[Doanh nhân tuổi Sửu] Ông Trần Trọng Kiên - 'Cần đủ thông minh để biết mình sai'

17/02/2021 12:55 PM | Kinh doanh

Ông Trần Trọng Kiên sinh năm 1973 (Quý Sửu) là một trong những doanh nhân tuổi Sửu luôn tràn đầy năng lượng và nuôi dưỡng trong mình những ước mơ lớn.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thiên Minh Group (sinh năm Quý Sửu 1973) tốt nghiệp với tấm bằng Đại học Y Hà Nội năm 1994 nhưng ra trường lại bắt đầu sự nghiệp bằng con đường kinh doanh du lịch với khát khao "không muốn chứng kiến gia đình sống trong sự thiếu thốn".

Ông khởi nghiệp bằng 2.000 USD để thành lập Buffalo Tours vào năm 1994 - tiền thân của Tập đoàn Thiên Minh sau này với định hướng cụ thể là phục vụ đối tượng khách nước ngoài có khả năng chi trả cao.

Khoảng 10 năm sau đó là quãng thời gian Thiên Minh thực sự tạo ra dấu ấn trên thị trường bằng những thương vụ mua bán trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.

[Doanh nhân tuổi Sửu] Ông Trần Trọng Kiên - Cần đủ thông minh để biết mình sai - Ảnh 1.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group. Ảnh: iVIVU.com.

Năm 2004, Thiên Minh bắt đầu tham gia vào các họat động kinh doanh khách sạn bằng việc mua lại cổ phần của Khách sạn Festival Huế.

Năm 2005, Công ty hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd – một công ty điều hành tour du lịch của Úc để thành lập Công ty TNHH Du Lịch Intrepid Indochina (nay là Intrepid Vietnam) với mục tiêu mở rộng hoạt động du lịch tại khu vực Đông Nam Á cũng như tại các thị trường du lịch khác ở Châu Á.

Năm 2008, ông Trần Trọng Kiên chính thức thành lập CTCP Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh Group) có trụ sở chính tại tầng 12, số 70-72 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý với vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng.

Năm 2011, Thiên Minh hoàn thành việc mua lại chuỗi 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam và khai trương khách sạn Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào. Đây là thương vụ lớn nhất tính tới thời điểm đó trong lĩnh vực du lịch, khách sạn ở Việt Nam.

Cũng năm 2011, Thiên Minh bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)… Hiện Thiên Minh là cổ đông đa số của Hải Âu sau thương vụ mua lại 89% cổ phần công ty này (trị giá 54 tỷ đồng) hồi năm 2013.

Ông Kiên sau đó đã tuyên bố rót 3,2 triệu USD để mua thêm 2 chiếc thuỷ phi cơ hiện đại, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 3 chiếc, nhằm khai phá mảng du lịch biển bằng hàng không.

Ông chủ Thiên Minh tỏ ra là người khá tham vọng và nhiều hoài bão lớn khi vào khoảng những năm 2017-2020 liên tục có những thông tin nổi bật về hoạt động của Thiên Minh liên quan tới lĩnh vực vận tải hàng không - một ngành tăng trưởng đặc biệt tốt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Cụ thể, cuối năm 2017, đầu năm 2018 liên tục có những thông tin đáng mong đợi về một hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện dưới sự hợp tác của Công ty cổ phần hàng không Hải Âu của ông Trần Trọng Kiên và AirAsia của Malaysia. Tuy nhiên đến giữa năm 2019, hãng hàng không giá rẻ AirAsia đã tuyên bố chấm dứt hợp tác với Thiên Minh Group sau hơn 1 năm đàm phán.

Không dừng lại ước mơ "bay" ở đó, tháng 6/2019, CTCP Hàng không Thiên Minh (TMAV) đã được thành lập tại Hội An với mức vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Trong đó ông Trần Trọng Kiên là cổ đông lớn nhất với 60%, CTCP Du lịch Thiên Minh góp 30% và cá nhân Trần Hằng Thu có 10%.

Tháng 8/2019, Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir). Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi trên diễn đàn mới đây, ông Kiên cho biết, việc thành lập Hãng hàng không của Thiên Minh sẽ phải hoãn lại trong ít nhất 2 năm nữa (sau năm 2022).

Việc không kịp thành lập hãng hàng không tư nhân giá rẻ vào năm 2020 không hẳn đã là thất bại với Thiên Minh, bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến ngay cả các hãng hàng không vận hành lâu năm còn đang sống dở chết dở.

Tuy nhiên, cùng thời điểm năm 2019, những thông tin không thật sự tích cực về hoạt động kinh doanh của Thiên Minh bắt đầu xuất hiện. Một trong những thông tin đáng chú ý là việc doanh nghiệp này lần đầu bị Hà Nội nhắc tên trong danh sách nợ thuế tháng 10/2019. Điều này cho thấy những khó khăn của Thiên Minh đã nhen nhóm từ trước cả đại dịch COVID-19.

Trong công bố tình hình kinh doanh tóm tắt 6 tháng đầu năm 2020 của CTCP Du lịch Thiên Minh, lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này lỗ sau thuế 241,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi 37,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Thiên Minh Group đạt 2.903 tỷ đồng, giảm 2,5% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 1.344 tỷ đồng, tăng trưởng 16,8%.

Ngoài Thiên Minh Group, ông Trần Trọng Kiên còn là người đại diện pháp luật tại một số pháp nhân khác như: Công ty TNHH Jetwing Indochina, Công ty TNHH Thiên Minh – Handico 12, Công ty TNHH MTV Lam Sơn Tùng, Công ty TNHH Gumin, Công ty TNHH Go Vacation Việt Nam, Công ty TNHH MTV Xieng Thong Palace và Công ty TNHH Vi Vu.

Thực tế, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thế giới, đặc biệt là ngành du lịch và dịch vụ. Việc các nước đóng cửa đường bay quốc tế khiến ngành du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng 20-30%/năm nhanh chóng giảm sút mạnh mẽ.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch TAB, ông Trần Trọng Kiên cho biết: Sự tê liệt đã kéo từ lữ hành tới lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm khiến 98% hãng lữ hành quốc tế dừng hoạt động, công suất phòng của các cơ sở lưu trú cũng chỉ còn 20%. Chỉ trong quý 1/2020 ngành du lịch đã đánh mất 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch nội địa hiện rất lớn.

Để sống sót, Thiên Minh thích ứng bằng nhiều phương án từ áp dụng công nghệ tới tái cơ cấu lại đội hình, chiến lược kinh doanh, chú trọng khách nội địa. Ông Kiên nhấn mạnh rằng, với các doanh nghiệp đây là giai đoạn đòi hỏi liên tục đổi mới sáng tạo trong vận hành, ứng dụng nhiều công nghệ thông tin. Tính sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn cũng như tìm thấy cơ hội khác trong thời điểm hiện tại.

Ba cách theo ông Kiên để ngành du lịch sống sót trong điều kiện bình thường mới là giảm chi phí bằng cách hạn chế đầu tư dài hạn, cắt giảm lương và giảm nhân sự, thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp và sử dụng nguồn lực sẵn có.

COVID-19 không phải là khó khăn đầu tiên mà Thiên Minh và ông Trần Trọng Kiên gặp phải trong suốt 27 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhưng đây chắc chắn là một thách thức lớn chưa từng có.  Người ta kỳ vọng ở một Trần Trọng Kiên từng dám từ bỏ tấm bằng ngành Y để đi lao vào khởi nghiệp bằng 2.000 USD năm 1994; Một Trần Trọng Kiên từng khẳng định: "Thất bại là chuyện bình thường, miễn là có đủ thông minh để biết rằng mình đã sai" để đương đầu với thách thức và tái cơ cấu bản thân và doanh nghiệp.

ĐÌNH VŨ

Cùng chuyên mục
XEM