'Đội quân đen đủi' tốt nghiệp năm 2020: Trở thành 'thế hệ mất mát' khi ra trường vào thời điểm kinh tế suy thoái, triển vọng sự nghiệp u tối vì không có nhiều lựa chọn!
Theo Achim Schmillen– kinh tế gia cấp cao tại Ban An sinh Xã hội và Việc làm Toàn cầu thuộc WB, đầu tiên, cơ hội việc làm giảm có thể khiến "đội quân tốt nghiệp trong mùa Covid-19" sẽ trở thành một thế hệ mất mát. Ông nói, hơn nữa, tốt nghiệp trong một cuộc suy thoái có ảnh hưởng đáng kể và lâu dài đến toàn bộ sự nghiệp.
Anita Reza Zeinlà một nhà sản xuất phim tự do, cô vốn đã quen với lịch làm việc dày đặc và hầu như không có thời gian để ngủ. Công việc vẫn diễn ra như vậy cho đến khi Covid-19 bùng phát. Hiện tại, cô gái 26 tuổi người Indonesia đột nhiên cực kỳ rảnh rỗi. Khi 5 dự án đang bị trì hoãn và nhiều dự án khác bị huỷ bỏ, Anita đang dành thời gian thực hiện một dự án cá nhân và thỉnh thoảng đạp xe đi dạo.
Anita chia sẻ: "Tôi cảm thấy thảnh thơi và không hề sốt sắng dù đang thất nghiệp. Có lẽ là bởi bây giờ đã là tuần thứ 3 cách ly xã hội và tôi vẫn có đủ tiền tiết kiệm từ những dự án trước đó. Nhưng tôi đang thấy rằng cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn vào những tháng tới khi tình hình tồi tệ hơn nữa."
Cũng như Anita, hàng triệu người trẻ khác đang là một phần của thị trường lao động Đông Nam Á vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Họ là "đội quân xui xẻo" của năm 2020, khi sự nghiệp lại chứng kiến sự thay đổi chóng mặt đến như vậy. Chỉ vài tháng trước, nhiều sinh viên mới ra trường đều rất háo hức để tham gia đóng góp cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và có thể nhận được mức lương xứng đáng.
Nhưng giờ đây, nhiều thư mời làm việc đang bị rút lại, hoạt động tuyển dụng bị tạm ngừng, khiến nhiều người trẻ thất nghiệp trong thời gian ngắn. Về lâu dài, ảnh hưởng từ Covid-19 đối với "đội quân" này có thể gây ra những vấn đề sâu sắc hơn về chính trị và xã hội.
Thị trường việc làm "đóng sầm cửa"
Tác động của Covid-19 đối với các nền kinh tế và thị trường việc làm tại khu vực Đông Nam Á đã nhanh chóng thay đổi và chịu sức ép nặng nề. Biên giới đóng cửa, người lao động được yêu cầu ở nhà và hàng nghìn công ty đóng cửa mỗi tuần. Vấn đề lớn nhất ở đây là chưa rõ tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu. Chính phủ càng giữ lệnh phong toả càng lâu, thì tác động đối với nền kinh tế càng nghiêm trọng.
Ví dụ, tại Indonesia, theo Bộ Nhân lực và Cơ quan An sinh Xã hội, đại dịch đã khiến gần 2,8 triệu người mất việc. Cũng như vậy, Viện nghiên cứu Kinh tế Malaysia (MIER) ước tính nước này có khoảng 2,4 triệu người mất việc. Trong khi đó, Thái Lan đang chuẩn bị đối diện với mức giảm 5,3% trong tăng trưởng GDP cả năm, mức tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Đối với những người trẻ đang tìm việc, thì sự bùng phát của Covid-19 còn có thể gây tổn hại nhiều hơn, bởi các công ty đang rất e dè trong việc tuyển dụng. Joanne Pek– một nhà tuyển dụng tại Cornerstone Global Partners, cho hay: "Các khách hàng của tôi trước đây tạo nhiều cơ hội cho sinh viên mới tốt nghiệp, nhưng bây giờ họ chủ yếu tìm kiếm các ứng viên có ít nhất 1 năm kinh nghiệm. Đó là bởi nhóm này đã có kinh nghiệm, họ sẽ phát triển và đóng góp cho công ty nhanh hơn."
Đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, như chuỗi nhà hàng Singapore – The Soup Spoon, điều được ưu tiên là giữ chân nhân viên hiện tại, chứ không phải tuyển dụng mới. Nhà đồng sáng lập và giám đốc The Soup Spoon – Benedict Leow, cho biết: "Chúng tôi không muốn ai rời đi trong thời gian này, vì vậy chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo số lượng nhân sự.
"Đội quân" tốt nghiệp trong mùa Covid-19 với những điều không may
Triển vọng về suy thoái kinh tế có thể gây hậu quả rõ rệt đối với các cử nhân tốt nghiệp trong năm 2020. Theo Achim Schmillen– kinh tế gia cấp cao tại Ban An sinh Xã hội và Việc làm Toàn cầu thuộc WB, đầu tiên, cơ hội việc làm giảm xuống có thể khiến "đội quân tốt nghiệp trong mùa Covid-19" sẽ trở thành một thế hệ mất mát. Ông nói: "Nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy rằng tốt nghiệp trong một cuộc suy thoái có ảnh hưởng đáng kể và lâu dài đến toàn bộ sự nghiệp. Đặc biệt, thu nhập của nhóm này sẽ thấp đáng kể trong thời gian đầu và có mức tăng rất chậm."
Jeff Borland, giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Melbourne cho biết nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng những gì đã xảy ra đối với các đối tượng mới tham gia vào thị trường lao động có thể sẽ ảnh hưởng đến họ trong suốt thời gian làm việc. Ông giải thích: "Nguyên nhân là bởi họ buộc phải nhận những công việc chất lượng thấp, không phát huy được khả năng và không có tâm lý thoải mái khi làm việc."
Giáo sư ngành lao động tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore - Walter Theseira, nhận định, tình trạng này có thể tạo ra những "vết sẹo dài" đối với các sinh viên tốt nghiệp trong năm nay. Ông nói: "Nếu sự nghiệp của họ có khởi đầu không tốt, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập trong nhiều năm vì họ sẽ thiếu kinh nghiệm so với những người bắt đầu ở vị thế an toàn hơn."
Theo Grace Lee Hooi Yean – trưởng khoa kinh tế đại học Monash, Malaysia, lương sụt giảm và quy mô của các công ty đang thu hẹp sẽ khiến các sinh viên mới tốt nghiệp phải tìm kiếm ngành khác ngoài lĩnh vực đã được đào tạo. Bà cho hay: "Cuộc khủng hoảng sắp diễn ra này có thể khiến một thế hệ trí thức trẻ không hài lòng với công việc và tạo ra tâm lý yếu đuối nếu họ không sẵn sàng đối mặt với thực tế, thích nghi với thách thức mới."
Tìm kiếm "điểm sáng"
Dẫu vậy, các nhà kinh tế cho biết tình hình không quá tồi tệ đến vậy, khi phần lớn sẽ phụ thuộc vào chính sách và các biện pháp ứng phó với dịch bệnh của chính phủ trên cả "mặt trận" kinh tế và y tế công cộng. Họ lấy ví dụ ở Singapore – quốc gia đã có phản ứng mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng.
Hôm 6/4, chính phủ Singapore đã công bố gói kích thích thứ 3 trong 2 tháng nhằm giúp các hộ gia đình và công ty vượt qua cuộc khủng hoảng. Nhìn chung, gói kích thích của Singapore – nhằm bảo toàn số lượng việc làm và duy trì dòng vốn hỗ trợ cho các công ty, sẽ tiêu tốn khoảng 42 triệu USD. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đang dự kiến thúc đẩy thị trường lao động tuyển dụng các sinh viên mới tốt nghiệp.
Ví dụ, dù suy thoái diễn ra, nhưng công ty viễn thông Singtel của Singapore vẫn dự kiến tuyển dụng hơn 300 cử nhân cho các vị trí cố định trong năm nay, nhiều trong số đó thuộc lĩnh vực mới và tiềm năng như IoT, phân tích và đám mây. Nhiều công ty khác cũng có kế hoạch tương tự như Shopee, Foodpanda và Amazon.
Hiện tại, trong khi nhiều người trẻ đang tìm kiếm công việc bằng cách quan sát và tiếp cận, thì thực tế lại khó khăn hơn nhiều với một số khác. H.P. Tan – sinh viên năm cuối trường Đại học Quốc gia Singapore đã không nhận được công việc tại một công ty PR hồi tháng trước, sau 3 vòng phỏng vấn. Tan đã bị công ty từ chối qua email, cho biết rằng họ không thể tiếp tục tuyển dụng sau khi hoạt động kinh doanh ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19.
Tham khảo SCMP