Doanh nghiệp gửi tâm tư trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng
“Nhà nước hiện nay còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp bỏ hoang, cần xem xét cho doanh nghiệp tư nhân thuê để tránh tình trạng lãng phí cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất”, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng trước cuộc gặp ngày mai 17/5.
Những chuyển biến tích cực trong 1 năm qua
Chưa có thời điểm nào mà cộng đồng doanh nghiệp được trao đặt một vị trí, nhiệm vụ quan trọng đến vậy. Trong rất nhiều tuyên bố của mình, Thủ tướng đã nhấn mạnh, khu vực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, kèm theo đó là hàng loạt chính sách, động thái nhằm hỗ trợ cho cộng đồng này.
Sau một năm kể từ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng tư duy của Chính phủ, của chính quyền địa phương đã có nhiều thay đổi.
“Đó là sự chuyển biến từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”, ông nhận xét.
Theo quan sát của ông, chính quyền đã đồng hành cùng doanh nghiệp, có chiến lược cụ thể cho doanh nghiệp tại các địa phương. Ông cũng đưa ra nhận định nếu tư duy này tiếp tục đi theo chiều hướng này thì Chính phủ sẽ làm tốt việc đồng hành cùng doanh nghiệp.
Các vấn đề về số hoá, thuế, hải quan cũng đã được chính quyền chú ý hơn, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh thay đổi theo chiều hướng tốt, chính quyền địa phương sẵn sang giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp đến cùng. Môi trường đầu tư cũng hấp dẫn, nhiều địa phương đã tự tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư và ngày càng minh bạch.
Đâu cũng là quan điểm của ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam.
“Môi trường kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện qua những kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017”, ông nói.
Nhiều thách thức vẫn đang chờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bên cạnh những chuyển biến tốt được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, vẫn còn nhiều “hạt sạn” tồn tại.
Ông Lê Văn Hiểu cho biết, hiện nay việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khiến cho doanh nghiệp vẫn cảm thấy phiền hà, khó khăn.
Vấn đề phân bổ nguồn lực cũng được ông kiến nghị lên. Theo đó, cần có giải pháp sử dụng được nguồn lực chung của Nhà nước và doanh nghiệp, tránh để chỗ thì thiếu, chỗ thì thừa, trong khi hiệu suất sử dụng thì kém.
“Nhà nước hiện nay còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp bỏ hoang, cần xem xét cho doanh nghiệp tư nhân thuê để tránh tình trạng lãng phí cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất”, đại điện doanh nghiệp đến từ Đà Nẵng cho biết.
Ông cũng nói thêm rằng cụm từ doanh nghiệp nhà nước – doanh nghiệp tư nhân như hiện nay ở nhiều chính sách đã tạo ra sự phân biệt trong đầu tư, sản xuất. Để xóa bỏ sự phân biệt này cần rà soát, sửa đổi chính sách để tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Hay như ông Nguyễn Trọng Điều cũng chỉ ra những điểm chưa được thể hiện qua công bố mới đây về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016 (PAPI).
Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng, vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII của Đảng đã đề ra là: Chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách lao động - tiền lương; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại.
Theo ông, phải rà soát và xoá bỏ những văn bản quy định đi ngược lại yêu cầu, nhiệm vụ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, trước mắt là những quy định hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, những quy định làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Đặc biệt, quản lý Nhà nước phải theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế phát triển nhanh, tính cạnh tranh cao thay thế các giá trị truyền thống như lao động, tài nguyên.
Có như vậy mới giúp doanh nghiệp đua tranh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ và sức sáng tạo là yếu tố quyết định thành công. Bên cạnh đó cần thấy hết thách thức với yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực và an ninh mạng – Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân nói.
Còn ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội tỉnh Vĩnh Phúc thì cho biết những phản ánh của doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp được truyền tải tới chính quyền các cấp, song việc nghiên cứu giải quyết của chính quyền và các cơ quan chức năng rất chậm hoặc không giải quyết. Từ đó làm cho các doanh nghiệp chán nản, không muốn phản ánh, uy tín của Hiệp hội với các doanh nghiệp cũng từ đó giảm sút.
“Các doanh nghiệp vẫn phản ánh là, một số cán bộ của một số ngành vẫn thích ‘hành’, thích ‘quản lý’ doanh nghiệp, không coi trọng ý thức phục vụ doanh nghiệp như Thủ tướng đã nói”, ông Khang nói.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Vĩnh Phúc cho rằng, các Bộ, ngành khi soạn thảo Nghị định, thông tư hướng dẫn cần rõ ràng, cụ thể, dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hiện không nên dùng từ đa nghĩa. Hết sức tránh tình trạng “bảo thủ” “lợi ích ngành” khi ban hành cơ chế, chính sách.
Phải hết sức coi trọng, lắng nghe ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, nghiên cứu giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp kịp thời, thỏa đáng. Hết sức tránh tình trạng bao biện “giải thích” nhiều mà “không giải quyết”.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, cần làm tốt khâu dự báo, dự đoán và thường xuyên thông báo để các doanh nghiệp biết khi họ hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh.