Đời phu vải

26/06/2020 08:55 AM | Xã hội

Khi những đồi vải thiều đỏ rực, những người làm nghề bốc vác vải thiều thuê cho các điểm cân vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại bước vào mùa làm ăn. Có người gắn bó với nghề này hàng chục năm với bao thăng trầm.

Cả chục tấn vải trên vai mỗi ngày

Một ngày giữa tháng 6, trời nóng hầm hập. Những tia nắng chói chang chiếu vào những đồi vải đang ngả màu đỏ ối trải khắp tầm mắt ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Tại một điểm cân vải thiều ở xã Quý Sơn (cách thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn gần chục cây số), anh Mạc Hồng Quân, tuổi gần 40 cùng với 4 người khác hì hục bê từng sọt vải nặng gần 2 tạ xuống xe máy. Công việc bốc vác nặng nhọc, lại làm vào thời điểm mùa hè khiến anh Quân cùng những đồng nghiệp mồ hôi ướt đẫm, chảy thành dòng...

Đời phu vải - Ảnh 1.
 Những phu vải trần mình làm việc giữa trời nắng nóng

Tạm nghỉ tay, anh Quân vội quệt mồ hôi trên mặt, chia sẻ: Quê anh ở xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn. Anh lấy vợ năm 18 tuổi. Hai vợ chồng có với nhau được hai mặt con. Ruộng ít, nhà nghèo nên anh sớm phải đi làm thuê kiếm sống. Hơn 20 năm trước, lúc ấy cây vải thiều trở thành cây trồng phổ biến ở huyện này. Thương nhân Trung Quốc “ngửi” hơi thấy tiềm năng của mặt hàng này. Người Trung Quốc sang các xã trồng nhiều vải thiều ở huyện Lục Ngạn để thu mua vải với số lượng lớn về nước họ. Họ cần có người bốc vác cho các điểm cân vải.  Thế là anh đi theo nghề bốc vác vải từ ngày đó.

Đang dở câu chuyện, anh Quân vội đứng dậy, cùng với đồng nghiệp bê vải xuống bàn cân. Câu chuyện của tôi với anh liên tục bị đứt quãng, bởi công việc của anh luôn tay luôn chân suốt. “Tính đến nay, cái nghề này đã vận vào tôi được gần 20 năm. Cứ đến mùa vải thiều chín rộ, tôi và mấy anh em trong xã lại rủ nhau về đây bốc vác vải thuê cho các điểm cân”, anh Quân cho biết.

Anh Quân kể tiếp, cái nghề phu vải này không phải ai cũng làm được. Người nào có sức khỏe và phải kiên trì mới bám trụ được với nghề. Cứ tầm 5 giờ sáng, anh thức dậy chuẩn bị cho công việc. Nặng nhọc nhất là bê các sọt vải xuống bàn cân, rồi lại bê vào nhà kho và khuân vác những thùng vải lên xe container. Các sọt vải nặng trung bình 2 tạ, có sọt cá biệt nặng đến 3 tạ. Bốn người bốc vác thuê đứng ở 4 góc sọt vải để bê từ trên xe máy người bán vải xuống bàn cân. Mỗi lần như vậy, họ phải dồn hết sức lực. Cơ bắp trên tay nổi cuồn cuộn, răng nghiến chặt. “Tính ra, trung bình mỗi ngày, tôi phải khuân vác cả chục tấn vải. Người lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi. Tối về, người đau ê ẩm”, anh Quân thổ lộ.

Theo anh Quân, những phu vải thường tổ chức thành đội từ 10 - 20 người. Trong đội, có một tổ trưởng đứng ra nhận việc từ các chủ điểm cân vải, rồi phân công công việc cho các thành viên. Từng thành viên trong tổ được giao công việc cụ thể. Có người chuyên khuân vác vải, có người đóng hộp, có người lại đóng đá vào hộp vải.

