Doanh nghiệp bán lẻ châu Âu lo thua cuộc trước Amazon mùa Black Friday
Năm nay vì dịch bệnh, nhiều cửa hàng truyền thống tại Pháp dự đoán doanh thu sẽ thâm hụt trong dịp Black Friday. Chỉ riêng Amazon có thể lạc quan về doanh số bán hàng.
Mới đây, Chính phủ Pháp đã yêu cầu thương mại điện tử tạm hoãn các chương trình giảm giá mùa Black Friday để các cửa hàng truyền thống có cơ hội đuổi kịp.
Nếu ví đây như một cuộc chạy đua giữa thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống, thì Amazon đã bị trọng tài, là chính phủ Pháp, "tuýt còi" yêu cầu chạy chậm lại.
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã yêu cầu thương mại điện tử và các siêu thị lớn phải hoãn ngày giảm giá Black Friday, đáng lẽ sẽ diễn ra từ 27 - 29/11. Vì các cửa hàng bán lẻ truyền thống khác đều đang phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa.
Điều đáng nói, ngày Black Friday vốn không hề tồn tại ở châu Âu. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, để cạnh tranh với Amazon, các thị trường tiêu dùng ở lục địa già đã phải thích nghi và đưa vào ngày giảm giá này như một bước đệm ngay trước mùa mua sắm Noel, nhưng thật khó để thích nghi với một ngày giảm giá khuyến mãi của Internet, khi bạn là một cửa hàng thật sự.
"Đối với các cửa hàng bình thường như chúng tôi, Black Friday giống như triệt đường sống vậy. Mọi người cứ lên mạng thấy trang nào cũng giảm giá mạnh và họ kêu chúng tôi bán đắt. Nhưng cửa hàng bình thường như thế này phải trả đủ các loại thuế và phí thuê mặt bằng. Giá nhập hàng đầu vào cũng không hề rẻ", chị Marjorie Colombani, chủ một cửa hàng đồ chơi, chia sẻ.
Trong mùa mua sắm Black Friday năm nay, chỉ riêng sàn thương mại điện tử Amazon là có thể lạc quan về doanh số bán hàng. (Ảnh minh họa: Bloomberg)
Giám đốc Amazon tại Pháp Frederic Duval nói rằng hãng này sẽ dời ngày giảm giá Black Friday sang thứ Sáu tuần sau (ngày 4/12) cùng với nhiều hệ thống siêu thị và bán lẻ lớn khác của Pháp. Tuy nhiên, với nhiều cửa hàng nhỏ truyền thống tại Pháp, động thái này của Amazon cũng không khiến họ cảm thấy được xoa dịu.
"Amazon và chúng tôi không bao giờ giống nhau. Amazon cái gì cũng bán và họ là một nền tảng dịch vụ. Trong khi đó, một cửa hàng là nơi bạn lui tới, bạn khám phá nhiều điều mới mẻ. Còn với nền tảng online, bạn cần gì thì mua nấy, chả có khám phá gì cả", bà Alexandra Flacsu, chủ một cửa hàng sách, cho hay.