Điểm danh các dự án đón vốn FDI ''khủng'' từ đầu năm: Địa phương nào được gọi tên?

22/09/2022 16:05 PM | Kinh tế vĩ mô

Lego, Trina Solar, Coca-Cola... là những "đại gia" đứng đầu danh sách rót vốn FDI vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022.

Lego

Tháng 3/2022, UBND tỉnh Bình Dương trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO.

Đây là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và nhà máy thứ 2 ở châu Á của LEGO. Công trình dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay và đi vào hoạt động vào 2024.

Theo kế hoạch, Tập đoàn LEGO sẽ xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích 44 ha tại khu công nghiệp VSIP III. Nhà máy LEGO tại Bình Dương sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO khi sử dụng năng lượng tại chỗ từ pin mặt trời. VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên.

Nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy phụ trách công tác làm khuôn và đóng gói phục vụ cho thị trường châu Á của LEGO, bên cạnh nhà máy tại Giang Tô, Trung Quốc.

Đồng thời, đại diện Tập đoàn Lego cũng đã có buổi làm việc với đại diện các cơ quan của Bộ Công thương về việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất của Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em đặt tại Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương.

Đại diện Tập đoàn Lego này báo cáo sơ bộ về dự án trang trại sản xuất điện mặt trời công suất 50 MW, dự kiến sẽ được triển khai ngay cạnh nhà máy để phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương hoan nghênh việc nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego được thể hiện thông qua hệ thống năng lượng mặt trời sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hàng năm của nhà máy.

Trina Solar

Trong số 11 dự án được cấp phép đầu tư mới vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm, nổi bật là dự án sản xuất thanh silic và tấm silic đơn tinh thể của Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Yên Bình có số vốn đầu tư lớn nhất với 275 triệu USD (tương đương trên 6.200 tỷ đồng).

Libra International Investment

Tháng 4/2022, Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án sản xuất vải cao cấp LOUVRE tại khu công nghiệp Thành Thành Công (phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng).

Dự án được triển khai 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tập trung sản xuất vải dệt thoi, quy mô 95.000.000 m2/năm (tương đương 16.600 tấn/năm), giai đoạn 2 triển khai sản xuất vải dệt kim với quy mô 95.000.000 m2/năm (tương đương 18.000 tấn/năm). Tổng vốn đầu tư của dự án 4.844 tỷ đồng (tương đương 210 triệu USD).

Coca-Cola

Đầu năm 2022, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An đã ký giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola đầu tư nhà máy sản xuất nước giải khát với tổng vốn hơn 136 triệu USD (tương đương hơn 3.109 tỉ đồng) vào Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức.

Coca Cola đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngay trong ngày nộp hồ sơ đăng ký đầu tư vào ngày 14/1.

Cùng với các dự án trên, có một số dự án điều chỉnh tăng vốn lớn:

(1) Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 10/01/2022).

(2) Dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 7/01/2022).

(3) Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngành 7/01/2022).

Trên cả nước, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng đầu năm 2022.

Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,7 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,64 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,75 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn và tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Điểm danh các dự án đón vốn FDI khủng từ đầu năm: Địa phương nào được gọi tên? - Ảnh 1.

Nếu xét về số dự án mới, các nhà ĐTNN vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (42,2%), số lượt GVMCP (67,3%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,2% sau Hà Nội là 17,9%).

Theo Thái Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM