Điểm mặt doanh nghiệp tỷ đô: 59 cái tên chiếm 73% vốn hóa toàn thị trường, nhóm ngân hàng áp đảo so với phần còn lại
Xét về sự phân bổ nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng có một năm thăng hoa và chiếm ưu thế trong danh sách tỷ đô vốn hóa khi có tới 17 ngân hàng góp mặt với tổng vốn hóa lên tới 1,96 triệu tỷ đồng, tương ứng 86,4 tỷ USD, chiếm gần 26% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2021 chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của thị trường chứng khoán Việt Nam, kéo theo số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô gia tăng mạnh mẽ.
Tính theo số liệu chốt ngày 28/1/2022, trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCom có tổng cộng 59 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (trên 22.650 tỷ đồng), tăng 22 doanh nghiệp so với năm trước và đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Tổng vốn hóa của 59 doanh nghiệp "tỷ đô" hiện lên tới 5,52 triệu tỷ đồng, tương ứng 244 tỷ USD, cao hơn năm trước khoảng 80 tỷ USD. So với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam là 7,57 triệu tỷ đồng (334,4 tỷ USD) thì quy mô vốn hóa 59 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm tới 73%.
Xét về sự phân bổ của các sàn, HoSE có tới 44 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô, sàn UPCom có 13 doanh nghiệp, trong khi HNX chỉ có vỏn vẹn 2 cái tên góp mặt là Thai Holdings (60.300 tỷ đồng ~ 2,7 tỷ USD) và KS Finance (33.900 tỷ đồng ~ 1,5 tỷ USD).
Màu xanh: HoSE; Màu tím: HNX; Màu cam: UPCom
Vietcombank hiện là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 421.000 tỷ đồng, tương ứng 18,6 tỷ USD, bằng xấp xỉ vốn hóa 2 ngân hàng BIDV (242.556 tỷ đồng ~ 10,7 tỷ USD) và Vietinbank (177.332 tỷ đồng ~ 7,8 tỷ USD) cộng lại.
Trong khi đó, "bộ đôi" VinGroup xếp ngay sau với vốn hóa VinGroup đạt 369.106 tỷ đồng (16,3 tỷ USD) và VinHomes với 349.656 tỷ đồng (15,4 tỷ USD), bỏ khá xa cái tên lớn thứ 4 về vốn hóa là BIDV (10,7 tỷ USD).
Trong danh sách tỷ đô vốn hóa, PNJ là cái tên có vốn hóa nhỏ nhất với 22.972 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD. PNJ từng có nhiều năm gần đạt cột mốc tỷ đô vốn hóa, nhưng phải đến năm 2021 mới chính thức lọt vào danh sách tỷ đô khi cổ phiếu lập đỉnh mới, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Xét về sự phân bổ nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng có một năm thăng hoa và chiếm ưu thế trong danh sách tỷ đô vốn hóa khi có tới 17 ngân hàng góp mặt với tổng vốn hóa lên tới 1,96 triệu tỷ đồng, tương ứng 86,4 tỷ USD, chiếm gần 26% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là nhóm ngành "đầu tàu", dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm này.
Trong khi đó, "nhóm VinGroup" có 4 đại diện góp mặt, bao gồm Vingroup, VinHomes, Vincom Retail và Vefac chiếm tổng 36,6 tỷ USD vốn hóa, chiếm gần 11% vốn hóa thị trường và là nhóm lớn thứ 2. Những năm gần đây, vị thế của nhóm VinGroup trên thị trường đã giảm đi đáng kể khi ngày càng nhiều ngân hàng lên sàn.
Ngành chứng khoán trong năm qua cũng có 2 gương mặt lọt vào danh sách tỷ đô, bao gồm SSI với vốn hóa 42.633 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) và VNDirect với vốn hóa hơn 30.000 tỷ đồng (1,3 tỷ USD), đây cũng là năm đầu tiên danh sách tỷ đô chứng khoán Việt Nam có đại diện đến từ Công ty chứng khoán. Sự thăng hoa của thị trường thời gian qua đã giúp nhiều Công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh, quy mô vốn, vốn hóa hiện không thua kém các ngân hàng tầm trung.
Ngành Bất động sản năm qua cũng tương đối sôi động, bên cạnh một vài gương mặt "tỷ đô" quen thuộc như VinHomes (15,4 tỷ USD), Novaland (6,7 tỷ USD), Phát Đạt (1,9 tỷ USD) thì đã xuất hiện thêm nhiều cái tên mới như Dic Corp – DIG (1,9 tỷ USD), SunShine Homes (1,8 tỷ USD), Khang Điền (1,4 tỷ USD).
Trong khi đó, Ngành BĐS Khu công nghiệp cũng có những cái tên đáng chú ý như Becamex (3,6 tỷ USD), Kinh Bắc (1,3 tỷ USD) hay Sonadezi (1 tỷ USD).
Nhóm ngành viễn thông – công nghệ nhìn không có nhiều thay đổi, vẫn là 3 cái tên quen thuộc góp mặt, bao gồm Viettel Global (4 tỷ USD vốn hóa), FPT (3,6 tỷ USD) và FPT Telecom (1 tỷ USD).