Dòng vốn tháo chạy mạnh hơn cả 3 cuộc khủng hoảng gần nhất, biện pháp kích thích của nước giàu đe dọa "nhấn chìm" các nước nghèo?
Hạ lãi suất có thể giúp ích cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng ngày càng có nhiều quốc gia đang cắt giảm lãi suất xuống mức thấp đến nỗi không thể bù đắp cho lạm phát – điều thôi thúc dòng vốn ngoại tháo chạy.
Dòng vốn khổng lồ tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi đang khiến nhiều nền kinh tế rơi vào tình cảnh rất khó xử và không thể thoát ra được: các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ mà các nước phát triển đang triển khai khiến tình hình trở nên xấu đi nghiêm trọng.
Hạ lãi suất có thể giúp ích cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng ngày càng có nhiều quốc gia đang cắt giảm lãi suất xuống mức thấp đến nỗi không thể bù đắp cho lạm phát – điều thôi thúc dòng vốn ngoại tháo chạy. Và mở rộng tài khóa có thể tạo nên những lo ngại về sức khỏe nền tài chính của các nước mới nổi, làm tăng khả năng bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm và phải cầu cứu viện trợ quốc tế.
"Chúng ta nên lo lắng về các thị trường mới nổi", Barry Eichengreen, chuyên gia kinh tế tại ĐH California Berkeley nói. Ngoài việc phải chịu đựng nhiều hơn từ cú sụp đổ của giá hàng hóa, chuỗi cung ứng, thương mại và chi tiêu, bộ phận này đang đối mặt với tình cảnh dòng chảy vốn đột ngột dừng lại.
Nhiều nền kinh tế đang thực hiện chính sách lãi suất siêu thấp. Nguồn: Bloomberg.
"Tội lỗi nguyên thủy’
Eichengreen và 1 nhà kinh tế học khác là Ricardo Hausmann chính là những người đã đưa ra thuật ngữ "original sin" (tạm dịch: tội lỗi nguyên thủy) để miêu tả nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, ám chỉ việc các nền kinh tế châu Á quá phụ thuộc vào vay mượn bằng ngoại tệ.
Mặc dù nhiều thị trường mới nổi đã cật lực điều chỉnh để giảm thiểu rủi ro bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ như xây dựng thị trường nợ nội địa và tăng cường tích trữ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá khi rắc rối ập đến, những vấn đề xưa cũ vẫn còn tồn tại và tiếp tục nổi lên. Những gì diễn ra trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi Mỹ phát tín hiệu rút lại chương trình nới lỏng định lượng năm 2013 và cú sốc phá giá nhân dân tệ năm 2015 cho thấy kịch bản khủng hoảng hoàn toàn có thể lặp lại ở các nước đang phát triển.
Thậm chí, xét theo 1 tiêu chí thì tình hình còn tệ hơn cả trước đây.
Dòng vốn vị rút khỏi các thị trường mới nổi trong 70 ngày qua đã vượt quá các cuộc khủng hoảng trước.
Số liệu của Viện Tài chính quốc tế cho thấy trong 70 ngày kể từ ngày 21/1, khi dịch bệnh bắt đầu gây chú ý ở Trung Quốc, khoảng 92,5 tỷ USD các khoản đầu tư theo danh mục được nắm giữ bởi các tổ chức và cá nhân nước ngoài đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi. Quy đổi theo thời giá thì 3 sự kiện kể trên chỉ khiến 25 tỷ USD bị rút ra.
"So với khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường mới nổi là quá trình kéo dài và dễ kiểm soát hơn, lần này dòng vốn bị rút ra nhanh hơn và trong thời gian ngắn hơn", chuyên gia kinh tế Jonathan Fortun của IIF cho hay.
Lần này có 1 ngoại lệ: Trung Quốc. Nước này tiếp tục hưởng lợi từ việc đa dạng hóa dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ mở cửa thị trường trái phiếu lớn thứ hai thế giới. Những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của nước này cũng giúp TTCK có diễn biến vượt trội so với phần còn lại của thế giới.
Nhưng các nước khác đều có 1 khởi đầu tồi tệ cho năm 2020. Chỉ số MSCI mới nổi loại trừ cổ phiếu Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư lỗ 31% trong quý vừa qua, tệ hơn mức 21% của các cổ phiếu ở thị trường phát triển. Brazil, Nam Phi, Nga và Mexico đều chứng kiến đồng nội tệ mất hơn 20% giá trị so với USD trong 3 tháng qua.
Nới lỏng tiền tệ đe dọa làm cho các đồng tiền mất giá, triệt tiêu lợi nhuận của hoạt động carry trade – thứ giúp các nước đang phát triển thu hút dòng vốn ngoại. giờ đây các NHTW lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: vừa phải hạ lãi suất để giải cứu nền kinh tế nhưng không được hạ thấp quá để ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô.
Chi phí đi vay
Đồng nội tệ mất giá là điều đặc biệt tồi tệ với các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển huy động nợ ở thị trường nước ngoài. Khoảng 13% nợ doanh nghiệp ở thị trường mới nổi là nợ bằng USD, chỉ giảm nhẹ so với con số 15% của năm 2009.
Mặc dù Fed đã tăng nguồn cung USD ở nước ngoài, giúp loại bỏ nguy cơ khan hiếm, vấn đề chi phí đi vay tăng lên vẫn không được giải quyết. Trong bối cảnh kinh tế khó khan thì nhu cầu đi vay lại càng tăng nhanh nhờ những sang kiến tài khóa nhằm ngăn chặn kinh tế suy thoái.
Gần đây Mexico và Nam Phi đã bị hạ bậc xếp hạn tín nhiệm, trong khi các thị trường cận biên phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài đối mặt với chi phí đi vay tăng nhanh hơn và lâu hơn so với các cuộc khủng hoảng trước. Fitch Ratings mới hạ xếp hạng của Colombia, chỉ trên mức rác 1 bậc.
Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải xem xét đến những lựa chọn khác như tài trợ trực tiếp cho các công ty không tiếp cận được nguồn tín dụng, hoặc các NHTW mua nợ chính phủ để tài trợ cho các dự án mở rộng tài khóa, theo nhận định của JPMorgan Chase.
JPMorgan cũng kêu gọi IMF tăng cường cấp tín dụng cho các thành viên đang gặp nguy hiểm. Nam Phi lần đầu tiên đã phát tín hiệu cần sự trợ giúp từ IMF, trong khi Ecuador và Zambia đang tìm cách tái cấu trúc nợ, lo sợ kịch bản vỡ nợ.