Doanh nghiệp và người dân ‘ngại’ mua sắm, vay mượn - Trung Quốc giống và khác Nhật Bản 30 năm trước như thế nào?

20/07/2023 16:05 PM | Kinh doanh

Trung Quốc ngày càng tiến gần đến nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát - giảm nợ kéo dài như Nhật Bản cách đây 30 năm. Và tình hình thậm chí còn có thể tệ hơn nữa, khi Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức hơn Nhật Bản đã từng.

Doanh nghiệp và người dân ‘ngại’ mua sắm, vay mượn - Trung Quốc giống và khác Nhật Bản 30 năm trước như thế nào? - Ảnh 1.

Nội dung chính:

  • Trước khi rơi vào vòng xoáy giảm phát-giảm nợ, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều trải qua một cuộc thương chiến với Mỹ, và đều có những phản ứng chính sách được giới chuyên gia đánh giá là không phù hợp.
  • Trung Quốc có thể còn gặp thách thức lớn hơn Nhật Bản khi tỷ lệ nợ cao ở khu vực công, quy mô dân số thu hẹp.

Rủi ro giảm phát ở Trung Quốc và những điểm chung với Nhật Bản?

Dữ liệu vĩ mô gần đây cho thấy Trung Quốc đang đứng trước rủi ro rơi vào vòng xoáy giảm phát, giảm nợ khi cả doanh nghiệp và người dân trở nên e ngại  mua sắm và vay mượn.

Giảm phát "là một dấu hiệu rất xấu về mặt kinh tế vĩ mô" , nhà kinh tế học Richard Koo cho biết. Trên khía cạnh cá nhân, những người cố gắng tiết kiệm tiền có thể đang làm những điều đúng đắn, nhưng xét về tổng thể, họ có thể đang giết chết nền kinh tế.

Doanh nghiệp và người dân ‘ngại’ mua sắm, vay mượn - Trung Quốc giống và khác Nhật Bản 30 năm trước như thế nào? - Ảnh 2.

Tình trạng hiện tại của Trung Quốc được nhiều nhà phân tích so sánh với Nhật Bản cách đây hơn 30 năm, khi quốc gia này mắc kẹt trong vòng xoáy giảm phát - giảm nợ, và đã trải qua "Thập kỷ mất mát" với nền kinh tế trì trệ kéo dài. Một số điểm chung giữa hai nền kinh tế có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều trải qua một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, trước khi lâm vào suy thoái.

Chính quyền Tokyo và Washington đã đối đầu trong một cuộc thương chiến quy mô nhỏ vào những năm 1980-1990. Nhà Trắng đã cáo buộc Nhật Bản tự thao túng tiền tệ, trợ cấp cho các công ty của mình, dựng lên những hàng rào phi thuế quan hà khắc với những sản phẩm nhập khẩu.

Phía Mỹ đã áp thuế trừng phạt 100% lên các sản phẩm điện tử của Nhật Bản, thuyết phục doanh nghiệp tự nguyện hạn chế các sản phẩm của đối thủ như ô tô, thép, các máy móc công nghiệp, đồng thời áp dụng luật cấm các ngành công nghiệp thép, gỗ và đường của Nhật.

Trong khi đó, Trung Quốc thậm chí còn có một cuộc thương chiến lớn hơn với Mỹ. Và cuộc chiến này đang được đẩy cao về khía cạnh công nghệ, liên quan trực tiếp tới ngành công nghiệp bán dẫn và sản phẩm chip - linh kiện tối quan trọng của công nghiệp điện tử Trung Quốc. Với việc bị hạn chế xuất khẩu, cũng như ngành công nghiệp bị cản trở, việc phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Doanh nghiệp và người dân ‘ngại’ mua sắm, vay mượn - Trung Quốc giống và khác Nhật Bản 30 năm trước như thế nào? - Ảnh 3.

Cuộc chiến về chip giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang


Thứ hai, về cách phản ứng chính sách. Nhật Bản được đánh giá là có phản ứng khá vụng về khi rơi vào tình trạng suy thoái những năm 1980, vì họ chưa bao giờ có kinh nghiệm cho việc này. Còn với Trung Quốc, các nhà điều hành chính sách của đất nước đã có nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng họ vẫn đưa ra những hành động ngược với lời khuyên của các nhà tư vấn.

Trong khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác hỗ trợ người tiêu dùng bằng các khoản trợ cấp trực tiếp, và các nhà kinh tế cũng ủng hộ cách làm này, thì các biện pháp kích thích của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào phía cung. Theo giới phân tích, điều này đã dẫn đến sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tao Wang, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Đầu tư UBS, cho biết: “Các đơn đặt hàng và thu nhập của người dân nói chung đã giảm trong 16 tháng qua, vì vậy rất khó để các doanh nghiệp tự tin trong môi trường đó. Họ không muốn mở rộng vì nhiều người trong số họ vẫn còn rơi vào khủng hoảng dư thừa”.

