Đồ ăn nhanh thiếu an toàn, giới trẻ vẫn chuộng vì ngon miệng

24/01/2021 21:33 PM | Sống

Dù biết rằng thức ăn nhanh rất nghèo chất dinh dưỡng, không an toàn nhưng 61,5% sinh viên vẫn thường xuyên ăn thức ăn nhanh…

Thức ăn nhanh tiện nhưng không lợi
Thức ăn nhanh tiện nhưng không lợi

Theo kết quả Điều tra nghiên cứu "Thực trạng và các yếu tố liên quan tới tiêu thụ thức ăn nhanh ở người 15-25 tuổi ở một số vùng nông thôn và thành thị Hà Nội" được Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện vào cuối năm 2020 vừa công bố cho thấy: bánh mì Việt Nam, đồ ăn nhanh phương tây và mì gói là những thức ăn nhanh phổ biến nhất trong giới trẻ hiện nay.

Ông Trịnh Hồng Sơn - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, cho biết, theo kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành vào cuối năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi là 19,6% (tức là ở mức dưới 20%, là mức thấp theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới năm 1997).

Tuy vậy, vẫn có sự chênh lệch về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi giữa các vùng miền, nhất là ở các vùng nông thôn miền núi, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 năm vẫn còn ở mức cao.

Ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi), trong khi tỷ lệ SDD thấp còi là 14,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% (trong khi đó,ở khu vực miền núi, tỷ lệ này  là 6,9%).

Như vậy, gánh nặng kép về dinh dưỡng đang tác động lên trẻ em tuổi học đường một cách rất rõ rệt, mà một trong các nguyên nhân quan trọng là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Để có thể góp phần đánh giá thực trạng và các yếu tố liên quan tới việc tiêu thụ thức ăn nhanh ở giới trẻ của Việt Nam, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng làm thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt của nhiều người, từ đó đề xuất ra những giải pháp can thiệp tích cực và phù hợp, cuối năm 2020, Viện Dinh dưỡng đã tiến hành một cuộc điều tra trên nhóm người 15-25 tuổi ở một số vùng nông thôn và thành thị thuộc thành phố Hà Nội, nghiên cứu này do Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tài trợ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng tiêu thụ thường xuyên thức ăn nhanh là rất phổ biến: Tiêu thụ thường xuyên các mặt hàng thức ăn nhanh đã xác định là xu hướng ở gần 90% người tham gia.

“Dù biết rằng thức ăn nhanh rất nghèo chất dinh dưỡng, nhiều năng lượng, chất béo trung tính, cholesterol và các chất gây nghiện thực phẩm; Không an toàn khi tiêu dùng, có hại cho môi trường, 61,5% sinh viên vẫn thường xuyên ăn thức ăn nhanh vì ngon, 56,3% ăn vì giá cả phải chăng, 44,5% ăn vì vị trí thuận tiện và khoảng 40% thường xuyên ăn thức ăn nhanh bởi cửa hàng sạch sẽ và dịch vụ nhanh chóng. Bánh mì Việt Nam, đồ ăn nhanh phương tây và mì gói là những thức ăn nhanh phổ biến nhất trong giới trẻ hiện nay”, chủ nhiệm đề tài cho hay.

BS. Trịnh Hồng Sơn cho biết thêm, việc tiêu thụ thức ăn nhanh có liên quan tới việc gia tăng cân nặng của người tham gia nghiên cứu.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thức ăn nhanh được xác định là nhiều dầu mỡ, nhiều đường, muối, nhiều cholesterol, triglyceride, phụ gia thực phẩm và có hại cho sức khỏe con người nếu tiêu thụ thường xuyên.

Theo đó, thức ăn nhanh chứa nhiều calori và cholesterol nên khả năng gây béo phì cho những ai có xu hướng lạm dụng chúng là rất cao, muốn đốt bớt năng lượng dư thừa thì cần tăng cường hoạt động thể lực và tập thể dục thường xuyên nhưng khi sử dụng đồ ăn nhanh nhiều thì khiến con người trì trệ hơn (không phải đi chợ mua thực phẩm, chế biến, nấu nướng...). Các nghiên cứu y tế cho thấy việc dùng thức ăn nhanh và nước ngọt có ga, soda... thường xuyên sẽ không tốt cho chức năng gan.

Không chỉ cung cấp nhiều chất béo và cholesterol, nhiều loại thức ăn nhanh còn có chỉ số đường huyết cao (chỉ số chuyển hoá carbonhydrat thành glucose đưa vào máu), ví dụ như các loại bánh được làm từ bột mì trắng, khoai tây rán, các loại nước ngọt có ga (là những thành phần có trong khẩu phần của fastfood).

Khi dùng các loại thức ăn nhanh trong thành phần có các loại thực phẩm trên sẽ làm lượng đường tăng trong máu nhanh và sẽ khiến tuyến tuỵ phải tiết nhiều Insulin để giúp chuyển hoá glucose thành năng lượng. Do tuyến tuỵ luôn phải hoạt động quá nhiều sẽ bị suy giảm chức năng và dẫn đến đái tháo đường typ 2. Bệnh này trước đây chỉ gặp ở người lớn nay đã gặp ở trẻ em mà những trẻ em mập có nguy cơ mắc cao hơn.

Đặc biệt, những loại thực phẩm công nghiệp như thịt nguội, xúc xích, thịt xông khói, lạp sườn, gà rán... là những thành phần sử dụng trong thức ăn nhanh đều có chứa hàm lượng muối cao và chất bảo quản. Nếu sử dụng nhiều  sẽ đưa vào cơ thể lượng muối và chất bảo quản cao dẫn đến có hại cho tim, thận làm tăng huyết áp động mạch.

Ngoài ra, một số món ăn nhanh hiện khá phổ biến là "mì, bún, phở ăn liền", thành phần dinh dưỡng của loại thức ăn liền này chủ yếu là chất bột còn chất đạm, chất béo, vitamin đều rất thấp. Những người thường xuyên ăn "mì ăn liền" trong thời gian dài có tới 60% bị mắc các chứng bệnh thiếu dinh dưỡng, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là 54%, thiếu vitamin B2 là 23%, thiếu kẽm là 16% và thiếu vitamin A là 29%.

Các món ăn nhanh thường đơn giản không mang tính đa dạng thực phẩm. Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng) với 15 loại thực phẩm phối hợp khác nhau. Trong thức ăn nhanh thường số lượng các loại thực phẩm ít và phải qua chế biến công nghiệp nên thiếu các thành phần vi lượng và khoáng chất. Do đó thức ăn nhanh  thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng, chưa kể đến việc sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ chứa đựng không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.

N. Huyền

Cùng chuyên mục
XEM