Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông: Thập kỉ sa lầy của BIM Group

10/04/2017 07:31 AM | Kinh doanh

Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008, nhưng gần 10 năm qua, dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông của BIM Group vẫn chỉ là bãi đất trống vì chưa hoàn tất khâu giải tỏa mặt bằng.

Gần 10 năm lóng ngóng giải phóng mặt bằng

Nằm gần khu đô thị Dương Nội, có diện tích 16,7 ha, Bệnh viện Quốc tế Hà Đông là dự án do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group) làm chủ đầu tư.

Dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra văn bản số 1655/UBND/VX ngày 10/7/2007 chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư số 03121000253 ngày 6/6/2008.

Ngày 25/4/2008, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định số 1056/QĐ-UBND về việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đến tháng 7 cùng năm, UBND tỉnh tiếp tục ra quyết định 2398/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ giải tỏa mặt bằng.

Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, tháng 8/2009, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định số 4196/QĐ-UBND về việc thu hồi 16,7 ha đất tại phường Dương Nội, quận Hà Đông giao cho BIM Group thuê để thực hiện dự án.

Hơn 1 năm sau đó, BIM Group đã được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Hà Đông bàn giao mặt bằng phần đất đã được giải tỏa với tổng diện tích hơn 15,8 ha. Phần còn lại, khoảng gần 4.000 m2 của 11 hộ gia đình, tính đến tháng 3/2016 vẫn chưa được giải tỏa.

Cho đến thời điểm tháng 4/2017, dự án vẫn còn 7 hộ gia đình (6 hộ tại tổ dân phố Hoàng Văn Thụ, 1 hộ tại tổ dân phố Kiên Quyết) chưa nhận đền bù với diện tích khoảng vài nghìn m2.


Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông của BIM Group vẫn chỉ là bãi đất trống

Dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông của BIM Group vẫn chỉ là bãi đất trống

Theo đơn khiếu nại của các hộ dân, việc đền bù không đúng quy định là nguyên nhân chủ yếu khiến họ không chấp nhận bàn giao đất cho dự án.

Cụ thể, đơn thư của bà Dương Thị Khuê (nhận ủy quyền từ cha ruột Dương Văn Hà) khiếu nại quyết định cưỡng chế 1638 ngày 20/3/2017 của UBND quận Hà Đông cho biết, gia đình có 1.389 m2 đất nông nghiệp (được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ) gồm 4 thửa đất.

Đầu năm 2010, 3/4 thửa đất này đã được UBND quận Hà Đông thu hồi để phục vụ cho dự án khác. Tuy nhiên, UBND quận lại không ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư chi tiết cho từng hộ, không gửi phần chi tiết cho gia đình ông Hà, tức thực hiện chưa đúng quy định tại điều 56, 57 Nghị định 84/2007/NĐ-CP (dẫn theo kết luận 1078/KL-TTCP ngày 4/5/2012 của Thanh tra Chính phủ).

Riêng thửa đất cuối cùng (rộng 360 m2) có quyết định thu hồi tháng 6/2010 để thực hiện dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông, UBND quận có phê duyệt phương án kèm phương án chi tiết (Quyết định 7161/QĐ-UBND ngày 9/9/2010). Tuy nhiên, bà Khuê cho rằng phương án này lập chưa đúng quy định.

Cụ thể, bà Khuê cho rằng, chính quyền căn cứ Nghị định 84, Nghị định 197 và Quyết định 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND Hà Nội để thu hồi đất nhưng lại không làm đúng trình tự tại các văn bản trên.

Theo điều 40, Quyết định 18, khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao, thì hộ sử dụng ngoài việc được nhận tiền chuyển đổi nghề nghiệp (30 nghìn đồng/m2) còn được hỗ trợ bằng giao đất ở, hoặc bán nhà chung cư, hoặc bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, phương án chi tiết chỉ có tiền chuyển đổi nghề nghiệp mà không có khoản hỗ trợ còn lại.

Do khoản hỗ trợ này chỉ được nhận 1 lần, thửa đất 360 m2 lại là thửa cuối cùng và duy nhất trong 4 thửa có phương án chi tiết nên bà Khuê cương quyết yêu cầu được bồi thường mới bàn giao đất.

Đây cũng tình trạng chung của các hộ dân chưa nhận tiền đền bù đất tại dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông hiện nay.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, sáng 7/4, chính quyền phường Dương Nội đã tổ chức cưỡng chế đối với 7 hộ dân chưa bàn giao đất (phục vụ dự án Bệnh viện Quốc tế Hà Đông). Tuy nhiên, người dân cho biết họ vẫn chưa nhận tiền đền bù và tiếp tục kiến nghị về quyền lợi liên quan.

Đại gia ngoại có giúp BIM Group thoát vũng lầy?

Trong lúc BIM Group vẫn còn đang “ngụp lặn” trong việc giải tỏa mặt bằng thì trong tháng 3 vừa qua, thông tin đại gia AEON Mall Việt Nam sẽ xây dựng một trung tâm thương mại tại quận Hà Đông đã nhanh chóng lan khắp thị trường.

Khu đất mà AEON Mall Việt Nam dự tính xây dựng rộng 9,5 ha, nằm ngay trên chính mảnh đất dự án Bệnh viên Quốc tế Hà Đông của BIM Group.


AEON Mall Việt Nam có giúp BIM Group thoát khỏi vũng lầy?

AEON Mall Việt Nam có giúp BIM Group thoát khỏi vũng lầy?

Được biết dự án này sẽ được AEON Mall Việt Nam khởi công ngay trong năm 2017 và dự kiến khai trương cuối năm 2019. Với quy mô 200.000 m2 sàn, AEON Mall Hà Đông sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

Việc một đại gia bán lẻ hàng đầu thế giới nhảy vào hợp tác với BIM Group vào lúc này, lại ngay trên khu đất đang có tranh chấp đất đai làm dấy lên những nghi vấn: liệu AEON Mall đã có chiến thuật riêng giải quyết tranh chấp hay lại một lần nữa, cùng BIM Group lún sâu vào vũng lầy?

Theo Lê Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM