Doanh nghiệp vận tải đang “chết lâm sàng”, chờ chính sách giải cứu

22/06/2021 09:20 AM | Kinh doanh

Sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, hàng loạt các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đang sống “thoi thóp” và đứng trước nguy cơ phá sản vì tác động nặng nề của dịch.

Trong thời điểm này, các đơn vị vận tải rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đây được xem như là “liều thuốc bổ” để cứu “cơ thể” các doanh nghiệp đang bị “suy nhược nặng” do tác động của dịch bệnh.

Hàng không đứng bên bờ vực phá sản

Thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất từ trước đến nay đã khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cảnh báo khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), dự kiến số lỗ của quý 1/2021 ở mức 4.800 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.

Hiện tại, số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái rất khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

“Hiện tại, Vietnam Airlines có tới hơn 9.000 người lao động đang trong chế độ nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và cả việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Trong công văn kêu cứu gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Hàng không cho biết, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nói chung và ngành hàng không trong nhiều năm tới.

Do vậy, Hiệp hội Hàng không tiếp tục thực hiện (có điều chỉnh) các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không. Cụ thể, triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các hãng cải thiện khả năng thanh toán (gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng), tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tới hết năm 2024. Tiếp tục hỗ trợ về giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…).

Thực hiện việc giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và tiếp tục giảm giá điều hành bay, giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính với từng doanh nghiệp, áp dụng tiếp khung giá với mức tối thiểu 0 đồng với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước đến hết tháng 12/2021.

Giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (tối thiểu giảm 70%) trong năm 2021…

Đường bộ, đường sắt sống…“thoi thóp”

Là doanh nghiệp có gần 100 xe chở khách, ông Đỗ Việt Phương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ Lâm Hà có xe chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ là cầm chừng và gần như dừng hoạt động, hiện chỉ còn túc tắc gần chục xe hoạt động.

Trước khi chưa có dịch, trung bình mỗi tháng nhà xe chi trên 2 tỷ đồng tiền lương, thưởng cho lái xe, nhân viên. Hiện nay, dù không có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị vẫn phải gánh gần 1 tỷ đồng/tháng.

“Nửa năm nay, doanh thu sản xuất, kinh doanh gần như bằng 0 đồng nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng; tiền thuê nhà xưởng, kho bãi; tiền lương hỗ trợ cán bộ công nhân viên, lái xe; phí bảo trì đường bộ…Nói chung hiện tại chúng tôi đang trong cảnh “thoi thóp” chờ chết.

Chung tình cảnh này, ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ  xe khách phía Bắc cho biết toàn bộ hơn 100 xe khách chạy tiên tỉnh và xe buýt kế cận chạy tuyến Hà Nội đi Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương nay đã trong tình trạng “đắp chiếu”.

“Doanh nghiệp không sản xuất kinh doanh thì không có nguồn thu, không có chi phí để thanh toán cho ngân hàng, trong khi các khoản vay này đều chịu lãi suất cao, phải thanh toán đúng kỳ”, ông Huy lo lắng.

Theo ông Huy, mặc dù xe “đắp chiếu,” đơn vị vẫn phải chi trả phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện trung bình là 400.000 đồng/tháng, 100 xe rơi vào khoảng 40 triệu đồng/tháng, trong khi chưa có chính sách miễn, giảm khoản phí bảo trì này khiến doanh nghiệp càng thêm chồng chất khó khăn.

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ngành đường sắt vốn đã nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch COVID-19 càng khiến doanh thu, vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng hơn.

“Những tháng vừa qua, lượng khách sụt giảm trên 50% do người dân hạn chế đi lại, ngành đường sắt phải cắt giảm nhiều tàu khách, lương của cán bộ, nhân viên bị cắt giảm. Tuy nhiên dịch hiện nay cũng chưa biết bao giờ phục hồi được và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn”, lãnh đạo VNR cho hay.

Những chính sách nào để gỡ khó cứu doanh nghiệp vận tải?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31/12/2021.

Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ôtô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.

Mặt khác, cơ quan này cũng đã có kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch COVID-19; Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục cho phép về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%, xe ôtô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% đến hết ngày 31/12/2021…

Trước tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp vận tải, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc rà soát, kiểm tra về giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển; giá cước tàu biển và phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa để có các giải pháp, kiến nghị, đề xuất hướng xử lý phù hợp…

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa do Bộ quản lý; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn cả nước…/.

Phi Long

Cùng chuyên mục
XEM