Thậm chí, ngay trước khi suy thoái diễn ra, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc “đàn áp” đối với một số lĩnh vực quan trọng, bắt đầu bằng việc giới hạn về đòn bẩy của công ty bất động sản, tài chính và sau đó là cả các nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như Ant Group của tỷ phú Jack Ma.

Doanh nghiệp và người dân ‘ngại’ mua sắm, vay mượn - Trung Quốc giống và khác Nhật Bản 30 năm trước như thế nào? - Ảnh 4.

Bên ngoài trụ sở Ant Group ở Hàng Châu, Trung Quốc


Chính phủ Trung Quốc đã công bố mức phạt 7,1 tỷ NDT (984 triệu USD) đối với Ant Group mới đây. Dù con số này là rất lớn, nhưng một số nhà phân tích coi đó là một bước tích cực – có thể báo hiệu sự kết thúc của việc “cải chính” các tập đoàn công nghệ. Thủ tướng Lý Cường, cũng đã gặp các CEO của TikTok ByteDance, Meituan và Alibaba Cloud, đảm bảo với họ rằng chính phủ sẽ bình thường hóa các quy định.

Những điểm khác biệt

Những điểm khác biệt với cuộc suy thoái ở Nhật Bản cũng cần được cần nhắc, để các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách xem xét kỹ hơn giải pháp nào sẽ là phù hợp cho Trung Quốc ở thời điểm này.

Thứ nhất là cơ cấu nợ. Vòng xoáy giảm phát-giảm nợ của Nhật Bản đến từ việc khu vực tư nhân vay nợ quá nhiều (nhiều nhất so với các khu vực khác). Giá các loại tài sản giảm đột ngột nên người dân và doanh nghiệp ngừng chi tiêu, đầu tư.

Với Trung Quốc, tỷ lệ nợ của khu vực tư nhân đã giảm từ năm 2015-2016. Khu vực công mới là khu vực vay nợ nhiều. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có khả năng kích thích kinh tế tốt hơn thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp khu vực tư nhân vay thêm để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vấn đề của Trung Quốc là tâm lý của các doanh nghiệp hiện tại vẫn đang bi quan. Kể cả trong bối cảnh có thể vay nợ với lãi suất rất thấp, họ vẫn không muốn tăng đầu tư, vì chưa lạc quan vào nhu cầu, tâm lý tiêu dùng của người Trung Quốc và cả thế giới vẫn còn e ngại.

Thứ hai là tỷ lệ đô thị hóa. Trong khi tỷ lệ đô thị hóa của Nhật Bản lên đến 77% trong giai đoạn trước khủng hoảng, thì ở Trung Quốc, tỷ lệ hiện nay chỉ đang là 64%. Tỷ lệ đô thị hóa này vẫn ở mức thấp sovới các quốc gia phát triển khác ở châu Á, và còn dư địa tăng, thông qua việc cư dân nông thôn di cư lên thành thị, hoặc các vùng nông thôn của Trung Quốc phát triển lên thành đô thị. Do vậy, Trung Quốc vẫn còn dư địa để kích thích nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư công cơ sở hạ tầng.

Thứ ba là các yếu tố nhân khẩu học. Nhật Bản năm 1990 khi rơi vào khủng hoảng, dân số vẫn đang tăng trưởng, và còn tiếp tục tăng đến năm 2009. Trong khi đó, dân số Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2022 và đang có xu hướng giảm.

Doanh nghiệp và người dân ‘ngại’ mua sắm, vay mượn - Trung Quốc giống và khác Nhật Bản 30 năm trước như thế nào? - Ảnh 5.

Liên hợp quốc dự báo rằng dân số Trung Quốc sẽ giảm từ mức đỉnh 1,4 tỷ năm 2022 xuống còn 1,3 tỷ vào năm 2050 và xuống dưới 800 triệu vào năm 2100. Giảm dân số dẫn đến việc suy giảm nhu cầu.

Doanh nghiệp và người dân ‘ngại’ mua sắm, vay mượn - Trung Quốc giống và khác Nhật Bản 30 năm trước như thế nào? - Ảnh 6.

Đồ thị dự báo dân số Trung Quốc trong 20 năm tới theo 3 kịch bản của Liên Hợp Quốc

Trung Quốc trước giờ vẫn tự hào vào thị trường 1,4 tỷ dân sẽ tạo ra nhu cầu khổng lồ cho các sản phẩm nội địa và cả các sản phẩm từ nước ngoài. Dân số sụt giảm sẽ làm giảm tiềm năng này, và ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế - khi tiêu dùng nội địa chiếm tới 40% GDP. Một số lập luận cho rằng cầu có thể được bù đắp vì người Trung Quốc giàu lên, nhưng điều này còn phụ thuộc rất lớn vào tốc độ tăng thu nhập của họ.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM