Đồng USD đang ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, nhưng ngôi vương tăng giá lại thuộc về đồng Ruble
Nhiều nước đang bất lực trước đà tăng giá của đồng USD, nhưng Nga thì lại đang phải cố gắng hạ nhiệt đồng Ruble của mình.
Sự nguy hại của đồng USD
Theo tờ Wall Street Journal, đồng USD đang tăng giá mạnh nhất hàng chục năm qua, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới vốn đang phải vật lộn với lạm phát. Tồi tệ hơn, sự phổ biến của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế đã khiến đà tăng giá này gây ảnh hưởng lan rộng hơn.
Đà lên giá của đồng tiền này được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến Sri Lanka lâm vào tình trạng thiếu nhiên liệu lẫn lương thực, thế rồi lạm phát tăng cao kỷ lục ở Châu Âu cũng đến một phần từ đây. Tiếp đó, thâm hụt thương mại ngày một lớn của Nhật Bản cũng là vì đồng USD đi lên.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nhiều dự đoán cho rằng FED sẽ nâng lãi suất ít nhất 0,75 điểm phần trăm vào ngày 21/9 để chống lạm phát vẫn tiếp tục tăng ở Mỹ, qua đó đẩy giá đồng USD đi lên.
Tờ WSJ nhận định điều đáng lo ngại hiện nay là các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, Nhật Bản hay Châu Âu dù đã cố gắng bảo vệ đồng nội tệ nhưng bất lực trước đà tăng giá hung hãn của USD.
Trong tuần trước, đồng USD đã lên mức 1 USD đổi hơn 7 Nhân dân tệ lần đầu tiên kể từ năm 2020. Đồng Yên Nhật cũng mất giá hơn 1/5 từ đầu năm đến nay và dù chính phủ Nhật Bản không muốn từ bỏ chính sách kích thích kinh tế nhưng các quan chức cũng đã phải bày tỏ sự lo ngại rằng mọi thứ đang đi quá xa.
Chỉ số ICE USD Index đo lường giá trị đồng USD với một giỏ các đồng tiền chủ chốt của những đối tác thương mại lớn của Mỹ trên thế giới đã tăng hơn 14% kể từ năm 2022, qua đó hướng đến mức tăng mạnh nhất kể từ khi chỉ số này ra đời vào năm 1985.
Hàng loạt đồng tiền lớn trên thế giới như Euro, Yên hay Bảng Anh đã giảm giá mạnh liên tục so với đồng USD. Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi cũng chịu chung số phận. Đồng Pound của Egyptian đã mất giá 18% so với đồng USD, đồng Forint của Hungary mất 20% còn Rand của Nam Phi mất 19%.
Theo WSJ, đồng USD tăng giá mạnh một phần chủ yếu là do FED nâng lãi suất kịch liệt để chống lạm phát, khiến các nhà đầu tư trên thế giới rút vốn khỏi những thị trường khác để đầu cơ vào tài sản Mỹ. Hàng loạt số liệu dự đoán cho thấy lạm phát tại Mỹ sẽ còn ở mức cao bất chấp giá xăng đã hạ nhiệt, qua đó khiến FED tiếp tục nâng lãi suất và đẩy giá đồng USD lên cao hơn nữa.
Ngoài ra, việc các nền kinh tế lớn ngoài Mỹ gặp thách thức cũng khiến mọi người đổ xô vào đồng USD. Tại Châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng và xung đột Ukraine khiến nền kinh tế nơi đây gặp thách thức hậu dịch Covid-19. Ở Trung Quốc, đà giảm tốc kinh tế ngày một lớn trước rủi ro vỡ bong bóng bất động sản kèm diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Tất nhiên, người Mỹ là được hưởng lợi nhiều nhất khi hàng nhập khẩu rẻ hơn do đồng USD lên giá, qua đó góp phần hạ nhiệt lạm phát và gia tăng sức cầu tiêu dùng. Thế nhưng điều này lại đang khiến những nền kinh tế khác phải gánh hậu quả.
Mới đây, Ngân hàng thế giới (World Bank) đã phải cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến một cuộc suy thoái toàn diện khi hàng loạt khủng hoảng tài chính sẽ diễn ra ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Sri Lanka và Pakistan đã là 2 nạn nhân cần đến sự trợ giúp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi Serbia cũng đang phải đàm phán với tổ chức này từ tuần trước.
"Rất nhiều quốc gia đang phải gồng mình gánh chịu những khoản nợ, vốn được dùng để chống đại dịch Covid-19, và việc lãi suất tăng mạnh nhất kể từ thập niên 1990 cùng đồng USD lên giá khiến câu chuyện trở nên xấu đi nghiêm trọng và lan rộng", giáo sư Raghuram Rận của trường đại học Chicago cảnh báo.
