Đôi chân kỳ diệu của Elizabeth "Betty" Robinson: thần đồng điền kinh chạy vượt mặt tử thần

12/07/2019 08:35 AM | Xã hội

Đã có lúc người ta quên mất cái tên Betty Robinson và tầm quan trọng của thần đồng đường chạy người Mỹ. Nhưng lịch sử không cho phép ta quên đi đôi chân kỳ diệu bậc nhất làng điền kinh thế giới.

Đáng lý, cái tên Betty Robinson phải được lưu danh sử sách nhờ việc đạt huy chương vàng trong đường chạy 100 mét đầu tiên cho phái nữ tại một sự kiện Olympic. Nhưng lịch sử đầy những câu chuyện lạ: người ta biết tới cô nhiều hơi dưới danh nghĩa “vận động viên sống sót sau một vụ tai nạn máy bay”.

Tên trên giấy khai sinh của Betty Robinson là Elizabeth. R. Schwartz, sinh ngày 23 tháng Tám năm 1911 tại Riverdale, Illinois. Cô vẫn đang là học sinh tại Trường Trung học Thorton Township khi được vinh danh là vận động viên Olympic.

Đôi chân kỳ diệu của Elizabeth Betty Robinson: thần đồng điền kinh chạy vượt mặt tử thần - Ảnh 1.

Ngày 30 tháng Tám năm 1928 đánh dấu lần đầu tiên Betty chính thức tham gia một cuộc đua; trên đường chạy 60 yard (tương đương 54 mét), cô gái 16 tuổi đứng ở vị trí thứ hai, xếp sau Helen Filkey, một vận động viên điền kinh nổi tiếng khác trong lịch sử Hoa Kỳ.

Lần thứ hai tham gia một cuộc đua, Betty Robinson ngay lập tức san bằng thời gian chạy của mình với kỷ lục thế giới đương thời trên đường chạy 100 mét. Tuy nhiên, người ta không chính thức công nhận kết quả của cô vì cho rằng gió đã giúp sức cô gái có được thành tích ấn tượng khi tuổi còn rất trẻ.

Như để chứng minh cho thực lực của mình, Betty Robinson quyết tâm phải ghi danh vào lịch sử ngành điền kinh thế giới. Tại Thế vận hội Amsterdam 1982, trong sự kiện điền kinh 100 mét nữ đầu tiên của thế giới, Betty Robinson giành huy chương vàng đầu tiên, bằng chứng cho thấy sức mạnh và sức bền của những người phụ nữ vốn bị xã hội đương thời cho là yếu đuối.

Đôi chân kỳ diệu của Elizabeth Betty Robinson: thần đồng điền kinh chạy vượt mặt tử thần - Ảnh 2.

Tính tới thời điểm hiện tại, Betty Robinson vẫn là cô gái trẻ nhất từng đoạt huy chương vàng đường chạy 100 mét nữ tại một kỳ Olympic, khi mới 16 tuổi, 11 tháng và 8 ngày.

Cũng ngay tại sự kiện quốc tế này, cô Robinson cũng cùng đội chạy tiếp sức Hoa Kỳ đạt huy chương bạc.

Nhưng bộ sưu tập huy chương của Betty Robinson gồm 3 chiếc, và bạn vừa thấy quá trình cô có được hai vinh quang, một vàng và một bạc. Đời vốn bất ngờ, không ai lường được những sự việc không hay có thể xuất hiện trước mắt cô gái trẻ.

Đôi chân kỳ diệu của Elizabeth Betty Robinson: thần đồng điền kinh chạy vượt mặt tử thần - Ảnh 3.

Câu chuyện này được truyền miệng theo kiểu tam sao thất bản. Joe Gergen, cây bút nổi tiếng ngành thể thao thổ lộ “đã đọc được khoảng tám phiên bản câu chuyện khác nhau” về việc Bett Robinson hồi sinh từ cõi chết, đạt được huy chương vàng như thế nào. Vậy hãy coi lời của Joe Gergen trong cuốn sách “Cô gái đầu tiên của Đường điền kinh Olympic: Cuộc đời và Thời đại của Betty Robinson” là phiên bản chỉn chu, được nghiên cứu kỹ lưỡng và đáng tin cậy nhất.

Tài năng của Betty Robinson bộc lộ trong một hoàn cảnh quá ư đặc biệt: cô gái trẻ đang vận hết tốc lực để chạy đuổi theo con tàu. Khi thấy Robinson có đủ sức bền để theo kịp và lên được chuyến tàu đã rời ga, cô giáo dạy môn sinh học trong trường cực kỳ ấn tượng, khuyên cô gái trẻ nên bắt đầu tập luyện để khai thác hết tiềm năng của đôi chân quý giá.

Khi đạt được huy chương vàng và bạc ngay lần đầu tiên tham dự Thế vận hội Olympic với tuổi đời còn rất trẻ, Betty Robinson ngay lập tức vươn tới đỉnh cao sự nghiệp.

Cô gái trẻ dự định sẽ bảo vệ thành tích của mình tại Olympic năm 1932 diễn ra trên chính quê hương cô, rồi sẽ giải nghệ để theo đuổi nghiệp huấn luyện viên. Theo luật, khi trở thành người dẫn dắt thế hệ trẻ, một người sẽ không bao giờ được tham gia thi đấu Olympic nữa.

Ngày 28 tháng Sáu năm 1931, cái nóng đổ lửa khiến người người bức bối nhưng huấn luyện viên của Betty Robinson vẫn ngăn học trò của mình đi bơi, lo sợ cơ bắp toàn thân của cô sẽ bị ảnh hưởng. Robinson tìm tới một loại hình “làm mát” khác.

“Đeo kính chắn gió, một cái mũ da, và theo các báo đưa tin, là một bộ đồ pijama sặc sỡ, Betty trèo lên ghế trước của máy bay”.

Theo lời nhân chứng và với lời Gergen kể lại, chiếc máy bay đạt độ cao 100-200 mét thì động cơ dừng quay, nó cắm thẳng đầu xuống đất, mang theo Betty Robinson và người họ hàng của cô, Wilson Palmer. Trong lúc khẩn cấp, Palmer đã kịp thời tắt hệ thống đánh lửa, chính hành động này đã giúp chiếc máy bay không bắt lửa khi đâm xuống mặt đất.

Đôi chân kỳ diệu của Elizabeth Betty Robinson: thần đồng điền kinh chạy vượt mặt tử thần - Ảnh 4.

Anh đặt cơ thể cô vào cốp xe rồi đưa tới, theo lời của chính Betty Robinson kể lại trong cuốn sách Tales of Gold viết bởi Lewis H. Carlson và John J. Fogarty, là “một ngôi nhà dưỡng lão, bởi người cứu tôi là có bạn làm dịch vụ lễ tang, anh ấy nghĩ rằng tôi đã chết”.

Xã hội thời bấy giờ khác nhiều thời điểm hiện tại. Vào một ngày đẹp trời, một người có thể cứ lái xe dạo quanh để … tìm thi thể người xấu số, họ sẽ nhận được một khoản tiền nhỏ khi đưa thi thể về địa điểm an táng. Chưa hết, bản thân Gergen cũng ngạc nhiên vô cùng khi đi tìm hiểu về nước Mỹ của những năm 1920: số lượng tai nạn máy bay nhiều vô cùng! Lúc nào cũng có người muốn phá kỷ lục bay cao, bay xa và bay nhanh, chẳng ít người đánh giá quá cao bản thân và gặp tai nạn.

Oak Forest, nơi Robinson được đưa tới để an táng, là một thương xá dành cho bệnh nhân nghèo khó. Người dân địa phương gọi đó là Trang trại Đói nghèo, đa số người cư ngụ tại đó là người già yếu, mắc bệnh tâm lý hoặc lao phổi. Người ta tiếp nhận Betty Robinson rồi mới biết cô gái trẻ vẫn còn đang thoi thóp, tình hình cực kỳ nguy kịch.

Thần đồng điền kinh Betty Robinson phải thắng đường chạy việt dã với tử thần, khi xương rạn nhiều chỗ tính từ đầu gối tới hông, xương tay trái nứt do cú va chạm mạnh, chưa rõ tình hình chảy máu trong ra sao.

Đôi chân kỳ diệu của Elizabeth Betty Robinson: thần đồng điền kinh chạy vượt mặt tử thần - Ảnh 5.

Người họ hàng của Robinson may mắn được vào viện sớm hơn, nhưng về sau phải cắt cụt một chân trong quá trình điều trị. Betty Robinson phải nằm viện 11 tuần, phải ngồi xe lăn trong khoảng thời gian dài. Sau điều trị, độ dài hai chân của cô đã lệch nhau hơn 1 cm.

Chấn thương thể xác và sang chấn tâm lý sau một vụ tai nạn máy bay không đánh gục được cô gái trẻ. Betty Robinson vẫn nhớ tới giây phút vinh quang khi đôi chân cô lướt đi trên đường chạy, khoảnh khắc chạm đích để mang về vinh quang cho đất nước. Dù Robinson không thể gập đầu gối để bước vào vị trí xuất phát, cô vẫn góp mặt trong đội điền kinh tiếp sức trong Thế vận hội Olympic 1936.

Tại Berlin, Betty Robinson là người chạy thứ ba, chuyền baton thành công cho Helen Stephens - vận động viên điền kinh đoạt huy chương vàng 100 mét nữ năm đó - rồi cùng đội tuyển Mỹ giành huy chương vàng.

Đôi chân kỳ diệu của Elizabeth Betty Robinson: thần đồng điền kinh chạy vượt mặt tử thần - Ảnh 6.

Betty Robinson giải nghệ, trở thành huấn luyện viên điền kinh và gương mặt đại diện cho Liên hiệp Nữ Vận động viên, trở thành minh chứng sống cho sức dẻo dai của phụ nữ trong nền thể thao vốn được thống trị bởi phái mạnh. Những năm cuối đời, Robinson chống chọi ung thư và Alzheimer nhiều năm trời trước khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 18 tháng Năm năm 1999, thọ 87 tuổi.

Người ta biết nhiều tới câu chuyện phi thường “Betty Robinson chiến thắng tử thần, sống sót sau một vụ tai nạn” chứ không mấy ai hay đây là người phụ nữ trẻ nhất từng đoạt huy chương vàng Olympic. Tới cả người viết câu chuyện của Robinson thành sách, ông Joe Gergen với 40 năm viết báo thể thao, cũng chưa nghe tới Robinson bao giờ.

Tình cờ thay, con gái ông quen cháu của Betty Robinson khi cả hai cùng giảng dạy tại trường đại học. Số phận đã dẫn lối cho Joe Gergen, để ông đưa nghị lực của Betty Robinson lên trang giấy, đảm bảo cho câu chuyện về người con gái nghị lực mãi trường tồn.

Theo Dink

Cùng chuyên mục
XEM