Doanh nghiệp 'đầu đàn' miền Tây - Cỏ May bươn chải trong đại dịch: “3 tại chỗ” trong 3 tháng thì cố được, nhưng nếu tiếp tục cố sẽ đứt gãy vì “lò xo đã bị nén hết cỡ”

01/10/2021 10:26 AM | Kinh doanh

Cỏ May là một trong những doanh ngh đa ngành khá thành công với 3T, thậm chí nhờ ‘lì đòn’ mà thị phần thức ăn chăn nuôi – thủy sản của họ tại miền Tây còn tăng; nhưng với CEO Phạm Minh Thiện, thì đó chỉ là ánh sáng le lói trong màn đêm đen tối. Theo anh, các doanh nghiệp đã không thể chịu nổi 3T, Nhà nước cần cho họ cơ chế sản xuất thoáng đãng hơn.

CEO Cỏ May Group - Phạm Minh Thiện. Ảnh: KH&PT
CEO Cỏ May Group - Phạm Minh Thiện. Ảnh: KH&PT

Tập đoàn Cỏ May với doanh thu khoảng 2.000 tỷ vào năm 2016, là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia vào mô hình sản xuất 3T, nhằm đối phó với giai đoạn cao trào của bệnh dịch trong vài tháng vừa qua ở miền Tây. Theo đó, 3 mảng sản xuất chính của họ là chế biến thủy hải sản – chế biến lúa gạo – sản xuất thức ăn gia súc và thủy hải sản vẫn được Ban lãnh đạo doanh nghiệp quyết định tham gia 3T bắt đầu từ 1/7.

Tuy nhiên, quá trình 3T của họ chỉ thành công 70%, khi Nhà máy gạo đã thất bại trong việc ngăn chặn virus Corona xâm nhập; và đến thời điểm hiện tại, nhà máy này vẫn chưa thể hoạt động trở lại. 2 nhà máy kia may mắn "thủ được" và đã hoạt động liên tục được 3 tháng.

"Bắt đầu sản xuất theo mô hình 3T không lâu, thì nhà máy gạo của Cỏ May bắt đầu xuất hiện ca dương tính đầu tiên một cách đầy bất ngờ và không ai biết là tại sao lại như thế. Từ một ca dương tính đầu tiên, dịch bệnh bắt đầu lan rộng trong nhà máy, cuối cùng có khoảng vài chục nhân viên trở thành F0 và vài trăm người trở thành F1.

Lúc lượng ca dương tính ngày càng tăng cao, tôi đã hết sức lo lắng và hoảng sợ; thậm chí còn không dám theo dõi quá sát, vì sợ có điều gì đó bất trắc sẽ xảy ra với nhân sự của mình. Cũng may, trong các ca dương tính tại nhà máy gạo Cỏ May, không có ai trở nặng", anh Phạm Minh Thiện kể về những trải nghiệm của mình với 3T đợt đầu tiên.

Còn ở nhà máy sản xuất thức ăn, ngay từ đầu tháng 7, Cỏ May cũng đã vội vã lập đội tiên phong bảo vệ sản xuất, bởi sợ dịch tiến về miền Tây nhanh quá mình trở tay không kịp. Ngoài ra, anh tiết lộ, sở dĩ 2 nhà máy còn lại thành công ngăn dịch là bởi tại mỗi nơi, anh thiết kế một nhà xông hơi cỡ nhỏ có thể chứa 4 đến 5 người một lúc. Quan điểm của anh, xông hơi hằng ngày có thể phòng ngừa dịch bệnh!

Doanh nghiệp đầu đàn miền Tây - Cỏ May giãy giụa trong đại dịch: Dù tăng thị phần thức ăn nhờ cố sản xuất với 3T, nhưng nếu tiếp tục sẽ đứt vì ‘lò xo’ đã bị nén hết cỡ - Ảnh 1.

Một nhà máy sản xuất của Cỏ May.

Nhờ có thể liên tục ra hàng trong khi nhiều đối thủ khác trên thị trường không thể (do họ nghỉ sản xuất hoặc bị virus Corona hạ gục từ sớm), mảng thức ăn của Cỏ May đã tăng thị phần đáng kể ở thị trường miền Tây. "Trong điều kiện khó khăn, ai chịu khó hơn sẽ thắng. Hay nói cách khác, ai cũng khó mà mình vượt khó giỏi hơn thì mình sẽ đỡ khó", CEO của Cỏ May nhận định.