Xin được nhắc là đồng USD tăng giá khiến những khoản nợ của các nền kinh tế mới nổi cũng như những công ty vay vốn bằng ngoại tệ phải trả nhiều tiền hơn. Số liệu của Viện tài chính quốc tế (IIF) cho thấy các nền kinh tế mới nổi hiện đang nợ đến 83 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ đáo hạn vào cuối năm nay.
"Hãy tưởng tượng đồng tiền của bạn mất 30% giá trị và bạn sẽ buộc phải cắt giảm những khoản chi tiêu cho y tế, giáo dục...để có thể trả nợ", chuyên gia kinh tế Daniel Munevar của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo.
Đốt dự trữ
Theo WSJ, đồng USD tăng giá khiến các quốc gia phải tốn nhiều tiền hơn cho nhiên liệu và lương thực nhập khẩu. Rất nhiều nền kinh tế đã phải đốt dự trữ ngoại hối của mình để bình ổn thị trường. Mặc dù giá nhiều loại hàng hóa đã rơi khỏi mức đỉnh trong những tháng gần đây nhưng áp lực lên các thị trường đang phát triển vẫn rất lớn.
Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng trung ương cũng cố gắng nâng lãi suất để bảo vệ đồng tiền của họ. Argentina mới đây đã nâng lãi suất lên 75% để chống lạm phát phi mã cũng như bảo vệ đồng Peso, vốn đã mất 30% giá trị so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Ghana cũng gây bất ngờ cho các nhà đầu tư vào tháng trước khi nâng lãi suất lên 22%, dẫu vậy đồng nội tệ của họ vẫn tiếp tục mất giá so với USD.
Không riêng gì các nước mới nổi, những nước giàu cũng chịu trận vì đồng USD. Giá đồng Euro xuống mức thấp nhất lịch sử, mất mốc đổi 1-1 đã khiến lạm phát tại Châu Âu bùng nổ, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng lẫn cuộc xung đột ở Ukraine.
Chủ tịch Christine Lagarde của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) trong cuộc họp đầu tháng 9/2022 đã cảnh báo đồng Euro có thể sẽ mất 12% giá trị trong năm nay, qua đó đẩy lạm phát lên cao hơn nữa. Nhiều nhà đầu tư hiện dự báo ECB có thể sẽ nâng lãi suất lên 2,5%, nhưng như vậy là chưa đủ để giữ giá cho đồng Euro.
Tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này (PBOC) đã cố gắng bơm thêm USD vào thị trường để bình ổn tỷ giá. Đồng thời, PBOC cũng đã giảm lượng dự trữ ngoại hối bắt buộc của các ngân hàng thương mại cũng như áp tỷ giá giao dịch theo ngày cao hơn thị trường.
Tại Nhật Bản, đồng Yên đã xuống mức thấp nhất 24 năm qua, khiến thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 8/2022 đã lên mức kỷ lục 2,82 nghìn tỷ Yên, tương đương 20 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật đã tăng 50% do giá nhiên liệu tăng và đồng Yên mất giá.
Ruble vs USD
Trong khi các nước khốn khổ vì đồng nội tệ mất giá thì Nga lại đang đau đầu vì đồng Ruble của họ tăng giá quá mạnh. Ngay sau khi xung đột Ukraine diễn ra, đồng Ruble đã mất giá kỷ lục để rồi kể từ tháng 3 đến nay, đồng tiền này đã tăng hơn 40% giá trị so với đồng USD.
Thậm chí, giá trị đồng Ruble hiện nay được cho là còn cao hơn cả thời kỳ trước xung đột Ukraine diễn ra, buộc chính phủ phải có điều chỉnh chính sách để hạ nhiệt. Tại thời điểm mất giá, Nga đã nâng lãi suất từ 9,5% lên 20% để bảo vệ đồng tiền thì nay họ lại phải giảm lãi suất xuống còn 8% để hạ nhiệt thị trường.
Không dừng lại ở đó, chính quyền Moscow còn dự định chi 70 tỷ USD để mua đồng Nhân dân tệ và những đồng tiền của các quốc gia thân cận nhằm giảm giá đồng Ruble.
Theo tờ Business Insider, đồng Ruble quá cao cũng chẳng lợi ích gì cho Nga bởi chúng khiến thu nhập từ xuất khẩu dầu bị ảnh hưởng. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết 45% ngân sách của Nga đến từ xuất khẩu dầu mỏ và đồng Ruble tăng giá quá mạnh sẽ làm xói mòn lợi nhuận thu được.
*Nguồn: WSJ, BI