Điện Gia Lai dự kiến rời sàn upcom để lên sàn HOSE vào ngày 19/9, giá chào sàn khoảng 27.566 đồng
Giá chào sàn HOSE của cổ phiếu Điện Gia Lai được xác định là giá trung bình 20 phiên giao dịch cuối cùng trên sàn Upcom, bên cạnh phương pháp tham khảo P/E với giá gần 32.000 đồng. Tính theo giá giao dịch bình quân đến hết ngày 6/9/2019, mức giá dự kiến chào sàn HOSE của GEG vào khoảng 27.566 đồng.
Vốn điều lệ của GEC đã tăng gần 10 so với lúc IPO lần đầu vào năm 2010
Ngày 28/8/2019 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã ra quyết định chấp thuận niêm yết hơn 203,8 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC, Mã CK: GEG). Trước đó, ngày 30/8/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng chấp thuận hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu GEG trên sàn Upcom. Theo đó, dự kiến ngày 10/9/2019 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng trên sàn Upcom và ngày 11/9/2019 là ngày chính thức hủy niêm yết.
Sau khi hoàn tất các thủ tục cuối cùng tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), GEG dự kiến chính thức giao dịch trên sàn HOSE ngày 19/9/2019 với giá chào sàn được xác định là giá trung bình 20 phiên giao dịch cuối cùng trên sàn Upcom, bên cạnh phương pháp tham khảo P/E với giá gần 32.000 đồng. Nếu tính theo giá giao dịch bình quân đến hết ngày 6/9/2019, mức giá dự kiến chào sàn HOSE của GEG vào khoảng 27.566 đồng.
Điện Gia Lai từng tiến hành IPO lần đầu vào tháng 7/2010 với vốn điều lệ khiêm tốn chỉ khoảng 262 tỷ đồng cùng danh mục chỉ có 11 nhà máy thủy điện, với tổng công suất 61,6 MW. Năm 2016 được xem là bước ngoặt quan trọng khi Tổ chức tài chính quốc tế IFC (trực thuộc Ngân hàng Thế giới) và Quỹ Năng Lượng sạch Armstrong – Singapore, chính thức trở thành cổ đông chiến lược của GEC với tỷ lệ nắm giữ tương ứng 15,95% và 20,05%.
Sự có mặt của 2 cổ đông chiến lược này không chỉ giúp GEC có thêm nguồn vốn dồi dào để phát triển doanh nghiệp, mà còn giúp họ rất nhiều trong việc phát triển đa dạng các loại hình năng lượng tái tạo. Ngoài thủy điện, GEC hiện đã phát triển thêm điện mặt trời và sắp tới là điện gió và điện sinh học.
Nhờ đó, ngày 21/3/2017, GEG chính thức giao dịch trên sàn Upcom với giá chào sàn trước điều chỉnh là 20.000 đồng. Sau 8 lần thực hiện tăng vốn điều lệ trong 9 năm, hiện tại vốn điều lệ của công ty đã đạt 2.038 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với lúc IPO lần đầu.
Điện Gia Lai đang tích cực tìm kiếm thêm doanh thu ngoài các nhà máy điện
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, Việt Nam đã khai thác trên 90% tiềm năng kinh tế kỹ thuật thủy điện và cơ cấu này có xu hướng giảm dần. Theo EVN, các dự án thủy điện lớn có công suất trên 100 MW hầu như đã được khai thác hết; các dự án có vị trí thuận lợi, chi phí đầu tư thấp cũng đã được triển khai thi công.
Trước hiện trạng đó, GEC đang có kế hoạch M&A 2 dự án thủy điện rất tiềm năng với tổng công suất 52,5 MW tại Huế, để có thể mở rộng danh mục thủy điện lên gần 140 MW với 16 nhà máy. Cách đây không lâu, GEC đã lên kế hoạch bán bớt 5 nhà máy thủy điện công suất nhỏ, nhưng vì không có đối tác nào quan tâm, nên kế hoạch của họ đã phải dừng lại.
Về mảng điện mặt trời, ngoài 3 dự án đã hòa lưới trong năm nay, GEC dự kiến sẽ tăng công suất điện mặt trời thêm 100 MWp, nâng quy mô công suất điện mặt trời lên gần 400 MWp. GEC hiện đang có 5 nhà máy điện mặt trời trải dài từ Huế trở vào Nam. Đặc biệt, GEC đang tìm cách tối ưu hoạt động bằng việc phối hợp phát triển điện mặt trời mái nhà với Công ty Cổ phần Năng lượng Thành Thành Công (TTCE), qua các giải pháp về kết nối, cung cấp thiết bị và phát triển kênh phân phối.
Về mảng điện gió, Điện Gia Lai kết hợp việc phát triển dự án từ các bước khởi đầu cũng như tìm kiếm M&A dự án nhằm tiết kiệm thời gian và đa dạng danh mục.
Ngoài doanh thu từ mảng kinh doanh điện, GEG cũng đang từng bước ghi nhận nguồn thu từ việc cung cấp các dịch vụ như quản lý vận hành, kỹ thuật, thí nghiệm, O&M, tư vấn và cung cấp Chứng chỉ năng lượng sạch I-REC cho các đối tác quốc tế. GEC đang tiếp xúc và ký kết cùng 100.000 REC - chứng chỉ năng lượng tái tạo từ các dự án thủy điện và điện mặt trời với các đơn vị quốc tế, mang lại giá trị gia tăng cho việc đầu tư các dự án.
Giao dịch của GEG trên Upcom hiện nay rất sôi động với khối lượng giao dịch trung bình 8 tháng năm 2019 đạt hơn 600.000 cổ phiếu/phiên so với mức chỉ gần 10.000 cổ phiếu/phiên giai đoạn năm 2017. So với mức giá sau điều chỉnh ngày đầu tiên trên Upcom, giá cổ phiếu GEG hiện tại đã tăng gấp 3 lần, vượt trội so với đà tăng của VN-Index chỉ với 37%.
Tương quan diễn biến giao dịch giữa GEC và VN-Index
Tính đến ngày 6/9/2019, GEG đang giao dịch quanh vùng giá 27.000 và đã tăng 85% tính từ đầu năm 2019, với giá trị vốn hóa là 240 triệu USD. Theo thống kê ngày 15/8/2019 của Công ty chứng khoán SSI, GEG đứng thứ 2 trong top Upcom có giá trị giao dịch tăng bất ngờ so với trung bình 5 phiên, đồng thời cũng nằm trong top 3 mã cổ phiếu Upcom được các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng, phần nào cho thấy tiềm lực và uy tín của GEG trước khi chính thức gia nhập HOSE.