Dốc tiền hưu trí mua căn nhà khoảng 2,3 tỷ đồng cho con trai, đến khi con khởi nghiệp thua lỗ, cha mẹ thành người vô gia cư: "Tôi không ngờ đến những ngày cuối đời lại phải chịu cảnh ở thuê"
Chỉ vì muốn các con không áp lực, cặp vợ chồng người Trung Quốc này đã dồn tiền tiết kiệm để mua nhà cho con trai ngay khi vừa kết hôn. Tuy nhiên, ông bà chẳng ngờ rằng, chúng lại gây áp lực ngược lại cho họ ở những năm cuối đời.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông Lưu Trung Phong (Nam Ninh, Trung Quốc) đang được lan truyền trên nền tảng Toutiao.
Dồn tiền tiết kiệm mua nhà cho con trai
Lập gia đình trong thời kỳ đất nước thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình. Vì vậy, vợ chồng tôi cũng chỉ sinh một cậu con trai duy nhất. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh và đáp ứng mọi yêu cầu của con. Vì thế, chính tôi cũng cảm nhận được rằng con trai mình khá non nớt so với các bạn đồng trang lứa và có phần tham vọng.
Không lâu sau khi có việc làm, con trai tôi kết hôn. Đa phần bậc phụ huynh đều để các con tự phấn đấu mua được căn nhà của riêng mình. Tuy nhiên, vợ chồng tôi không làm như vậy.
Chúng tôi xem đó là gánh nặng đối với bọn trẻ. Bởi vậy 2 vợ chồng đã “cắn răng” lấy toàn bộ tiền hưu trí và vay thêm bạn bè để dồn tiền mua cho con trai căn nhà 700.000 NDT (khoảng 2,3 tỷ đồng) ngay sau khi kết hôn. Mục đích duy nhất của chúng tôi đều mong các con có cuộc sống tốt hơn và không áp lực về tài chính.
Năm thứ 2 sau khi kết hôn, con dâu tôi sinh con. Trùng thời điểm nghỉ hưu, vợ chồng tôi nhận sẽ phụ giúp việc trông cháu. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng tôi sẽ dọn lên nhà con ở.
Để cuộc sống thoải mái, lại có mức lương hưu dư dả, chúng tôi chủ động chi tiêu và trả gần như toàn bộ tiền sinh hoạt cho cả gia đình con trai. Đồng thời, tôi đã cảnh báo con trai cần chi tiêu tiết kiệm. Bởi nuôi con rất tốn kém và khi đứa trẻ càng lớn, càng có nhiều khoản phí phải lo.
Khi cậu nhóc được 2 tuổi và đi học mẫu giáo, vợ chồng tôi quyết định về quê sinh sống. Trước đề xuất này, tôi không ngờ con trai đã yêu cầu vợ chồng tôi phải chu cấp cho chúng khoản tiền 5.000 NDT/tháng. Vì thương con, thương cháu, khoản tiền lương hưu của cả 2 vợ chồng vẫn còn đến 7.000 NDT/tháng, chúng tôi đồng ý với yêu cầu này.
Khởi nghiệp thua lỗ đến mức phải bán nhà
Đã có nhà, công việc ổn định, tôi nghĩ rằng con trai tôi chỉ cần chăm chỉ, tiết kiệm để tích góp cho tương lai. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không đi theo quỹ đạo như vậy. Gia đình con trai tôi xảy ra biến cố.
Vì mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, con trai tôi đã xin nghỉ việc để cùng bạn tham gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, làm được 6 tháng, công ty rơi vào thua lỗ. Người bạn làm cùng biến mất để lại toàn bộ số nợ. Do số tiền quá lớn, chủ nợ lại yêu cầu phải trả gấp, không còn cách nào khác con trai tôi buộc phải bán căn nhà.
Không còn nhà, con dâu tôi chuyển về nhà mẹ đẻ. Trong khi con trai và cháu lại về nhà vợ chồng tôi. Có lẽ, đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của chúng tôi. Bởi vợ chồng tôi tích góp được bao nhiêu tiền đã mua nhà cho con trai, mới đây mới trả xong số nợ. Bây giờ, bán căn nhà đó đi, tôi cũng chẳng còn tiền để giúp đỡ.
Trong khi đó, chúng tôi phải tìm căn nhà mới. Bởi con dâu tôi nói sẽ không trở về nếu không có nhà riêng và không chấp nhận đi ở thuê. Cùng với đó, cháu trai luôn quấy khóc thì không có mẹ. Không còn cách nào khác tốt hơn, vợ chồng tôi chấp nhận nhường lại căn nhà của mình cho chúng.
Lương hưu 12.000 NDT/tháng, chúng tôi lựa chọn thuê một căn hộ nhỏ với giá 2.5000 NDT. Tính thêm cả chi phí sinh hoạt, mỗi tháng chúng tôi tiêu tốn khoảng 6.000 NDT. Vợ chồng tôi vẫn còn dư đến ½ số tiền lương để tiết kiệm.
Cuộc sống nhìn bề ngoài có vẻ tạm ổn. Song thực tế, chúng tôi đã bước sang tuổi 60 và không thể mãi đi ở thuê như vậy. Trong khi đó, căn nhà duy nhất đang được vợ chồng con trai sử dụng. Chúng tôi chẳng thể đuổi nó đi.
Ban đầu tôi nghĩ rằng vì muốn giảm áp lực và tạo điều kiện tốt nhất cho con trai mình nên mới mua sẵn nhà cho chúng. Song dường như, mọi thứ đến quá dễ dàng nên chúng không trân trọng những gì đang có. Bởi vậy con trai tôi đã sẵn sàng tham gia khởi nghiệp khi tài chính gia đình chẳng dư dả để rồi phải bán nhà để trả nợ.
Theo Toutiao