DN bất động sản vẫn hút mạnh 85.500 tỷ đồng trái phiếu trong quý 3/2021
Sự kiện "Evergrande" cũng không làm thị trường trái phiếu BĐS kém sôi động hơn khi chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu BĐS phát hành là 30,4 nghìn tỷ đồng – chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý.
Ghi nhận bởi SSI Research, quý 3/2021, các doanh nghiệp phát hành 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và giãn cách xã hội tác động đến kế hoạch phát hành của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mức nền của quý 3/2020 là tương đối lớn khi đó là quý ghi nhận các doanh nghiệp tăng tốc phát hành trái phiếu riêng lẻ trước khi Nghị định 81 có hiệu lực.
Dù vậy, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ở mức thấp, lượng TPDN phát hành trong quý 3 vẫn ở mức cao so với trung bình các năm trước, và cũng tương đồng với diễn biến phát hành TPDN của các quốc gia trong khu vực (lãi suất phát hành giảm và tổng lượng phát hành sơ cấp tăng).
Lượng TPDN phát hành trong kỳ chủ yếu là phát hành riêng lẻ trong nước, chiếm tới 89% tổng lượng phát hành. Có 2 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,1% tổng lượng phát hành) phát hành ra công chúng của CTCP Masan Meatlife và có 725 triệu USD (tương đương 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng lượng phát hành) là trái phiếu quốc tế của CTCP Vinpearl và CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova.
Bất động sản và ngân hàng tiếp tục duy trì là 2 tổ chức phát hành chiếm tỷ trọng nhiều nhất, lên tới 80% tổng lượng phát hành. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 85 nghìn tỷ đồng (giảm nhẹ -2,7% so với cùng kỳ và chiếm 45% tổng lượng phát hành trong quý).
Điểm đáng chú ý trong là các ngân hàng tích cực phát hành trong quý 3 với tổng giá trị là 65,2 nghìn tỷ đồng, tăng 37,9% so với cùng kỳ nhằm tăng vốn cấp 2 và bổ sung thêm nguồn vốn trung hạn. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng TPDN phát hành quý 3/2021 là 123 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 443,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2020. Quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp bất động sản (201,9 nghìn tỷ đồng – chiếm 45,5%); sau đó đến các ngân hàng (136,4 nghìn tỷ đồng – chiếm 30,8%); năng lượng và khoáng sản (21,9 nghìn tỷ - chiếm 5,0%); định chế tài chính phi ngân hàng (20,9 nghìn tỷ đồng – chiếm 4,7%); phát triển hạ tầng (17,5 nghìn tỷ - chiếm 3,9%); và các doanh nghiệp khác.
Được biết, trái phiếu BĐS luôn là tâm điểm chú ý trong thị trường TPDN sơ cấp với mức lãi suất phát hành luôn duy trì hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư. Trong quý 3, các doanh nghiệp BĐS tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi phát hành 85,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm khoảng 4% so với quý 2 và cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sự kiện "Evergrande" cũng không làm thị trường trái phiếu BĐS kém sôi động hơn khi chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu BĐS phát hành là 30,4 nghìn tỷ đồng – chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý.
Các DN phát hành nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, Novaland, Osaka Garden, Hưng Thịnh Land. Nếu loại trừ trái phiếu phát hành quốc tế của Vinpearl và Novaland, lãi suất bình quân các trái phiếu BĐS trong quý 3/2021 là 10,34%/năm – tăng 2 bps so với quý 2/2021 trong khi kỳ hạn bình quân là 4,1 năm.
Tính chung 9 tháng 2021, các doanh nghiệp BĐS phát hành 201 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn 30bps so với bình quân năm 2020 và kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm. Nhìn chung, kỳ hạn bình quân của trái phiếu BĐS trong 2 năm gần đây là khoảng 3,5 - 4 năm, do vậy áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 – 2025.
Điểm đáng chú ý là tỷ lệ các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp BĐS niêm yết chỉ khoảng 58 nghìn tỷ đồng, tức chiếm khoảng 27% tổng TPDN BĐS phát hành, trong khi tỷ lệ đó là 70% cho các ngành còn lại. Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường TPDN chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.
SSI Reseach đã thống kê một số chỉ tiêu về thanh khoản của những doanh nghiệp BĐS lớn trên sàn chứng khoán như bảng dưới đây mặc dù chưa đủ để đánh giá được toàn diện rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp BĐS tham gia thị trường TPDN. Nhìn chung, áp lực trả lãi và gốc TPDN từ các doanh nghiệp này là không lớn khi dư nợ TPDN chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ thanh toán hiện thời của các doanh nghiệp này cao, cho thấy các DN có đủ tài sản để thanh toán khoản nợ ngắn hạn sắp đáo hạn.