Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bắt đầu giảm mặn từ 7/4
Trung Quốc, Lào tăng lượng xả nước đã giải quyết được phần nào tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Dự kiến đợt nước về ĐBSCL sẽ kéo dài đến 29/4.
Tại buổi họp thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) tổ chức chiều 5/4, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, tình hình xâm nhập mặn được đánh giá là chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc gần 100 năm nay.
Năm 2015, ĐBSCL không có lũ nên lượng nước trữ trong hệ thống công trình thủy lợi và các vùng thấp trũng bị thiếu hụt, kèm theo mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị giảm.
Mực nước thấp nhất trong 90 năm qua, xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ trung bình nhiều năm, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn).
Đến nay đã có 11/13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Khoảng 250.000 hộ (1,3 triệu người), nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất bị thiếu nước ngọt.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Cộng hòa DCND Lào, Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ vận hành tăng lượng xả từ ngày 15/3 đến ngày 10/4 và thủy điện của Lào tăng lượng xả từ ngày 23/3 đến hết tháng 5/2016 để chống hạn cho hạ du.
Việc vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc đã có ảnh hưởng về Việt Nam vào khoảng ngày 4/4/2016. Xả nước của các thủy điện dòng nhánh thuộc Lào về đến Việt Nam mất thời gian khoảng 8-10 ngày, về cùng với đợt nước về từ Trung Quốc. Hiện nước được xem là đã về đến Việt Nam như dự báo trước đó (4/4) và có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 7/4/2016 trở đi. Dự kiến đợt nước về ĐBSCL sẽ kéo dài đến 29/4.
Ông Trần Đức Cường, Phó Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, với việc xả bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện của các nước thượng nguồn như trên, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc tăng lên, đạt đỉnh 0,71m vào ngày 7/4. Lưu lượng dòng chảy tăng mức lớn nhất khoảng 4300m3/giây.
Theo tính toán tổng lượng nước về đến Việt Nam cho cả đợt xả tại Tân Châu và Châu Đốc đến hết tháng 4/2016 đạt 1,44 tỉ m3, một lượng nước đáng kể để giải quyết bài toán hạn và hỗ trợ cho việc đẩy mặn.
Cũng theo ông Cường, tại sông Cổ Chiên, nếu không có đợt xả nước Trung Quốc thì đường ranh mặn- ngọt sẽ xâm nhập vào sâu 50km. Nếu nước Trung Quốc xả với lưu lượng 2140m3/giây sẽ góp phần đẩy đường ranh này ra 8km tại cửa sông Cổ Chiên.
Tại sông Cửa Đại, theo tính toán, nếu không có đợt xả nước của Trung Quốc, thì đường ranh mặn- ngọt có thể sâu 45km, nhưng nếu có nước xả từ Trung Quốc có thể đẩy đường ranh này ra 10km.
Tại sông Hậu, nếu không có nước xả, đường ranh này cũng có thể sâu 70km nhưng có nước xả thì đường ranh sẽ được đẩy lùi ra biển khoảng 7km.
Chính vì thế ông Cường cho rằng lượng nước xả đã giải quyết được phần nào tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, giúp tình hình xâm nhập mặn được cải thiện hơn.
Theo Bộ NN&PTNT, từ ngày 12/4 đến 25/4, vùng ven biển Đông ở ĐBSCL có thể lấy nước ngọt cách biển từ 25- 40km, đẩy mặn so với hiện nay khoảng 15km. Vùng ven biển Tây và bán đảo Cà Mau xâm nhập mặn vẫn ở mức cao. Sau thời gian này, nếu dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục được duy trì ở mức như hiện nay thì xâm nhập mặn sẽ không tăng cao.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lưu ý, trong tháng 4, các tỉnh ven sông Cửu Long trong phạm vi cách biển từ 25- 40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Để tận dụng nguồn nước ngọt này, các địa phương phải tập trung tối đa các phương tiện để lấy ngọt (dùng cho cả thời kỳ sau đó đến tháng 6,7) trong đó đặc biệt chú ý mở các cống, bơm… khi nước ngọt xuất hiện. Khi thực hiện việc lấy nước cần kiểm tra độ mặn của nguồn nước.