Dự án cao ốc tại nơi quy hoạch bị 'bóp méo' liên tục điều chỉnh, dân lo mất đường đi
Dự án cao ốc trên khu “đất vàng” đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) ký hiệu là 3.10-NO được UBND TP Hà Nội quy hoạch từ năm 2002, tuy nhiên dự án không thực hiện theo mục tiêu ban đầu mà liên tục xin điều chỉnh làm thay đổi chức năng sử dụng đất, nhồi thêm tầng. Trong khi đó, người dân khu vực lo ngại dự án gây quá tải lên hạ tầng, “nuốt” con đường dân sinh…
Điều chỉnh tùm lum, biến văn phòng thành chung cư để ở
Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng liên quan đến công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng được duyệt tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội) đã chỉ ra nhiều vi phạm, sai sót, tồn tại. Thậm chí, nhiều dự án liên tục điều chỉnh làm thay đổi chức năng sử dụng đất, "nhồi" thêm tầng cao… khiến cư dân khu vực vô cùng bức xúc vì hạ tầng khu vực luôn trọng tình trạng quá tải.
Đơn cử, tại dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO trên đường Lê Văn Lương do liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (Handiresco) là chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch của UBND TP, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội (Sở QH-KT).
Khu đất có chức năng văn phòng tại ô đất 3.10-NO đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) biến thành đất hỗn hợp để xây dựng công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở cao 25 tầng, 3 tầng hầm.
Theo đó, năm 2004, UBND TP có quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu quy hoạch là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 48%, tầng cao 12 tầng. Đến ngày 13/10/2008, Sở QH-KT có tờ trình số 563, UBND TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại văn bản 3362 năm 2008 đã điều chỉnh ô đất 3.10-NO thành văn phòng, thương mại 16 tầng, chung cư 25 tầng (không kể tầng kỹ thuật), nhà trẻ 4 tầng.
Tiếp đến, năm 2012, UBND TP có quyết định số 4826 điều chỉnh cục bộ ô đất 3.10-NO thành công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ gồm khối văn phòng 16 tầng, khối chung cư 25 tầng (không kể tầng kỹ thuật), nhà trẻ 4 tầng, mật độ xây dựng 44,53%, dân số 800 người là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh; không tính toán đến giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Năm 2013, Sở QH-KT có công văn 2753 chấp thuận phương án kiến trúc (PAKT) công trình nhà ở 27 tầng, công trình văn phòng 18 tầng (kể cả kỹ thuật và tum thang), vượt 1 tầng đối với công trình nhà ở và vượt 2 tầng đối với công trình văn phòng so với điều chỉnh cục bộ quy hoạch được phê duyệt trước đó.
Đến năm 2016, Sở QH-KT tiếp tục có văn bản đề xuất UBND TP; ngày 1/16/2016, Văn phòng UBND TP có văn bản thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP chấp thuận chủ trương điều chỉnh khối văn phòng 16 tầng thành tổ hợp văn phòng, DVTM, nhà ở và nhà trẻ 25 tầng; tháng 1/2017, Sở QH-KT cấp GPQH số 529; tháng 7, Sở này tiếp tục có văn bản chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng, PAKT; và đến ngày 22/4/2020, UBND TP có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án làm tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm gần 10.800m2, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Ngoài ra, Sở QH-KT chấp thuận tổng mặt bằng, PAKT tại các công văn 3879 ngày 12/12/2012, số 2753 ngày 28/8/2013 có phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, trùng chỉ giới đường đỏ là vượt thẩm quyền, vi phạm Nghị định 39 năm 2010 của Chính phủ.
"Như vậy, UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh 1 lần sai quy định pháp luật. 4 lần điều chỉnh đã điều chỉnh từ đất ở thành văn phòng, thương mại (2008); thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012); 1 khối văn phòng lại thành tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ (năm 2017) đã làm tăng tầng cao từ trung bình 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m2", Kết luận thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ.
Theo cơ quan thanh tra, trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, Sở QH-KT do đó, đề nghị UBND TP, Sở QH-KT theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, năm 2014 Sở Xây dựng cấp GPXD có phần hầm vượt chỉ giới xây dựng (theo quyết định của UBND TP cho phép xây dựng tầng hầm nhà chung cư diện tích 3.188m2 nhưng GPXD cấp 3.245m2).
Chủ đầu tư dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO trên đường Lê Văn Lương (tên thương mại Handiresco) xây sai phép tùm lum.
Ngoài ra, chủ đầu tư thi công sai GPXD: thay đổi chiều cao tầng kỹ thuật, thi công 12 cột bê tông cốt thép, dầm từ trục 2-13 đến trục A-A1 mà GPXD không có 12 cột này. Dù Đội QLTTXD quận Thanh Xuân đã lập biên bản vi phạm hành chính, UBND phường Nhân Chính có quyết định đình chỉ thi công nhưng UBND quận Thanh Xuân không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trên thực tế, đến tháng 7/2020 bộ phận công trình vi phạm vẫn tồn tại.
