Định 'phá bĩnh' lĩnh vực tài chính nhưng bất thành, Apple tiếp tục gặp thất bại
Việc dấn thân vào một lĩnh vực mới là điều khó khăn, ngay cả đối với gã khổng lồ công nghệ nghìn tỷ USD như Apple.
Có vẻ như tham vọng “phá bĩnh” trong lĩnh vực tài chính không dễ dàng như Apple nghĩ.
Hôm thứ hai tuần này, nhà sản xuất iPhone nói với 9to5Mac rằng họ sẽ ngừng dịch vụ mua trước, trả tiền sau Apple Pay Later. Đáng nói, động thái này diễn ra chỉ vài tháng sau khi dịch vụ này được tung ra khắp nước Mỹ vào tháng 10.
Công ty cho biết: “Bắt đầu từ cuối năm nay, người dùng trên toàn cầu sẽ có thể tiếp cận các khoản vay trả góp được cung cấp thông qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cũng như người cho vay khi thanh toán bằng Apple Pay. Với việc giới thiệu dịch vụ cho vay trả góp toàn cầu mới này, chúng tôi sẽ không còn cung cấp Apple Pay Later ở Mỹ nữa".
Năm ngoái, có thông tin cho rằng Apple muốn chấm dứt quan hệ đối tác với Goldman Sachs. 2 công ty đã hợp tác để cung cấp thẻ tín dụng mang thương hiệu Apple vào năm 2019, sau đó là tài khoản tiết kiệm lãi suất cao vào năm 2023.
Nhưng tổn thất ngày càng tăng có thể đã khiến Goldman Sachs phải suy nghĩ lại về mối quan hệ hợp tác với gã khổng lồ công nghệ. Vào tháng 1/2023, phía ngân hàng tiết lộ rằng họ đã lỗ 3 tỷ USD từ hoạt động ngân hàng tiêu dùng kể từ năm 2020.
WSJ trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này, đã đưa tin vào tháng 11 rằng Apple đang tìm cách rút khỏi quan hệ đối tác với Goldman Sachs trong 12 đến 15 tháng tới.
Không rõ liệu Apple có thay thế Goldman Sachs bằng một đối tác dịch vụ tài chính khác hay không, mặc dù khả năng điều đó xảy ra có vẻ rất nhỏ.
Đại diện của Apple đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Business Insider.
KHÔNG DỄ XƠI
Những khó khăn của Apple trong lĩnh vực dịch vụ tài chính nhấn mạnh những thách thức to lớn mà hãng này có thể gặp phải khi cố gắng dấn thân vào một ngành công nghiệp vốn rất lâu đời.
Nhà táo trước đây đã có thành tích đáng kinh ngạc về sự đột phá - cho dù đó là trong ngành công nghiệp âm nhạc với iPod và iTunes hay khi họ phát minh lại điện thoại bằng iPhone.
Nhưng những nỗ lực đổi mới gần đây của Apple vẫn chưa đạt được mục tiêu tương tự.
Đầu tiên, nỗ lực của công ty đối với kính thực tế hỗn hợp Apple Vision Pro, đã gặp phải doanh số bán hàng thấp và đánh giá ở mức trung bình.
Và nếu điều đó vẫn chưa đủ, trong cùng tháng đó, Apple cho biết họ sẽ dừng dự án ô tô điện sau gần một thập kỷ.
Trên thực tế, Apple từng mơ ước phát minh lại chiếc tivi, đồng sáng lập công ty Steve Jobs nói rằng ông đã tìm ra cách thực hiện điều đó.
“Tôi muốn tạo ra một chiếc tivi tích hợp hoàn toàn dễ sử dụng”, Jobs nói với người viết tiểu sử Walter Isaacson. "Nó sẽ có giao diện người dùng đơn giản nhất mà bạn có thể tưởng tượng. Cuối cùng tôi đã bẻ khóa được nó".
Nhưng đã hơn một thập kỷ kể từ khi Jobs qua đời, Apple dường như vẫn chưa thể hiện thực hóa được tầm nhìn của ông, ngoài set-top box Apple TV và dịch vụ phát trực tuyến còn non trẻ Apple TV+.
Có một điều chắc chắn là, việc dấn thân vào một lĩnh vực mới là điều khó khăn, ngay cả đối với gã khổng lồ công nghệ nghìn tỷ USD như Apple. Nhưng công ty có thể tăng cơ hội thành công bằng cách bám sát những gì họ biết rõ nhất - tạo ra công nghệ tuyệt vời hướng tới người tiêu dùng.
Trong khi một số người có thể coi Apple là kẻ tụt hậu trong lĩnh vực AI, thì công ty này đã thu hút được thị trường bằng tầm nhìn về các công cụ AI thực tế và lấy người dùng làm trung tâm.
Hiện tại, nhiều điều vẫn có thể xảy ra, nhưng việc cung cấp dịch vụ AI liền mạch và được cá nhân hóa cao là điều Apple đang hướng tới.
Và đối với một công ty có phương châm là Think Different (Nghĩ khác biệt), việc dựa vào đặc tính của mình thay vì dựa vào lợi thế “chiếc ví dày” có thể là chìa khóa để đánh bại đối thủ.
Theo: BI