Điểm danh những "big boy" trong cuộc chơi tư nhân hóa ngành du hành vũ trụ
Ngân sách của NASA đã co lại đáng kể từ cuối những năm 1960, công ty nào sẽ lấp vào khoảng trống do cơ quan này bỏ ngỏ?
NASA đồng nghĩa với du hành vũ trụ.
Điều này là dễ hiểu vì cơ quan hàng không này không chỉ thực hiện cuộc đổ bộ đầu tiên của con người lên Mặt Trăng vào năm 1969 mà còn phóng thành công kính thiên văn Hubble, đi đầu về tàu con thoi có thể tái sử dụng, phóng tàu tăm dò vũ trụ đến sao Thiên Vương cũng như sao Hải Vương, và gần đây nhất là cung cấp cho chúng ta những kiến thức chưa từng được biết đến về sao Diêm Vương nhờ tàu thăm dò New Horizons.
Theo kế hoạch, NASA vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh đưa con người lên sao Hỏa, nhưng Ủy ban thẩm vấn an toàn hàng không cho rằng đây là một mục tiêu dài hạn vì thiếu sự đổi mới công nghệ và cả nguồn tài trợ.
Việc thiếu nguồn tài trợ không phải là một vấn đề có thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Trên giấy tờ, có thể thấy ngân sách của NASA đang tăng lên hàng năm, nhưng nếu tính đến lạm phát và so sánh tỉ lệ nguồn ngân sách này với GDP của Mỹ, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn đáng kể.
Nó đã bị co rút lại theo đúng nghĩa đen kể từ sứ mệnh Apollo, khi đánh bại người Nga là một động lực đủ lớn để Quốc hội tài trợ NASA đến một mức khó có thể chứng kiến lần thứ hai.
Khi NASA cho rút về đội tàu con thoi vũ trụ 5 năm trước, cánh cửa chính thức mở ra với khu vực tư nhân muốn lấp vào khoảng trống phóng tên lửa và xây dựng trạm vũ trụ. Mặc dù còn nhiều dấu hỏi lớn về khả năng sinh lời nhưng đã có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp tư nhân bước vào cuộc chơi. Và đây là những "big boy":
SpaceX
Được lập ra vào năm 2002 bởi Elon Musk nhờ vào việc bán PayPal cho eBay, SpaceX mang mục tiêu giảm chi phí du hành vũ trụ và hiện thực hóa công cuộc đưa con người định cư ở sao Hỏa, một việc mà Musk đặc biệt tâm huyết.
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX cất cánh và hạ cánh
Cách tốt nhất để giảm chi phí du hành vũ trụ? Tên lửa có khả năng tái sử dụng, và đó là một cái đích mà SpaceX đang càng ngày càng tiến lại gần, chẳng chóng thì chày sẽ đạt được, mặc dù còn gặp phải một vài trở ngại.
Từ năm 2006, SpaceX đã kí một hợp đồng với NASA để tái cung cấp hàng hóa đến trạm vũ trụ quốc tế, nhưng mục tiêu cuối cùng của Musk là nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ thống trị sao Hỏa của con người, điều mà Musk – người giờ đây đã trong độ tuổi 40 – ý thức rằng có thể sẽ không xảy ra trong phần đời của mình. “Tôi muốn chết trên sao Hỏa, chứ không phải chỉ đặt chân lên nó.”
Blue Origin
Tiếp theo là Blue Origin, được thành lập vào năm 2000 bởi CEO Amazon Jeff Bezos. Trong một cuộc phỏng vấn 11 năm trước, Bezos giải thích sứ mệnh của công ty vỏn vẹn trong 2 câu: “Nếu bạn thực sự muốn bất cứ ai cũng có thể du hành vào không gian, bạn phải cải thiện độ an toàn và giảm chi phí. Đó là sứ mệnh của Blue Origin.”
Vụ phóng và hạ cánh tên lửa của Blue Origin
Cũng giống như SpaceX, Blue Origin thấy rằng tái sử dụng tên lửa là một cách hiệu quả để làm điều này. Năm ngoái, công ty lần thứ hai liên tiếp đã đưa tên lửa trở lại Trái Đất một cách an toàn, tương tự như thành quả của SpaceX.
Điều đó có thể thay đổi theo thời gian, nhưng trên hết, Blue Origin tập trung vào – ít nhất là ở bề ngoài – tính thương mại hơn SpaceX, với mục tiêu có những chuyến bay vũ trụ thương mại vào năm 2018.
Virgin Galactic
Bạn không thể nhắc đến du lịch vũ trụ mà không nói về Virgin Galactic của Richard Branson. Thành lập vào năm 2004, đã 6 năm trôi qua từ khi chuyến bay thương mại của Virgin Galactic được kì vọng tiến hành, nhưng ngày đó dường như đã bị đẩy lùi lại vô số lần – và chúng ta vẫn đang chờ đợi.
Quảng cáo của Virgin Galactic
Một vài người kiên nhẫn hơn những người khác: vào năm 2014 công ty báo cáo rằng, sau những lần trì hoãn liên tiếp, 3% khách hàng vẫn không đòi được hoàn trả khoản đặt cọc 200.000 USD, và tiếp tục kéo dài danh sách khách hàng trả trước của công ty đến 680 người.
Có thể họ đã kéo dài thời hạn vì lí do an toàn, với một tai nạn đã giết chết phi công vào năm 2014, làm kế hoạch tương lai trở nên đáng nghi ngờ. Như Tom Bower, tác giả cuốn Brandson: Sau tấm mặt nạ đã nói: “Họ mất 10 năm để hoàn hảo hóa một động cơ để rồi thất bại. Giờ đây họ lại thử nghiệm một động cơ khác và phóng vào vũ trụ trong 6 tháng. Điều này không có chút tính khả thi nào.”
Orbital ATK
Richard Branson, Elon Musk, Jeff Bezos… dường như du hành vũ trụ tư nhân là một sân chơi riêng của những tay tài phiệt giàu có, nhưng Orbital ATK không có đặc điểm này, và là cái tên lép vế nhất ở đây mặc dù nhiều tuổi nhất do được sáp nhập bởi 2 tổ chức thành lập năm 1982 (Tập đoàn Orbital Sciences) và 1990 (nhiều phần của Alliant Techsystems).
TechRadar miêu tả đây là “một thứ gần nhất với phiên bản tư nhân hóa của NASA”, và công ty có rất nhiều thành công để chứng tỏ điều miêu tả này là đúng – nhất là bản hợp đồng 1,9 tỷ USD với NASA để chở hàng hóa đến trạm vũ trụ quốc tế, với tên lửa Cygnus có khả năng vận chuyển 2.000kg hàng nén.
Mặc dù vậy, kể cả Orbital ATK cũng không tránh khỏi những vụ tai nạn. NASA đã nhìn thấy trước điều này vào tháng 10/2014 khi sứ mệnh chở hàng thứ 3 của công ty kết thúc bằng tên lửa Antares phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.
Vụ nổ tên lửa của Orbital ATK
Đó là sự thất bại thứ ba trong sứ mệnh tái cung cấp hành hóa vào năm ngoái, cùng với SpaceX và động cơ gốc Nga Progress M-59. Với một thứ khó nhằn như du hành vũ trụ, tai nạn vẫn xảy ra, dù đó là công ty tư nhân hay chính NASA.
Thành ngữ có câu: “Vũ trụ khắc nghiệt” – cũng chỉ là có rất nhiều cuộc cạnh tranh, đòi hỏi những bộ não xuất sắc nhất có động lực để giải quyết nó một lần và mãi mãi.