Anh Quân cho biết thêm, nghề phu vải chỉ kéo dài trong vòng hơn 1 tháng, thường là đầu tháng 6 đến đầu tháng 7, khi vải thiều chín rộ. Khoảng thời gian này cũng là thời điểm nắng nóng nhất trong năm. Bởi vậy, phu vải phải mất nhiều sức lực cho công việc khuân vác. Có ngày, thời tiết nóng như đổ lửa, những phu vải trần mình khuân vác hàng chục tấn vải thiều giữa nắng trưa đổ lửa.

Bù lại sự nặng nhọc, vất vả của công việc, những người bốc vác vải thuê nhận được tiền công đáng mơ ước so với các nghề phu khác. Anh Quân nhẩm tính, trung bình mỗi ngày, một phu vải kiếm được 700 - 800 nghìn đồng. Hôm nhiều hàng, người bốc vác vải thuê có thể kiếm được hơn 1 triệu đồng. Tính ra, trong 1 tháng mùa vải, phu vải có thể kiếm được từ 20 - 30 triệu đồng. “Số tiền kiếm được từ bốc vác vải thuê trở thành một khoản thu nhập lớn hằng năm trong gia đình tôi”, anh Quân cho biết.

Bạn hàng của thương lái ngoại

Giữa trưa, trời nắng chói chang, nhưng ông Nguyễn Văn Hải, tổ trưởng một đội phu vải tại một điểm cân ở xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) vẫn cần mẫn cùng anh em trong đội khuân vác từng thùng vải thiều lên xe container. Ở tuổi 50, mái tóc hoa tiêu, ông Hải là người có thâm niên trong nghề này. Ông Hải cho hay, ông ở xã Việt Lập (huyện Tân Yên, Bắc Giang). Qua một người quen trong xã là bạn hàng lâu năm với người Trung Quốc đưa ông đến với nghề này.

Mới đầu, ông Hải chỉ định tranh thủ lúc nông nhàn đi bốc vác vải thuê kiếm thêm thu nhập. Nhưng cái nghề này có duyên với ông, rồi dần dần trở thành nghề chính. “Thấy nghề này làm ăn được, tôi về quê gọi thêm anh em người nhà và bạn bè thành lập một tổ 20 người chuyên đi bốc vác vải thuê”, ông Hải chia sẻ.

Ông Hải kể, thấy đội phu vải của ông làm việc có trách nhiệm, thương lái Trung Quốc chủ động mời ông và các thành viên trong đội sang nước họ làm việc theo đường chính ngạch.

Khi hết mùa vải, ông Hải và những cộng sự trong đội của ông chuẩn bị khăn gói sang Trung Quốc làm phu vải xứ người. Đến mùa vải năm sau, ông và các thành viên trong đội lại trở về huyện Lục Ngạn làm phu vải nội. Cứ như thế, ông gắn bó với nghề này từ trẻ đến nay tóc đã điểm bạc. “Làm ở xứ người chúng tôi được trả hơn 30 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập đó là cứu cánh cho gia đình”, ông Hải nói

Ông Hải cho biết thêm, nhiều phu vải như ông đã trở thành bạn hàng với thương nhân Trung Quốc. Có phu vải sau nhiều năm làm việc tạo sự tin cậy với các thương nhân ngoại sau đó trở thành đối tác làm ăn với họ. “Có phu vải phất lên, trở thành ông chủ thu mua vải thiều, kiếm được tiền tỷ sau mỗi vụ vải. Năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch, nhiều thương nhân Trung Quốc không sang tỉnh Bắc Giang thu mua vải được nhưng có thương nhân Trung Quốc tin tưởng chuyển tiền cho phu vải nội làm ăn lâu năm thu mua, vận chuyển vải cho họ”, ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, hằng năm, có khoảng 2.000 người ở trong và ngoài tỉnh Bắc Giang đến huyện này bốc vác vải thiều thuê cho các điểm cân xuất bán vải. Mấy năm gần đây, đồng bào dân tộc miền núi ở các tỉnh phía Bắc về Lục Ngạn gia nhập vào đội quân phu vải ngày càng nhiều.

NGUYỄN THẮNG

Cùng chuyên mục
XEM