Đột tử - căn bệnh nguy hiểm và dễ tử vong như đột quỵ: Chuyên gia chỉ rõ các tiền triệu chứng
Đột tử và đột quỵ đều là những bệnh lý nguy hiểm dễ tử vong. Đột tử thường có nguyên nhân từ bệnh lý tim mạch, đột quỵ căn nguyên thường do tổn thương mạch máu não.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay, nhiều người ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng cũng không hiểu đâu là đột quỵ và đâu là đột tử. Đột quỵ và đột tử khác nhau hoàn toàn.
"Gần đây, có một số người nổi tiếng ra đi đột ngột do bị đột quỵ, nhưng tôi nghĩ đến khả năng đột tử nhiều hơn. Đột tử (Sudden Death) là tình trạng nạn nhân tử vong một cách đột ngột, bất ngờ ngay lập tức khi vừa phát bệnh. Đột tử có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào.
Có nhiều nguyên nhân gây ra đột tử như: Người có hội chứng về tim; Hội chứng Brugada (một tình trạng đặc biệt trong đột tử, có thể khiến người bệnh đột tử trong đêm không giải thích được); nhồi máu cơ tim cấp... Đa số các trường hợp đột tử thường có liên quan tới các bệnh lý về tim mạch", PGS. TS Hoài Nam cho hay.
Đột tử thường gây ra cái chết đột ngột, ảnh minh hoạ.
Ở Mỹ, đột tử thường có nguyên nhân hàng đầu là bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim cấp) và đột tử đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của bệnh mạch vành.
Theo PGS. TS Hoài Nam khác với đột tử, đột quỵ là tình trạng tai biến mạch máu não, mạch máu não bị tổn thương. Nạn nhân bị đột quỵ sẽ tử vong sau khi được đưa tới bệnh viện rơi vào hôn mê từ 2-3 ngày, có trường hợp lên tới 7 ngày.
Đột quỵ có 2 loại: nghẽn mạch máu não hoặc vỡ mạch máu não. Đột quỵ nghẽn mạch chiếm phần lớn (80%), đột quỵ vỡ mạch máu. Đột quỵ thường gặp ở người trên 60 tuổi.
Đột tử có phòng tránh được hay không? PGS. TS Hoài Nam cho biết, đột tử có thể phòng tránh được nếu như có một lối sống khoa học, kiểm soát được những bệnh lý nền bằng cách tuân thủ thuốc và điều trị của bác sĩ.
"Người có triệu chứng đau nặng ngực nên đi khám bác sĩ tim mạch để xem biết có hẹp động mạch vành hay không. Nhiều người thường chủ quan bỏ qua triệu chứng đau nặng ngực dẫn tới đột tử", PGS. TS Hoài Nam nói.
Ngoài ra, cần phải bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, uống bia, kiểm soát cân nặng không để thừa cân béo phì. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, tăng cường vận động mỗi ngày, không nên thức quá khuya.
Theo chuyên gia đột tử có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, ngay cả với người đang còn trẻ . Đột tử có nguy cơ cao xảy ra ở những nhóm người sau: Người thừa cân béo phì; Người tăng huyết áp; Người bệnh lý mạch vành; Người hút thuốc lá lâu năm; Người mắc đái tháo đường…
Trước khi xảy ra đột tử bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện tiền triệu chứng như: đau ngực , hồi hộp, khó thở, mệt.
PGS. TS Hoài Nam khuyến cáo: "Đột tử gây ra cái chết bất ngờ, đột ngột nhưng thường có liên quan tới bệnh lý tim mạch. Vì vậy, cách tránh đột tử tốt nhất là người bị đau nặng ngực, hút thuốc lâu năm, người có bệnh lý nền nên đi chụp CT mạch máu để được biết nguy cơ và phòng tránh".