng hiện nay cao nhất nước, mỗi một ngày có 50 ngàn xe đi trên tuyến đường này, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục. Đi từ thành phố Cần Thơ lên Thành phố Hồ Chí Minh có 150km nhưng mất tới 3,5 giờ, có nghĩa vận tốc khoảng 40km/giờ.
"Xin thưa đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh là trên 32 triệu dân chỉ có 40 km đường ô tô cao tốc", ông Thể chất vấn.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thừa nhận cao tốc này thực sự gặp nhiều thăng trầm khi được khởi công từ năm 2010 nhưng cho đến năm vừa rồi, trước những khó khăn và có những vấn đề chưa hợp lý thì Bộ đã yêu cầu kiểm tra, làm lại.
Nguyên nhân được tư lệnh ngành giao thông vận tải chỉ ra là "tự nhiên lại có một nút thắt". Nút thắt này chính là trong thiết kế đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong giai đoạn trước chỉ làm quy mô 13 mét, trong khi đó Sài Gòn - Trung Lương là 17 mét, Mỹ Thuận - Cần Thơ là 17 mét.
"Đến nay cơ bản đã được Chính phủ đồng thuận với quy mô điều chỉnh Trung Lương - Mỹ Thuận là 17 mét để có quy mô chung từ Sài Gòn đến Cần Thơ. Ngân hàng Công thương Việt Nam đang đàm phán thu xếp vốn. Chúng tôi hy vọng cuối quý II đàm phán đó xong.
Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ nằm trong gói đường cao tốc Bắc - Nam sắp tới sẽ được triển khai. Dự án đó đang trong giai đoạn được phê duyệt", Bộ trưởng Nghĩa đưa ra giải pháp.
Và điểm nghẽn thu xếp vốn
Tuy nhiên lời giải trình của Bộ trưởng Nghĩa không nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé. Đúng là có điểm nghẽn ở thiết kế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có tồn tại sự yếu kém của ngành chuyên môn trong công tác tham mưu hay không.
"Nhiệm kỳ vừa rồi xây dựng, nhiệm kỳ này chúng ta sửa đổi làm kéo dài dự án và sự kéo dài này sẽ kiềm hãm sự phát triển của những dự án đầu tư ở những vùng đó. Tôi đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp để khắc phục sự yếu kém này trong thời gian tới, khi chúng ta triển khai các dự án khác", bà Bé chất vấn.
Phó Thủ tướng Bình thẳng thắn thừa nhận: "Trong đó dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ có chậm, vấn đề này Chính phủ thấy cũng có sự yếu kém trong công tác tham mưu, sự kéo dài này cũng góp phần gây kìm hãm các dự án khác trong vùng. Việc khó khăn ở đây là do sự thu xếp vốn của Bộ Giao thông Vận tải, sáng nay đồng chí Bộ trưởng cũng nói rồi, sẽ khắc phục điểm này".
Câu trả lời của ông về khó khăn trong việc thu xếp vốn cũng chính là nỗi băn khoăn lớn của đại biểu Nguyễn Văn Thể. Năm 2009 dự án này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công. Cách thu xếp vốn là doanh nghiệp BIDV thu xếp vốn để triển khai dự án, dự kiến năm 2012 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, dự án này BIDV không thu xếp được vốn. Do đó, đến năm 2015 Bộ Giao thông Vận tải tái khởi động và thành lập một liên doanh BOT 5 nhà đầu tư. 5 nhà đầu tư này dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành. Đến thời điểm này chưa làm gì, bây giờ Bộ Giao thông Vận tải giao tiếp cho Vietinbank.
"Tôi e rằng cách làm hiện nay không biết tới lúc nào mới xong con đường này. Tôi đề nghị không làm cách này nữa, đề nghị Chính phủ cân đối hỗ trợ một phần kinh phí, một phần thu xếp của doanh nghiệp để chúng ta làm được", đại biểu này e ngại.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có bổ sung phần Trung Lương - Mỹ Thuận, cả dự án này Chính phủ sẽ sử dụng nguồn vốn 5.000 tỷ trước mắt, đồng thời cũng toàn bộ huy động BOT.
"Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành cân đối, tạo mọi điều kiện làm thế nào dự án này triển khai và hoàn thành xây dựng trước năm 2020", đại diện Chính phủ khẳng định.