Doanh nghiệp Trung Quốc giữa ngã ba đường khi thế hệ con cháu lên nắm quyền: Làn sóng chuyển giao lớn nhất lịch sử đang diễn ra
Thách thức mang tên doanh số giảm mạnh, sự cạnh tranh ngày càng tăng và những bậc phụ huynh ngại thay đổi.
Bước vào xưởng dệt của gia đình, Mao Lu ngay lập tức cảm thấy được sức nặng. Tiếng máy khâu lách cách ngắt quãng, sự tập trung lặng lẽ của công nhân và mùi vải mới cắt thoang thoảng trong không khí — tất cả đều là lời nhắc nhở về những gì cha mẹ cô dành cả cuộc đời để xây dựng.
Mao đã dành nhiều năm du học và xây dựng sự nghiệp trong ngành quảng cáo của Thượng Hải. Tuy nhiên, sau những đêm thức khuya vô tận, áp lực không ngừng nghỉ và những phần thưởng chóng vánh, cô khao khát một điều gì đó có ý nghĩa hơn.
Vào tháng 4, bỏ lại tất cả phía sau, cô gái trẻ dấn thân vào doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD của gia đình ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Thách thức mang tên doanh số giảm mạnh, sự cạnh tranh ngày càng tăng và một người cha ngại thay đổi.
“Giờ tôi hơi hối hận”, cô thừa nhận, ngồi trong văn phòng nơi cha cô đã quản lý nhà máy trong nhiều thập kỷ. “Tại sao tôi lại học quảng cáo và truyền thông? Nếu tôi chọn nha khoa hoặc luật, tôi sẽ có một sự nghiệp độc lập với triển vọng tốt hơn. Bây giờ, bằng cách tiếp quản doanh nghiệp gia đình, tương lai của tôi gắn liền với nhà máy”.
Trên khắp Trung Quốc, hàng ngàn nhà máy gia đình đang đứng trước ngã ba đường, vật lộn với làn sóng chuyển giao thế hệ lớn nhất trong lịch sử đất nước. Được thành lập trong thời kỳ bùng nổ công nghiệp những năm 80 và 90, những doanh nghiệp này phát triển mạnh nhờ nhu cầu ổn định và tăng trưởng có thể đoán trước.
Tuy nhiên, đối với những người thừa kế, sự chắc chắn này giảm dần. Thương mại điện tử, lực lượng lao động đang thu hẹp và kỳ vọng thay đổi của người tiêu dùng đang buộc các chủ nhà máy phải nhanh chóng thích nghi hoặc có nguy cơ bị tụt hậu.
Vấn đề không chỉ nằm ở truyền thống gia đình. Sản xuất vẫn là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp 26,2% vào GDP của quốc gia này vào năm 2023 và gần 30% tổng GDP toàn cầu. Trong số hơn 100 triệu doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, hơn 80% là doanh nghiệp gia đình và gần 1/3 trong số đó tập trung vào sản xuất truyền thống.
Áp lực đè nặng lên “thế hệ chủ nhà máy thứ hai”. Thử thách thực sự không chỉ là duy trì hoạt động kinh doanh mà còn là thích nghi và phát triển trong một thị trường đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Kế nghiệp gia đình chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của Mao. Với bằng cấp của mình, cô mơ ước có một sự nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, nhưng rồi hiện thực như một cú đánh mạnh vào tâm tưởng. Công việc ngốn hết thời gian và năng lượng, với mức lương vỏn vẹn vài nghìn tệ một tháng.
“Tôi cảm thấy dù có làm việc chăm chỉ hay thể hiện tốt đến đâu cũng chỉ là một bánh răng trong một cỗ máy khổng lồ”, cô nói với Sixth Tone.
Tháng 4, Mao quyết định trở về Nam Thông và thử sức với công việc kinh doanh của gia đình.
“Ở đây, ít nhất tôi cũng có thể nhìn thấy tiền mình kiếm được”, cô cười.
Nhà máy của gia đình cô nằm ở Dieshiqiao, một trung tâm hàng dệt gia dụng ở Nam Thông. Trải rộng trên 3 tầng, đây là một trong số ít nhà máy trong khu vực có khả năng xử lý mọi bước sản xuất cho một bộ chăn ga gối 4 món — từ thiết kế, cắt, chần bông đến hoàn thiện.
Dẫu vậy, nhà máy vẫn đang phải vật lộn để theo kịp. Sự gia tăng nhanh chóng của mua sắm trực tuyến đã định hình lại cách người tiêu dùng mua hàng gia dụng, gây áp lực cho các đại lý truyền thống và làm xói mòn cơ sở khách hàng. “Nhiều khách hàng ngoại tuyến đã đóng cửa và doanh số của nhà máy giảm 15% trong năm nay”, Mao than thở.
