Đối đãi nhân viên như cầu thủ bóng đá: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các sếp tuyển dụng, quản lý, và chuyển nhượng giống như câu lạc bộ

26/01/2018 10:24 AM | Sống

Nếu như các sếp "mua" nhân viên về, và trả công ty cũ của họ một khoản phí chuyển nhượng thì sao? Liệu chúng ta sẽ có một môi trường công sở tốt hơn, năng suất hơn hay không?

Trong bóng đá, chúng ta không xa lạ gì với khái niệm chuyển nhượng. Các cầu thủ ngôi sao sẽ được chuyển từ câu lạc bộ bán sang câu lạc bộ mua với một khoản phí chuyển nhượng khổng lồ.

Số tiền này được tính toán dựa trên rất nhiều yếu tố bao gồm giá trị thị trường (dựa trên mức đào tạo mà cầu thủ này đã nhận được trước đây và năng lực của anh ta từ trước đến giờ), thời gian còn lại hợp đồng, và khả năng phát triển trong tương lai. 

Ví dụ, Lương Xuân Trường của U23 Việt Nam đang được định giá 300.000 USD/năm nhờ thi đấu cho CLB Hàn Quốc Incheon United.

Một minh chứng tiêu biểu khác là Cristiano Ronaldo. Anh gia nhập Manchester United năm 18 tuổi, thời đó chẳng ai biết anh chàng này là ai. Nhưng sau 6 năm tập luyện, câu lạc bộ đã đầu tư thời gian, huấn luyện viên, và tiền bạc để biến anh thành một cầu thủ đẳng cấp thế giới.

6 năm sau Real Madrid muốn anh về phục vụ, và họ đã phải trả 80 triệu bảng Anh cho MU.

Bây giờ, nếu chúng ta áp dụng những quy tắc trong giới kinh doanh?

Ví dụ, giả sử một sinh viên mới tốt nghiệp vừa "gia nhập" công ty của bạn. Bạn sẽ cần đầu tư thời gian, nỗ lực, đào tạo giúp cả công ty lẫn anh ta phát triển.

Nhưng một ngày, nếu tìm được một "Real Maldrid" trong thị trường việc làm, anh ta sẽ rời bỏ công ty của bạn với cái giá hoàn toàn miễn phí. Mọi công sức đào tạo, bao nhiêu năm chỉ bảo, huấn luyện bạn bỏ ra, bây giờ để cho công ty khác "hưởng".

Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng các doanh nghiệp hoạt động trong một môi trường có phí chuyển nhượng, người quản lý sẽ có tư duy hoàn toàn khác.

Sếp sẽ tiếp cận cậu sinh viên ra trường với tư duy hoàn toàn khác. "Mình có thể biến anh thành một nhân viên xuất sắc".

Vì vậy, khi được đào tạo đầy đủ, nắm vững những kỹ năng chuyên môn ngành, và khi cậu ta đó muốn chuyển việc, các quản lý biết rằng mình có thể nhận được phần thưởng báo đáp. Điều này sẽ tạo kích thích cho các sếp, trở thành những người huấn luyện vĩ đại, vì khi có nhân viên xuất sắc, công ty không chỉ phát triển mà còn nhận được khoản tiền chuyển nhượng nếu một ngày "ngôi sao công sở" đó rời đi.

Tất nhiên kịch bản chuyển nhượng này vẫn có điểm chưa hoàn hảo, nhưng về một ý tưởng, đây cũng là một ý kiến hay để xem xét.

Nếu những quản lý được trao thưởng phí chuyển nhượng vì những nỗ lực tạo ra các nhân viên xuất sắc của họ, liệu chúng ta sẽ có một môi trường công sở tốt hơn, năng suất hơn hay không? 

Hay liệu thị trường lao động sẽ biến thành một các lò đào tạo nhân viên, với sự tập trung chính vào việc "sản xuất" các nhân viên tài năng nhanh nhất có thể rồi bán họ để lấy lợi nhuận? Dù sao, đây cũng là một ý tưởng rất sáng tạo để mọi người xem xét.

Phong Vân

Cùng chuyên mục
XEM