Qua kiểm tra thực tế, cơ quan thanh tra cũng phát hiện chủ đầu tư xây dựng sai GPXD: theo GPXD hầm lửng cốt -3,9 diện tích 2.148m2 nhưng thực tế xây dựng 3.245m2, tuy nhiên UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính, Đội QLTTXD quận không kiểm tra, xử lý.
Cùng với đó, chủ đầu tư không đầu tư xây dựng cây xanh và bãi đỗ xe theo TMB được chấp thuận, thực hiện không đúng tiến độ đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh (từ Quý IV/2014 – Quý III/2018).
Lo sụt lún nhà, mất đường dân sinh
Theo ghi nhận, tại ô đất 3.10-NO Lê Văn Lương chủ đầu tư đang rục rịch thi công phần hầm công trình NO1 thuộc dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê – nhà ở.
Tuy nhiên, cư dân khu Tập thể Thủy sản tại ngõ 1 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) sống cạnh công trình này thời gian qua liên tục kêu cứu, lo ngại việc thêm tòa cao ốc 25 tầng "mọc" lên trên tuyến đường Lê Văn Lương vốn đang "gánh" hàng chục tòa chung cư san sát sẽ khiến hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu vực này ngày càng quá tải. Cư dân ở đây còn lo lắng, khi triển khai công trình NO1 tại ô đất 3.10-NO Lê Văn Lương sẽ "nuốt" mất con đường dân sinh của người dân.
Theo cư dân khu Tập thể Thủy sản, hồi tháng 10/2021, họ tá hỏa khi biết thông tin chủ đầu tư thi công tòa NO1, trong đó có việc rào chắn Ngõ 1 Lê Văn Thiêm giáp với khu Tập thể Thủy sản để đào móng thi công 3 tầng hầm.
Người dân lo ngại chủ đầu tư thi công tòa NO1, trong đó có việc rào chắn Ngõ 1 Lê Văn Thiêm giáp với khu Tập thể Thủy sản để đào móng thi công 3 tầng hầm sẽ "nuốt" mất con đường dân sinh (khoanh đỏ-PV), tiềm ẩn nguy cơ sụt lún, mất an toàn PCCC...
Cư dân ở đây cho biết, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm là con đường dân sinh cứu hỏa, cứu thương mà khu dân cư đã sử dụng hàng chục năm qua theo đúng quy hoạch của thành phố. Đáng chú ý, tại văn bản 222 năm 2009 của Thanh tra Bộ Xây dựng trả lời người dân cũng khẳng định, ô đất 3.10-NO theo quy hoạch được xây nhà từ 9-18 tầng thuộc phía Đông Nam đường Láng Hạ - Thanh Xuân, có mặt cắt ngang tuyến đường giáp ranh với khu dân cư từ 13,5m đến 17,5m. Qua kiểm tra tra thực tế, đoạn đường ô đất 3.10-NO đã có mặt cắt ngang 13,5m (lòng đường 8,5m).
Bên cạnh đó, tại văn bản 3879/QHKT-P2 năm 2012 của Sở Quy hoạch-Kiến Trúc Hà Nội yêu cầu, tuyến đường nội bộ ở phía Đông Nam khu đất tuyệt đối không xây dựng công trình kể cả tường rào, sử dụng chung với khu dân cư. Công trình xây dựng cần đảm bảo yêu cầu khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không làm ảnh hưởng đến giao thông, an toàn kết cấu các công trình lân cận…
"Việc chủ đầu tư rào chắn, phong tỏa con đường dân sinh, cứu hỏa tại Ngõ 1 Lê Văn Thiêm để đào đường xây dựng 3 tầng hầm sâu dưới lòng đất hàng chục mét, cách móng của các ngôi nhà dân với khoảng cách hơn 3m sẽ không an toàn cho công tác PCCC, cấp cứu… Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, có người ốm đau phải đi cấp cứu thì xe cứu hỏa, cứu thương sẽ không vào được do lòng đường quá hẹp chỉ còn hơn 1m (vỉa hè 2m – PV), việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đe dọa đến tính mạng của người dân sinh sống tại đây. Cùng với đó là việc đào hầm sâu sát nhà dân nguy cơ gây sụt lún đối với các hộ dân liền kề là rất lớn", cư dân khu Tập thể Thủy sản bức xúc.
Đồng thời, cư dân cũng kiến nghị, ngoài những dự án vi phạm đã hoàn thiện đưa vào sử dụng thì đối với một số dự án còn sót lại bên "tuyến đường đau khổ" Lê Văn Lương bị băm nát quy hoạch chậm triển khai thì cơ quan chức năng cần rà soát, "phanh" lại để dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, giáo dục, bố trí vườn hoa, sân chơi…