Theo Liang Qiang, Trưởng khoa Kinh doanh tại Đại học Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông, phía nam, môi trường điều hành doanh nghiệp gia đình đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.
“Nhiều thập kỷ trước, thành công phần lớn phụ thuộc vào lòng dũng cảm và các mối quan hệ xã hội. Miễn là bạn có thể sản xuất đủ sản phẩm với chi phí tối thiểu, bạn vẫn có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường”, ông nói, mô tả những ngày đầu bùng nổ sản xuất của Trung Quốc.
Nhưng ngày nay, các quy tắc đã thay đổi.
“Chỉ hiệu quả thôi là chưa đủ. Sự bất ổn là thách thức lớn nhất”, Liang nói thêm. “Một số ngành công nghiệp hiện đang ở thời điểm quan trọng, phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn hoặc thậm chí là suy thoái”.
Đối với nhiều doanh nghiệp gia đình, nỗ lực mới phụ thuộc vào một chiến lược quan trọng: số hóa.
Nỗ lực đầu tiên khi chuyển sang kinh doanh thương mại điện tử của Zhang Yi và chồng cô là Yin đã kết thúc trong thảm họa. Ngay sau khi tiếp quản nhà máy sản xuất nệm 20 năm tuổi của gia đình ở phía đông tỉnh Chiết Giang, cặp đôi cho ra mắt một thương hiệu nệm bán lẻ để giảm sự phụ thuộc vào một khách hàng lớn duy nhất. Cửa hàng trực tuyến đầu tiên nhanh chóng bị đóng cửa sau khi mất 200.000 nhân dân tệ cho một nhóm điều hành lừa đảo.
Quyết tâm phục thù, họ bắt đầu lại với một chiến lược rõ ràng hơn. Zhang phụ trách tiếp thị trực tuyến, tập trung vào thương hiệu kỹ thuật số và lưu lượng truy cập mục tiêu. Trong vòng 6 tháng, doanh số đã tăng gấp 3.
“Đầu tư ban đầu cuối cùng cũng cho thấy kết quả”, Zhang nói. Bước đột phá đến sau khi chuyển trọng tâm sang nệm thông minh, một động thái trùng hợp với các chính sách của chính quyền địa phương hỗ trợ số hóa và đổi mới.
“Chúng tôi may mắn khi nắm bắt được cơ hội đúng lúc”, cô nói.
Đối với Mao, việc chuyển đổi thương hiệu cho dòng sản phẩm chăn ga gối đệm của gia đình cũng là bước đầu tiên hướng tới chuyển đổi số. Cô thiết kế lại bao bì, cải tiến cửa hàng trực tuyến về ra mắt một tài khoản mạng xã hội kể chuyện về nhà máy.
“Bố tôi nghĩ rằng một khi sản phẩm đã có trên kệ, nó sẽ tự bán được”, đồng thời nói thêm rằng ông thường đánh giá thấp thời gian và công sức cần thiết để thu hút người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số. “Đôi khi ông ấy nghĩ rằng tôi chẳng làm gì cả khi thực tế tôi đang chuẩn bị danh sách sản phẩm mới hoặc tinh chỉnh câu chuyện thương hiệu của chúng tôi”.
Đối với một số người kế nhiệm, các nền tảng trực tuyến không chỉ là công cụ bán hàng mà còn là con đường kết nối và tái tạo.
Năm ngoái, Huang Xiyi, thế hệ thứ ba kế thừa một nhà máy thiết bị cơ khí ở Quảng Đông, đã ghi lại trải nghiệm của mình trên ứng dụng phong cách sống phổ biến Xiaohongshu. Cô kể chi tiết về sự căng thẳng khi hiện đại hóa nhà máy, xung đột về giá trị gia đình và sự cô lập đi kèm. Bài đăng đã gây được tiếng vang, thu hút hàng nghìn lượt thích và bình luận, từ đó thôi thúc Huang thành lập một cộng đồng trực tuyến để những người chủ thế hệ thứ hai có thể kết nối, trao đổi ý tưởng và hỗ trợ lẫn nhau.
“Giống như tôi, nhiều người khác cũng đang phải đối mặt với những thách thức của việc thừa kế, xung đột giữa những ý tưởng cũ và mới”, Huang nói.
Ngày nay, nhóm của cô, “Chang'erdai GoGoGo” tự hào có hơn 4.700 thành viên từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Nền tảng này đã trở thành trung tâm chia sẻ tài nguyên, tổ chức diễn đàn và hợp tác trong các dự án kinh doanh. Các thành viên thậm chí còn dùng chuyên môn của mình để chấp nhận đơn đặt hàng của khách hàng và hợp lý hóa việc phân phối sản phẩm.
Theo: Rest of World