Điều gì khiến giá vàng giảm tuần đầu tiên trong 10 tuần?

15/08/2020 13:30 PM | Xã hội

Vàng trong nước và thế giới cùng mất hơn 4% trong tuần này, mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3.

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên cuối tuần do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng hút dòng tiền của nhà đầu  với trái phiếu kho bạc, sau khi thấy giá vàng giảm mạnh từ mức cao kỷ lục hồi đầu đầu. Kim loại quý này ghi nhận tuần giảm lần đầu tiên trong vòng 10 tuần.

Chốt phiên hôm qua 14/8, vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,5% xuống 1.943,18 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York giảm 1% xuống 1.949,8 USD/ounce. Tính chung trong tuần này, giá vàng giảm 4,5% sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.072,5 USD/ounce trong ngày 7/8/2020 và tăng trong 9 tuần liên tiếp trước đó. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.

Giá vàng chịu áp lực giảm do số liệu kinh tế yếu kém bao gồm sự thất vọng về doanh số bán lẻ của Mỹ. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 7 tuần và kỳ vọng về gói cứu trợ virus corona mới của Mỹ suy giảm.

Trong nước, giá vàng cũng giảm hơn 4% trong tuần qua. Sáng này 15/8, giá vàng miếng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 54,7 – 56,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm so với mức 58-59,5 triệu đồng/lượng hôm đầu tuần 10/8; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 54,43 - 56,43 triệu đồng/lượng, so với 59,96 - 59,94 triệu đồng/lượng hôm 10/8.

Theo giới quan sát quốc tế, sự "sụp đổ" mạnh mẽ của giá vàng do một số yếu tố. Thứ nhất là các nhà đầu tư đang tranh thủ chốt lời; hai là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD đều tăng trở lại khiến cho vàng trở nên kém hấp dẫn đối với những người mua bằng các tiền tệ khác.

Ba là, các nhà kinh doanh vàng trở nên "cảnh giác" hơn với diễn biến về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ khi các cuộc đàm phán giữa Chính quyền của ông Trump và đảng Dân chủ vẫn dậm chân tại chỗ. Kỳ vọng về gói kích thích này đã tạo động lực lạc quan cho các nhà đầu tư trong suốt thời gian qua, nhất là sau khi báo chí đưa tin Quốc hội Mỹ có ý định nối lại các cuộc đàm phán về gói kích thích này để vực nền kinh tế Mỹ dậy trong bối cảnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Bốn là, sự lạc quan ngày càng tăng trên các thị trường do triển vọng đạt được một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả đối chống lại virus SARS-CoV-2, đặc biệt là sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga đã sản thành công vắcxin Sputnik V, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức công bố sở hữu vắc-xin chống lại Covid-19.

Năm là, thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông đang xem xét giảm thuế thu nhập cho cả những người có thu nhập trung bình và thấp, đồng thời miễn giảm thuế thặng dư tăng vốn để tạo ra nhiều việc làm hơn. Điều này làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư đối với những tài sản an toàn như vàng.

Và sáu là, những dữ liệu kinh tế mà hàng loạt quốc gia công bố, từ Trung Quốc tới Nhật Bản và các nước khác, đem lại hy vọng rằng kinh tế thế giới đang tiếp tục hồi phục, làm giảm nhu cầu phòng ngừa rủi ro.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Standard Chartered cho biết: "Xu hướng tăng giá vàng trong dài hạn sẽ còn tiếp diễn do đồng USD suy yếu và quy mô kích thích kinh tế trên thế giới, cùng với lãi suất được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại, thậm chí có thể tiếp tục hạ thêm nữa".

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 28%.

Vân Chi

Cùng chuyên mục
XEM