Độc lạ công trình "bẻ cong" trọng lực trên Trái đất: Nặng 6,6 triệu tấn, khiến nước chảy ngược lên

12/12/2023 20:38 PM | Xã hội

Công trình này đang thách thức trọng lực?

Là một trong những nơi "bẻ cong" trọng lực - Đập Hoover ở Mỹ được thiết kế như thế nào mà khiến nước đổ "lên" thay vì "xuống"?

Đập Hoover là một tuyệt tác kỹ thuật. Công trình kiến trúc kỳ công được xây dựng cách đây gần 100 năm (từ năm 1931-1936) và nằm trên sông Colorado ở biên giới bang Arizona và bang New Mexico vẫn tiếp tục hoạt động để sản xuất điện, nước cho các bang lân cận.

Đập Hoover là một trong những con đập lớn nhất ở Mỹ; và là đập vòm bê tông chịu trọng lực cao nhất nước này. Đập cao 221 mét, dài 379 mét, nặng 6.600.000 tấn - theo thông tin của Cục Khai hoang Mỹ (USBR).

Một lượng bê tông khổng lồ 3,33 triệu mét khối đã được sử dụng cho chính con đập, cộng thêm 1,11 triệu mét khối bê tông khác cho nhà máy điện và các cơ sở bổ sung. Số lượng bê tông này sẽ đủ để xây dựng một đường cao tốc cỡ lớn từ đầu này đến đầu kia của nước Mỹ.

Đập Hoover được đặt tên để vinh danh Herbert Hoover - Tổng thống Mỹ trong thời kỳ cầm quyền (1929–1933) tiến hành xây dựng con đập.

Độc lạ công trình "bẻ cong" trọng lực trên Trái đất: Nặng 6,6 triệu tấn, khiến nước chảy ngược lên - Ảnh 1.

Theo Britannica, kinh phí xây dựng đập Hoover tốn 49 triệu USD, tương đương 760 triệu USD ngày nay. 

Trên thực tế, một số người nói rằng có điều gì đó không đúng với lực hấp dẫn ở đập Hoover. Họ nói rằng, nước nơi đây có đặc điểm rất kỳ lạ: Nước đổ "lên" thay vì "xuống".

Khi bạn đứng trên đỉnh đập quay mặt về phía hạ lưu và đổ một chai nước ra, nước sẽ đi lên thay vì rơi xuống. Lý do cho điều kỳ lạ này không phải là trọng lực "tắt" ở đó, mà là tốc độ gió ở đó "tăng lên".

Xem video:

Sức mạnh của Đập Hoover: Khiến nước trong chai chảy ngược lên. Nguồn: Daily Mail

Điều này có được là vì thủ thuật xây dựng "chống trọng lực" mà người Mỹ học hỏi người La Mã.

Giống như người La Mã sử dụng mái vòm làm trụ đỡ vững chắc cho cầu, cống dẫn nước, đền thờ và các dự án lớn khác, những người xây dựng Đập Hoover đã sử dụng hình dạng giống mái vòm quay nghiêng như một yếu tố thiết kế chịu trọng lượng của Đập Hoover. Thay vì được xây dựng theo đường thẳng, con đập lại uốn cong vào hồ theo hình cánh cung.

Độc lạ công trình "bẻ cong" trọng lực trên Trái đất: Nặng 6,6 triệu tấn, khiến nước chảy ngược lên - Ảnh 3.

Đập Hoover không chỉ khiến nước đi ngược lên mà còn khiến trọng lượng và áp suất cực lớn từ nước của hồ chứa truyền sang hai bên. Điều này tạo ra một cấu trúc mạnh mẽ và ổn định đến mức các kỹ sư dự đoán Hoover có thể tồn tại tới 10.000 năm.

Hiện, đập Hoover xả 20.000 gallon nước mỗi giây để chạy 17 tuabin điện. Điều này tạo ra một từ trường lớn có khả năng tạo ra lượng điện khổng lồ: 4 tỷ kilowatt giờ để cung cấp cho nhu cầu của hơn 1 triệu người ở ba bang. Khoảng một nửa công suất điện trong số đó đến tay khách hàng ở bang California và phần còn lại đến hai bang Nevada và Arizona.

Nguồn: USBR, DM

Theo Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM