Doanh nghiệp cũng như các võ sĩ: Phải lao ra thị trường như phi lên sàn đấu, va chạm mới biết mình đứng ở đâu!

18/10/2017 09:06 AM | Kinh doanh

Các võ sĩ phải đến khi thượng đài thì mới biết điểm mạnh điểm yếu của đối thủ. Doanh nghiệp cũng vậy, phải đến khi ra thị trường mới cảm nhận được đầy đủ sự khốc liệt trong kinh doanh.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Sự tương đồng giữa môn MMA và doanh nghiệp" của chuyên gia tư vấn và đào tạo bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.


Từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, giải đấu MMA đầu tiên có tên là Giải thi đấu tối thượng (UFC – Ultimate Fighting Champion) với hàm ý ban đầu muốn chứng tỏ khả năng của môn Brazilian Jujitsu (BJJ) vượt trội hơn tất cả các phái võ khác. Gia đình Gracies đơn giản là chỉ đưa ra các đấu thủ trong lò võ của mình để thi đấu theo kiểu thể thức nguyên thuỷ nhất với tất cả các môn phái võ còn lại. Đấu trường này không tính cân lạng, không kể môn phái, thậm chí còn chả có luật lệ gì chặt chẽ, ngoại trừ vài điều cấm đánh vào chỗ phạm.

Giải đấu này rất giống khi các doanh nghiệp đầu tiên xuất hiện, mỗi doanh nghiệp là một thực thể có thế mạnh riêng của mình. Và chỉ khi ra tới thị trường họ mới biết điểm mạnh của đối phương. Thế là lúc ấy các võ sĩ cũng như các doanh nghiệp tha hồ bất ngờ vì các đòn thế lạ mắt và quái gở của nhau. Lúc này, môn BJJ chiếm ưu thế, dù cho có sự chênh lệch tới mức không thể tưởng được, như một vị cao hơn 2,1m đấu với một vị chỉ 1,7m hoặc 250kg đọ cùng vị chỉ có 75kg, môn phái này vẫn toàn thắng trong vô số trận đầu của 8 giải đầu tiên với vô địch thủ đài chính là Joyce Gracies.

Càng về sau, khi tương tác với nhau các doanh nghiệp càng chịu khó học hỏi, và các võ sĩ cũng vậy. Ưu thế không còn nghiêng tuyệt đối về môn phái nào nữa, mọi võ sĩ đều phải học hỏi cả đòn vật cũng như đòn đấm đá. Vì họ chỉ cần chưa ổn mảng nào thì sẽ yếu thế ngay lập tức về mảng đó và rất dễ đo ván khi dính đòn. Các doanh nghiệp tương tự vậy, họ không còn tự hào vì mình sản xuất giỏi, hay tài chính mạnh nữa, mà phải sắp xếp để mọi khâu trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình đều phải đạt hiệu suất cao nhất.

Tới giờ thì đúng là mọi võ sĩ không thể xưng mình tới từ môn phái nào nữa, vì nó chỉ còn một môn chung là võ thuật tổng hợp. Họ bắt buộc phải học và luyện đầy đủ các kỹ thuật của cả các môn boxing và jujitsu của các huấn luyện viên chuyên nghiệp, mà kỹ thuật này thì giống các đòn thế của doanh nghiệp trên thị trường, ai cũng biết. Hiệu suất khi họ áp dụng chúng cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào độ sáng tạo và ứng biến. Và những thứ cơ bản luôn được coi trọng. Họ luôn có bên mình một vị lo về dinh dưỡng và thể lực giống như các doanh nghiệp luôn phải chú ý bồi bổ kiến thức, kỹ năng của nhân viên làm nội lực cho chính mình.

Thú vị nhất, có thể thấy cùng với luật chơi ngày càng chặt chẽ trên cả sàn đấu doanh nghiệp và sàn đấu MMA thì một bộ chỉ số đo hiệu suất làm việc của các bên cũng được thiết lập và ngày càng trở nên chuyên nghiệp.

Đầu tiên chỉ là doanh nghiệp có doanh số bao nhiêu, lãi bao nhiêu, sau đó là vòng quay, rồi tốc độ phát triển mở rộng, hay ưu thế nổi trội trong hoạt động. Các võ sĩ MMA thì trước hế được phân hạng theo kiểu số lượng cú đấm cú đá tung ra trong 1 phút giao tranh, rồi tới thời gian họ khống chế đối phương ghìm họ vào thế phòng thủ, rồi thời gian họ chủ động tấn công. Tiếp tới là tỷ lệ % của các cú đánh, các nỗ lực vật được thực hiện thành công. Rồi là tỷ lệ đó, y hệt như trong kinh doanh, được so với tỷ lệ chung của cả ngành hay của hạng cân của võ sĩ hay mô hình doanh nghiệp đó.

Nếu KPI của doanh nghiệp thì dùng để tính toán khi họ lên sàn chứng khoán, nhằm thu hút tiền của công chúng, thì KPI của võ sĩ ngoài dùng để tính khả năng thành công của họ trong từng trận còn dùng để dân cá cược tham gia đặt cửa, và khoản này mới là cái tạo ra nhiều tiền hơn cả cho giải đấu cũng như võ sĩ. Trước đây trận đấu bình thường các võ sĩ chỉ được có 5 tới 10.000 đô la thì nay một trận như vậy họ được tới cả 50.000 chưa kể tiền bản quyền quảng cáo. Còn trận vô địch thì số tiền thưởng bất kể có thắng trận hay không cũng đều lớn hơn thế rất nhiều.

Ngày càng xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp, bất kể từ ngành nào có khả năng phát triển nhanh mạnh, cũng như ngày càng nhiều võ sĩ tài năng đủ mọi hạng cân, đủ mọi quốc tịch tham gia giải đấu UFC. Chiến thắng thuộc về người không bị đóng khung trong những gì mình đã biết, những định kiến hẹp hòi mà luôn học hỏi và áp dụng cái mới.

Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM