Điện ảnh Việt "khát" kịch bản hay

18/06/2017 21:27 PM | Kinh doanh

Đạo diễn Lê Thanh Sơn - người vừa tạo dấu ấn với phim Em chưa 18 đạt doanh thu kỷ lục 169 tỷ đồng - khẳng định, một bộ phim hay trước tiên phải có kịch bản xuất sắc và nhà biên kịch giỏi.

Có thể thấy, điện ảnh Việt Nam gần đây có những bước phát triển tích cực về số lượng, chất lượng phim và thị trường phát hành. Theo thống kê của nhà phát hành CGV, năm 2015, số lượng phim Việt ra rạp tăng gấp 5 lần số lượng năm 2011, doanh thu cũng cao hơn rất nhiều. Nhưng năm 2016, trong khi số lượng phim tiếp tục tăng thì doanh thu lại giảm 30% so với 2015, và tính trung bình một phim ra rạp doanh thu giảm 25% so với cùng kỳ năm 2015.

Điều đáng nói là cùng với doanh thu giảm, đã có khá nhiều phim Việt bị chê là kịch bản dở, diễn xuất chưa tới, do đó ra mắt thì rầm rộ nhưng lại nhanh chóng "cất kho".

"Có bột mới gột nên hồ", khi số lượng phim tăng lên, nhu cầu kịch bản, nhất là kịch bản có chất lượng, càng trở nên cấp thiết. Được biết, chi phí cho một kịch bản tốt được nhà sản xuất chọn để làm phim điện ảnh là khoảng 300 triệu đồng. Để viết được một kịch bản điện ảnh chỉn chu, hay và hấp dẫn, đủ sức thuyết phục nhà đầu tư chi tiền mua và sản xuất, một biên kịch (có khi cả một nhóm) cần đến 6 hoặc 12 tháng để tìm hiểu, tham khảo, nghiên cứu và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo một nhà sản xuất, hiện tại ở Việt Nam, số biên kịch có khả năng đạt được như yêu cầu đếm chưa được quá một bàn tay.

Nên nhớ, điện ảnh cũng là một ngành kinh doanh. Kể từ khi xã hội hóa điện ảnh, trong hơn 10 năm qua, các nhà sản xuất tư nhân đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phim Việt phát triển được như ngày nay. Và họ chắc chắn phải tính toán kỹ lưỡng khi bỏ tiền túi ra làm phim.

Tất nhiên, khi "nguyên liệu" làm phim, trong đó có kịch bản, bị thiếu hoặc thị trường không cung cấp đủ kịch bản hay thì họ sẽ phải tìm nguồn cung cấp thích hợp và kịch bản ngoại đáp ứng được điều đó. Bởi vậy, không khó hiểu khi gần đây rộ lên xu hướng làm phim "remake" (làm lại) với kịch bản mua từ nước ngoài. Có thể kể một loạt phim như Yêu đi đừng sợ, Ngựa hoang, Ông ngoại tuổi băm, Ngày mai Mai cưới, Cô nàng ngổ ngáo, Cú té trời tính, Sắc đẹp ngàn cân...

Nhưng việc làm lại một bộ phim cũ, không riêng gì ở Việt Nam mà cả trên thế giới, vẫn luôn là một "canh bạc" mà các nhà sản xuất phải chấp nhận thử thách.

Bên cạnh mua kịch bản ngoại, các nhà sản xuất hiện nay còn chuyển thể kịch bản từ các tác phẩm sân khấu, như Dạ cổ hoài lang, Xóm trọ 3D, Gái xinh nổi loạn, Hợp đồng mãnh thú và sắp tới có Lôi vũ..., hay từ tác phẩm văn học như Đảo của dân ngụ cư, Cô gái đến từ hôm qua...

Với phim làm lại, sự so sánh và kỳ vọng vượt qua "cái bóng" của tác phẩm sân khấu hay văn học là không tránh khỏi. Ví như Dạ cổ hoài lang từng bị chê là có kịch bản lỗi vì vẫn có nhiều yếu tố kịch, chưa phù hợp với không gian của điện ảnh nên làm giảm chất lượng phim.

Và thực tế từ nhiều năm qua cũng đã cho thấy, chuyển thể kịch bản từ tác phẩm sân khấu hay văn học chỉ là giải pháp tạm thời, trong điều kiện Việt Nam chưa có đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp, đủ tiêu chuẩn để tạo ra nhiều kịch bản hay.

Thành công của Em chưa 18 mới đây đang được xem là "cú hích" không chỉ về doanh thu mà còn cả về kịch bản cho phim Việt. Nhà sản xuất tiết lộ, kịch bản của Em chưa 18, được Lê Thanh Sơn, Charlie Nguyễn và Trần Khánh Hoàng chấp bút, đang được các nhà làm phim Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc thương thảo mua lại để sản xuất phiên bản mới.

Còn đơn vị phát hành của Em chưa 18 là Công ty CJ CGV Việt Nam vừa khởi động cuộc thi Nhà biên kịch tài năng lần thứ nhất, từ 6/6 - 14/9/2017 nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng các tài năng biên kịch, dành cho công dân Việt Nam có độ tuổi từ 18 - 35, đam mê, hiểu biết về biên kịch và mong muốn được phát triển trong lĩnh vực điện ảnh. Đặc biệt, trong khuôn khổ cuộc thi này, nếu kịch bản nào được các nhà sản xuất lựa chọn để làm phim, CGV sẽ hỗ trợ một phần chi phí sản xuất và là nhà phát hành của phim đó.

Ông Đỗ Duy Anh - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho biết, nếu có kịch bản tốt trong cuộc thi này, Nhà nước sẽ xem xét đặt hàng làm phim. Kể từ sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đã 2 năm nay, Nhà nước tạm dừng việc đặt hàng làm phim vì chưa tìm được kịch bản hay, đủ tiêu chuẩn.

"Để làm nên một bộ phim hay cần rất nhiều yếu tố, trong đó kịch bản hay chính là yếu tố sống còn. Tôi nghĩ, tìm kiếm các nhà biên kịch và phát triển tài năng của họ là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam", đạo diễn Charlie Nguyễn của phim Em chưa 18 chia sẻ.

Theo NHƯ THỦY

Cùng chuyên mục
XEM