Vào cuối tháng này, Cỏ May sẽ cho các công nhân của mình về nhà để xả hơi khoảng vài ngày rồi sẽ quay trở lại sản xuất. Đầu tháng 7, nhiều CBCNV của Cỏ May vì vướng bận chuyện gia đình, nên họ không chịu vào ở nhà máy tham gia 3T, nhưng nay nhiều người đã đề nghị được tham gia. Ở các nhà máy, anh cũng sẽ tách nhỏ các bộ phận ra, để dễ dàng cô lập khi ai đó dính virus Corona, để không phải đóng cửa toàn bộ nhà máy như trước kia.

Tuy nhiên, anh Phạm Minh Thiện vẫn khá bi quan về tương lai sắp tới. Thật ra doanh nghiệp đã cố gồng gánh để 3T, do cơ hội thì nhỏ nhưng nguy cơ lớn, tất cả chi phí đều tăng cao trong khi thị trường – nhu cầu xuống thấp do dịch bệnh.

"Với những gì đã trải qua, tôi thấy việc chích ngừa dù là một hay 2 mũi không có mấy tác dụng, công nhân vẫn không thể thoát được virus Corona – minh chứng rõ ràng ở nhà máy gạo của Cỏ May. Chỉ khi nào F0 trong cộng đồng không còn nữa – như năm ngoái thì mới an toàn", anh bày tỏ.

Hiện tại, sức chịu đựng của doanh nghiệp đang đến tới hạn cuối cùng, tình cảnh hết sức cam go. Cảm giác sống nay không biết ngày mai sẽ như thế nào, chuyện gì sẽ tới. Doanh nghiệp tất nhiên khi nào cũng sẽ theo chính quyền, nhưng anh lại không dự đoán được chính quyền lại ra chính sách gì.

Nhưng có một điều chắc chắn: thực hiện sản xuất theo 3T trong thời gian ngắn – như 3 tháng vừa qua thì không sao, nhưng nếu tiếp tục kéo dài đến cuối năm thì không doanh nghiệp nào có thể duy trì được. Hiện các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam đang như lò xo bị nén hết cỡ, nếu còn tiếp tục nén nữa sẽ bị gãy – nhất là ngành cá tra.

Doanh nghiệp đầu đàn miền Tây - Cỏ May giãy giụa trong đại dịch: Dù tăng thị phần thức ăn nhờ cố sản xuất với 3T, nhưng nếu tiếp tục sẽ đứt vì ‘lò xo’ đã bị nén hết cỡ - Ảnh 2.

Chế biến cá tra trong nhà máy của Cỏ May. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn

Theo Vietnamnet, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết, chuỗi ngành hàng cá tra đang bị đứt gãy nghiêm trọng. Cụ thể, sản xuất cá giống, sản lượng thả nuôi và cá tra thương phẩm đều giảm mạnh. So với cùng kỳ năm 2020, tháng 7 năm nay, sản lượng thu hoạch cá tra thương phẩm làm nguyên liệu giảm 20%, sang tháng 8 giảm tới 44%. Nửa đầu tháng 9/2021, sản lượng thu hoạch giảm 77% so với cùng kỳ.

Việc này khiến lượng cá tra tồn đọng rất lớn, giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, dao động ở mức 21.000-22.000 đồng/kg.

Tính đến đầu tháng 9 có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng, số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Các nhà máy hoạt động công suất cũng chỉ đạt 30-40%. Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cũng thông tin: tỉnh này còn tồn 20.000 tấn cá tra thương phẩm. Vĩnh Long lại chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 8 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,054 tỷ USD, trong đó, tháng 8 đạt 85 triệu USD, giảm 31% so với tháng 7/2021.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản, tháng 9, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra cũng giảm như tháng 8.

Ông nhận định, chuỗi ngành hàng cá tra đã đuối sức. Doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí sản xuất đội lên cao, vật tư đầu vào, giá ước vận tải đều tăng mạnh. Đặc biệt, DN thiếu nguyên liệu chế biến, thiếu lao động để duy trì sản xuất và tăng công suất.

"Giờ là cuối tháng 9, nếu không phục hồi khẩn cấp sẽ không kịp phục vụ đơn hàng cuối năm", ông nói.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM