Dự án “10 năm có một” ở Hà Giang và đà “Bắc tiến” của ngành sữa Việt

08/12/2017 15:30 PM | Kinh doanh

Chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc là kế hoạch của rất nhiều doanh nghiệp sữa của Việt Nam, và ngành sữa có thể làm được bằng quyết tâm, trí tuệ và bản lĩnh của mình.

Tập đoàn TH – doanh nghiệp hàng đầu của ngành sữa VN hiện nay có lẽ sẽ “Bắc tiến” có phần thuận lợi và mạnh mẽ hơn, vì họ đã có mặt tại Vị Xuyên, Hà Giang, để không chỉ xây dựng một cơ ngơi hàng nghìn tỷ đồng với hàng chục nghìn con bò sữa, mà còn góp phần thay da đổi thịt vùng đất địa đầu cũng như đánh thêm một dấu mốc trên “bản đồ sữa” của mình.

Dự án “mười năm có một” mà không bất ngờ

“Đây là dự án đầu tư lớn nhất trong 10 năm trở lại đây ở Hà Giang”, đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, về dự án chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa trị giá 2.500 tỷ đồng của tập đoàn TH mới được triển khai ở Phong Quang – Vị Xuyên.

Tại sao lại là Hà Giang? Đây là câu hỏi mà chúng tôi đã gửi tới những người đang tiên phong mở đường của dự án này. Bà Lưu Thị Thu Hiền – chủ tịch hội đồng thành viên dự án chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Hà Giang của Tập đoàn TH đã lý giải:

“Đất và nước là những yếu tố quyết định khi làm trang trại. Chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng thổ nhưỡng , khí hậu rất tốt, phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Nguồn nước là nguồn nước sông Lô và nước suối nguồn, bảo vệ rừng tốt thì nước không bị cạn bao giờ. Đặc biệt, vị trí này lại gần biên giới với Trung Quốc, mà TH lại có chiến lược xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc nên rất thuận lợi. Hà Giang có cơ chế mời gọi đầu tư rất tốt. Nhân dân cũng ủng hộ chúng tôi thực hiện dự án này. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã hội tụ và đó là lý do chúng tôi chọn nơi đây”.

Địa điểm thực hiện dự án này của TH đến nay đã được đánh giá là một mảnh đất còn nhiều khó khăn của đất nước, nhưng lại là nơi có thể đóng vai trò liên kết vùng cho các tỉnh lân cận, có thể gọi là một điểm trung gian giữa Tây Bắc và Đông Bắc, thuận tiện về nhiều mặt. Để chọn được vị trí này là những ngày tháng vất vả đi tìm đất, tìm những đối tác cùng chung ý chí và quyết tâm.

Dự án “10 năm có một” ở Hà Giang và đà “Bắc tiến” của ngành sữa Việt - Ảnh 1.

Bộ phận Dự án của tập đoàn TH và cán bộ nông nghiệp huyện Vị Xuyên kiểm tra hiện trạng đất trang trại

“Chúng tôi đang vẽ một ‘bản đồ sữa’ ở Việt Nam. Mong muốn của chúng tôi là trên đất nước Việt Nam, bất kỳ chỗ nào có đất thì chúng tôi sẽ đưa công nghệ vào, đưa khoa học quản trị vào để tận dụng tối đa những giá trị của đất đai, tạo ra những sản phẩm - không những là sữa – mà là những sản phẩm của nông nghiệp công nghệ cao, để phục vụ bà con mình, sau đó là xuất khẩu”, bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH nói.

Theo bà Thái Hương, khi làm dự án ở Hà Giang, sữa mới là bước đầu tiên, sau đó sữa kết hợp với thảo dược có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất ở đây. Tầm nhìn của nhà lãnh đạo TH là “sẽ làm nông nghiệp hoàn toàn tự nhiên, hữu cơ, trồng thảo dược hữu cơ dưới tán rừng, hái lượm tự nhiên để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, tạo ra những nguồn thu cho bà con và từ đó ta sẽ có một thế hệ Việt Nam cao khỏe hơn”.

Tầm nhìn đó gắn liền với quan điểm “Nhà đầu tư không tối đa hóa lợi nhuận mà hài hòa lợi ích giữa người dân với nhà đầu tư”.

“Quan điểm đó quý lắm!”- phát biểu tại Lễ động thổ Dự án diễn ra ngày 27/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, “Không phải ai cũng có quan điểm như thế, và tôi nghĩ phải có quan điểm như thế thì mới thành công”.

“Bắc tiến” - từ Vị Xuyên

Giữa năm 2017, Bộ Công thương vẫn mới chỉ đang thực hiện các bước xúc tiến với phía Trung Quốc để giúp các doanh nghiệp sữa Việt Nam tiếp cận thị trường sữa tiềm năng với 1,4 tỷ dân nhưng tại thời điểm đó, phía Trung Quốc chưa chính thức thông thương mặt hàng này với các doanh nghiệp Việt.

Tới thời điểm cuối 2017, những thương hiệu sữa mạnh của Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận được thị trường rộng lớn này. Tập đoàn TH đã xúc tiến và mở những cửa hàng phân phối sản phẩm tiên tại Trung Quốc. Bà Thái Hương cho biết, TH mỗi tháng nhận được đơn hàng 50-60 container sữa và các sản phẩm sữa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng tập đoàn hiện chưa đáp ứng đủ lượng cầu đó.

Dự án “10 năm có một” ở Hà Giang và đà “Bắc tiến” của ngành sữa Việt - Ảnh 2.

Cuộc sống của người dân xã biên giới Phong Quang sẽ sớm có sự đổi thay

“Vẽ bản đồ sữa Việt Nam”, mang ly sữa tươi sạch của Việt Nam đi khắp thế giới là một ước mơ lớn của TH. “Chúng ta đang ở đây, chỉ cách một con sông và chưa đầy 10 km là tới cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, và đó là định hướng mà tôi muốn vươn xa”, bà Thái Hương phát biểu tại Lễ động thổ dự án bò sữa của TH tại Hà Giang.

TH không phải doanh nghiệp duy nhất hay đơn độc trên con đường “Bắc tiến” với đầy tâm huyết, trí tuệ và bản lĩnh này của ngành sữa, nhưng TH có sự khác biệt, và với của kinh nghiệm gần 10 năm làm sữa sạch từ Nghệ An, ít nhất trong tương lai gần, họ có thể “Bắc tiến” thuận lợi và mạnh mẽ hơn, từ Vị Xuyên!

Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao Hà Giang được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty TNHH trang trại bò sữa công nghệ cao Hà Giang (thuộc tập đoàn TH) có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, quy mô đàn khoảng 10.000 con; quy hoạch diện tích đất trồng cây nguyên liệu thức ăn cho bò sữa gồm 663 ha vùng lõi và 2.000 ha liên kết với vùng nguyên liệu của người dân địa phương.

 

A.D

Từ khóa:  sữa tươi
Cùng chuyên mục
XEM