Định vị sản phẩm yếu, lời lỗ không biết, Startup bán sữa đậu nành hữu cơ vẫn gọi được vốn 15 tỷ đồng, kèm nguy cơ mất trắng công ty cho Shark Thuỷ

30/12/2017 15:47 PM | Kinh doanh

"Anh muốn cứu vớt dự án này. Anh thích lao vào khi người khác bỏ đi", vị Shark Thuỷ người duy nhất gật đầu với Soya Garden nói. Tuy nhiên, khoản đầu tư 15 tỷ đồng này đi kèm điều kiện: Sau 2 năm, không làm ra mức lãi cực lớn như KPIs đặt ra, 100% cổ phần công ty sẽ thuộc sở hữu của cá mập đầu tư.

Founder ngây thơ, thật thà nhất quả đất, thừa nhận có lãi nhưng không nhớ là bao nhiêu!

Mang đến Shark Tank tập 8 mô hình kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam, cặp chị em Anh Tuấn – Thu Thủy – các Cofounder của Soya Garden có tham vọng xây dựng một chuỗi cửa hàng có thể thay thế các sản phẩm từ sữa bò và sữa động vật bằng sữa đậu nành.

Với doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng chỉ sau 1,5 năm ra mắt, Startup này đề nghị gọi số vốn 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần công ty.

Số tiền gọi vốn sẽ nhằm mục tiêu nhanh chóng "Nam tiến" với loạt 5 cửa hàng đầu tiên tại thị trường 13 triệu dân của TPHCM.

"Lợi nhuận công ty của em là bao nhiêu?", Shark Thái Vân Linh - Giám đốc vận hành & chiến lược VinaCapital chất vấn.

"Hơn 0 một tí", anh Tuấn trả lời.

"Chính xác là bao nhiêu?", các Shark chất vấn.

Ậm ờ một lúc với lời khẳng định vẫn nhớ các con số tài chính, nhưng khi Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse – hỏi về lợi nhuận của tháng gần nhất, Tuấn trả lời: "Tháng gần nhất…thì là… thì là… Em không nhớ thật".

Điều gây bất ngờ hơn là Startup có vốn điều lệ trên giấy phép kinh doanh (GPKD) chỉ 30 triệu đồng, trong khi vốn thực sự mà các nhà sáng lập bỏ ra đã là 3 tỷ đồng, Cofounder thật thà thừa nhận rằng: "Khi làm GPKD thì công ty luật bảo ghi bao nhiêu cũng được".

Lắc đầu trước sự non trẻ về quản trị của startup này, Shark Phú, Shark Linh và Shark Hưng quyết định không đầu tư.

Với lý do gần như tương tự, Shark Trần Anh Vương - TGĐ Sam Holding - cũng không đầu tư và khuyên Startup nên hệ thống hóa lại hệ thống kế toán và định giá lại công ty.

4/5 Shark lắc đầu, Soya Garden vẫn được cứu vớt bởi tư duy "Anh thích lao vào khi người khác bỏ đi"

Định vị sản phẩm yếu, lời lỗ không biết, Startup bán sữa đậu nành hữu cơ vẫn gọi được vốn 15 tỷ đồng, kèm nguy cơ mất trắng công ty cho Shark Thuỷ - Ảnh 1.

Cặp chị em Anh Tuấn – Thu Thủy trả lời chất vấn của các cá mập.

Trước nguy cơ phải ra về tay trắng, nhưng Soya Garden bất ngờ khi được Shark Nguyễn Ngọc Thủy – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Egroup - đưa vào tầm ngắm vì "rất thích nhiệt huyết và sự ngây thơ của người khởi nghiệp".

"Anh muốn cứu vớt dự án này. Anh thích lao vào khi người khác bỏ đi", Shark Thủy nói.

Tất nhiên, cái giá mà shark Thủy đưa ra cũng không hề dễ chịu chút nào. Do chương trình quy định không được đưa ra mức đầu tư thấp hơn số vốn các Startup đề nghị, Shark Thủy đồng ý rót 15 tỷ đồng kèm yêu cầu được nắm toàn quyền kiểm soát tài chính của DN.

Và 15 tỷ đó, 4 tỷ đồng được đầu tư để đổi lại 45% cổ phần, 11 tỷ đồng còn lại là trái phiếu doanh nghiệp cùng với điều kiện về một lộ trình hoàn vốn là 3 năm. Bù lại, Soya Garden sẽ được tiếp cận tập khách hàng hiện có tại chuỗi hệ thống giáo dục Apax English, các trung tâm làm đẹp tận dụng kinh nghiệm ông chủ Egroup.

"Tức anh Thủy sẽ sở hữu gần như 100% công ty của em nếu công ty ấy không làm ra lãi cực lớn. Đó là vấn đề", Shark Phú giải thích rõ hơn cho các Cofounder của Soya Garden.

Trước sự ngần ngừ của hai bạn trẻ, Shark Thủy nói thêm: "Anh muốn em thành công để anh còn lấy lại tiền của anh, anh không muốn lấy công ty của em khi nó bằng 0, vì vậy anh sẽ khởi nghiệp cùng với em, chúng ta phải thành công".

Sau khi bàn luận nội bộ, Soya Garden đã gật đầu với đề nghị đầu tư Shark Thủy đưa ra.

Lý giải nguyên nhân đầu tư vào Soya Garden trong khi các "cá mập" còn lại đều đánh giá quá mạo hiểm, Chủ tịch HĐQT kiêm Người sáng lập Tập đoàn Giáo dục EGroup cho biết lý do nhận lời tham gia Shark Tank vì muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư khả thi, cùng đó là góp phần tiếp lửa tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ.

"Tại Shark Tank, tôi sẽ hướng đầu tư đến các dự án về công nghệ thông tin giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cốt lõi chính là giáo dục nhưng giáo dục có ứng dụng công nghệ. 50% điểm sẽ dành cho các dự án có ý tưởng tốt có người tiêu dùng, con số tài chính mạch lạc, có thể tăng trưởng được, startup có tố chất thành công, cách quản lý dùng người, đội ngũ nhân viên".

"50% còn lại quyết định sẽ nằm ở trực cảm như: Tôi có đồng cảm với Startup không? Các bạn có đủ quyết liệt và mạnh mẽ trong khát vọng không? Tôi sẽ đầu tư khi tôi hiểu các bạn và biết là sẽ giúp được các bạn điều gì đó. Điển hình như dự án Soya Garden, dù không nắm cụ thể tình hình lỗ lãi nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư vì họ không chỉ bán đậu nành mà còn bán không gian, trải nghiệm cho người thưởng thức nó với mong muốn tốt đẹp là biến đậu nành thành sản phẩm phổ biến như trà sữa, cà phê" – Shark Thủy nói.

Tổng quan về thương vụ gọi vốn của Soya Garden

- Mô tả: Mô hình kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam

- Lĩnh vực: Thực phẩm

- Đã hoạt động được 1,5 năm. Doanh thu 300 triệu đồng/tháng

- Gọi đầu tư: 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần

Kết quả: gọi vốn thành công từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy với 15 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng đổi lại 45% cổ phần, 11 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp với lộ trình hoàn vốn 3 năm

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM