Doanh nghiệp không còn sợ nhân viên làm online lười biếng nhờ phần mềm của tỷ phú Nhật Bản

06/09/2020 07:02 AM | Kinh doanh

Làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy nhu cầu đối với các công cụ làm việc từ xa do Optim Corp cung cấp. Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Tokyo đã tăng gấp đôi trong năm nay do các dự đoán lạc quan về sự phát triển liên tục của phần mềm quản lý thiết bị di động của nhân viên.

Giữa tháng 8, Optim đã báo cáo thu nhập quý đầu tiên của họ trong năm nay đạt lợi nhuận 12 triệu yên (khoảng 2,6 tỷ VND) so với mức lỗ 150 triệu yên (gần 33 tỷ VND) của cùng kỳ năm trước. Optim cũng cho biết doanh thu của công ty đã tăng 17,5%, đạt 1,37 tỷ yên (hơn 300 tỷ VND) trong cùng quý.

Shunji Sugaya, nhà sáng lập của Optim, đã trở thành tỷ phú chỉ hai ngày trước sinh nhật lần thứ 44 khi cổ phiếu công ty của anh leo lên mức đỉnh cuối cùng là 3.790 yên vào giữa tháng 8. Kể từ đó, cổ phiếu của anh đã giảm 15,4%, mang lại cho Sugaya giá trị tài sản ròng hiện tại là 1,1 tỷ USD.

Doanh nghiệp không còn sợ nhân viên làm online lười biếng nhờ phần mềm của tỷ phú Nhật Bản - Ảnh 1.

Sugaya nói trong một cuộc phỏng vấn video: “Trong xã hội Nhật Bản, nhiều công ty tập trung hơn vào quản lý vật chất. Nhưng sau đại dịch này, mọi thứ đã thay đổi, đặc biệt là ở góc độ quản lý. Làm việc từ xa là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể chứng kiến nhiều tiến bộ hơn, đặc biệt là trong xã hội Nhật Bản.”

Dịch vụ cốt lõi của Optim là nền tảng quản lý thiết bị với tên gọi Optimal Biz, được tạo ra vào năm 2009. Khách hàng có thể sử dụng phần mềm để quản lý thiết bị của nhân viên từ trình duyệt web, cho phép họ chặn một số trang web nhất định và ngăn chặn việc mất dữ liệu trong các thiết bị bị đánh cắp với chức năng khóa và xóa dữ liệu từ xa.

Vào cuối tháng 5, Optim đã ra mắt Optimal Biz Telework, một phần mở rộng của dịch vụ cốt lõi, phục vụ những người làm việc tại nhà. Dịch vụ này sử dụng AI để phân tích năng suất của nhân viên và cảnh báo cho quản trị viên biết khi nhân viên có vẻ không hoạt động trong giờ làm việc.

Một công cụ khác nhận được sự quan tâm trong thời kỳ đại dịch là Optim’s AI Camera. Được giới thiệu vào cuối năm 2018, dịch vụ phân tích hình ảnh đã được phát triển để sử dụng phân tích mức độ tắc nghẽn ở những nơi như văn phòng và căng tin của nhân viên.

Sugaya cho biết: “Trước đại dịch, ngay cả khi chúng ta có công nghệ cho những mục đích như thế này, phản ứng của mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp, vẫn khá tiêu cực. Bây giờ, họ không có lựa chọn nào khác. Họ phải sử dụng những dịch vụ đó, và cả phía doanh nghiệp lẫn người dùng đã và đang nhận ra những lợi ích (của chúng) ”.

Là một lập trình viên tự học, Sugaya bắt đầu viết mã phần mềm để tạo ra các trò chơi mà anh ấy đã bán cho bạn bè của mình khi vẫn còn đang đi học. Sau đó, khi phải chọn chuyên ngành đại học, anh lại đưa ra một quyết định bất ngờ là theo học ngành nông nghiệp.

Anh chia sẻ: “Vào năm 1996, CNTT không quá tiên tiến. Tôi cho rằng mình đã học đủ về CNTT.”

Doanh nghiệp không còn sợ nhân viên làm online lười biếng nhờ phần mềm của tỷ phú Nhật Bản - Ảnh 2.

Nhưng giờ đây, công nghệ nông nghiệp đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kế hoạch mở rộng của Optim. Công ty đã bán drone, có thể được sử dụng để theo dõi sức khỏe của cây trồng và phun thuốc trừ sâu.

Vào năm 2000, Sugaya mới 23 tuổi khi anh gặp người giàu nhất Nhật Bản, Masayoshi Son. Tỷ phú sáng lập SoftBank từng là giám khảo cho một cuộc thi thuyết trình kinh doanh, trong đó Sugaya đã giành được giải thưởng Masayoshi Son nhờ ý tưởng đặt quảng cáo trên màn hình trong khi video và phần mềm đang được tải xuống.

Son đưa cho Sugaya 2 lựa chọn: phần thưởng tiền mặt trị giá 2,8 triệu USD hoặc cơ hội gia nhập SoftBank và nhận quyền chọn cổ phiếu, nhưng Sugaya từ chối cả hai lời đề nghị. Anh ấy muốn tự mình bắt đầu kinh doanh. Sugaya thành lập Optim vào cuối năm đó.

K Nguyễn

Từ khóa:  nhật bản
Cùng chuyên mục
XEM