Dịch vụ thăm khám qua ứng dụng "nở rộ" ở Trung Quốc: Bác sĩ tay nghề cao tư vấn, chẩn đoán trực tiếp cho 10 bệnh nhân cùng lúc, cải thiện tình trạng chen chúc, chờ đợi ở các bệnh viện tuyến trên

26/09/2019 09:32 AM | Kinh doanh

Các công ty công nghệ Alibaba, Tencent, Ping An kỳ vọng sẽ sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số để tiếp cận những bệnh nhân cảm thấy chán nản với hệ thống y tế công - vốn đang rất chật vật để đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh như ung thư, tiểu đường, bệnh tim.

Trên tầng 2 của một toà nhà mới ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, hàng dài người xếp hàng đang đeo tai nghe ngồi cạnh nhau, họ liên tục gõ chữ trên điện thoại. Với bộ trang phục quần jeans và áo phông, họ có thể dễ bị nhầm với các nhân viên văn phòng hoặc nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng, ngoại trừ những chiếc áo khoác trắng vắt sau lưng ghế và tấm biển treo có ghi: "Khoa nội", "Khoa nhi", "Phụ khoa", "Khoa sản".

Ngồi 1 góc trong căn phòng ngổn ngang này là Liu Sainan, một nhà thần kinh học 47 tuổi. Vào tháng 3, sau 16 năm làm việc tại một bệnh viện hàng đầu Bắc Kinh, bà gia nhập Ping An Healthcare & Technology - công ty sở hữu và điều hành ứng dụng chăm sóc sức khoẻ Ping An Good Doctor. Những ngày này, bà đang điều trị cho các bệnh nhân thông qua việc nhắn tin trực tiếp qua ứng dụng, trò chuyện với 10 người một lúc. Các bệnh nhân cũng có thể gửi hình ảnh về những triệu chứng mà họ gặp phải, chẳng hạn như vết bầm tím hoặc kết quả xét nghiệm.

Good Doctor là công ty được hậu thuẫn bởi công ty bảo hiểm hàng đầu Trung Quốc - Ping An. Ứng dụng của họ bắt đầu triển khai gói đăng ký hàng năm vào tháng 8 vừa rồi, cung cấp dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến với các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm. Người dùng trả một khoản phí từ 499 NDT đến 1.999 NDT (70 USD đến 281 USD) để tham khảo ý kiến của chuyên gia từ mọi vấn đề, từ tình trạng huyết áp cao đến những vấn đề tiêu hoá của trẻ sơ sinh, bất cứ khi nào và bất kỳ đâu.

Dịch vụ thăm khám qua ứng dụng nở rộ ở Trung Quốc: Bác sĩ tay nghề cao tư vấn, chẩn đoán trực tiếp cho 10 bệnh nhân cùng lúc, cải thiện tình trạng chen chúc, chờ đợi ở các bệnh viện tuyến trên - Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh này được triển khai nhằm nỗ lực cải tổ hệ thống chăm sóc sức khoẻ vốn bị quá tải của Trung Quốc, trong kỷ nguyên internet. Ngành công nghiệp công nghệ đã thay đổi cách thức mua sắm, gọi taxi, đặt đồ ăn của người tiêu dùng. Hiện tại, các công ty từ Good Doctor cho đến Alibaba, Tencent đang cố gắng làm điều tương tự với lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Họ kỳ vọng sẽ sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số để tiếp cận những bệnh nhân cảm thấy chán nản với hệ thống y tế công - vốn đang rất chật vật để đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh như ung thư, tiểu đường, bệnh tim.

Theo nghiên cứu của Frost & Sullivan, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trực tuyến của Trung Quốc được dự đoán sẽ bùng nổ trở thành một ngành kinh doanh trị giá 198 tỷ NDT vào năm 2026, gấp 20 lần quy mô của năm 2016 là 11 tỷ NDT. Wang Tao - CEO của Good Doctor, chia sẻ: "Tất cả mọi người trong ngành đều đang khám phá, các nhà đầu tư đang theo dõi, để xem các công ty phát triển dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trực tuyến có thể thu lời hay không. Chúng tôi nhận thấy rõ ràng rằng dịch vụ bác sĩ gia đình sẽ là nhân tố thúc đẩy."

Wang cho biết công ty của ông đặt mục tiêu thu hút được 10 triệu gia đình đăng ký sử dụng dịch vụ trong 5 năm tới và tạo ra 10 tỷ NDT doanh thu hàng năm từ đó. Con số này cao gấp 3 lần doanh số của Good Doctor trong năm 2018 là 3,3 tỷ NDT, phần lớn đến từ doanh số online của các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và thực phẩm bổ sung. Công ty dự kiến có thể thu lời vào năm 2021.

Bên kia khu phố sầm uất của toà nhà Good Doctor là Bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh hơn 100 năm tuổi - nổi tiếng với các khoa mắt và tai mũi họng. Một ngày gần đây, tầng trệt của toà nhà thuộc khoa ngoại trú có rất đông người đang xếp hàng để lấy lịch hẹn với các bác sĩ chuyên khoa. Bloomberg đã có cuộc phỏng vấn nhanh với những người ở đó và thấy rằng hẹn thăm khám với một số bác sĩ chuyên khoa cần chờ đến 1 tháng.

Sharry Wu, một đối tác tại Ernst & Young, cho biết: "Các bệnh việp 'top' đầu Trung Quốc luôn trong tình trạng đông đúc và các bác sĩ dày dặn kinh nghiệp ở đó đang tập trung điều trị các bệnh cơ bản, còn các bệnh viện cấp dưới lại không được tận dụng. Trong khi chính phủ đang đưa ra những chính sách để hướng bệnh nhân đến việc thăm khám tại các bệnh viện tuyến khác nhau, thì các công ty internet có thể giúp thực hiện điều đó thông qua những chiếc điện thoại."

Dịch vụ thăm khám qua ứng dụng nở rộ ở Trung Quốc: Bác sĩ tay nghề cao tư vấn, chẩn đoán trực tiếp cho 10 bệnh nhân cùng lúc, cải thiện tình trạng chen chúc, chờ đợi ở các bệnh viện tuyến trên - Ảnh 2.

Tuy nhiên, bác sĩ vẫn gặp phải những hạn chế về những gì có thể làm trong "không gian ảo" mà không trực tiếp gặp bệnh nhân. Trong số các quy định về thăm khám qua mạng, Trung Quốc không cho phép các bác sĩ đưa ra chẩn đoản ban đầu thông qua việc tư vấn trực tuyến, thay vào đó chỉ là tư vấn và kê đơn thuốc. Leon Qi, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài chính châu Á tại Daiwa Capital Markets Hong Kong, nhận định: "Đây vẫn là một lĩnh vực mới nổi."

Trung Quốc có nhu cầu cấp thiết đối với những mô hình chăm sóc sức khoẻ mới. Mỗi năm, nước này có thêm gần 4 triệu bệnh nhân ung thư. Số lượng bệnh nhân tiểu đường trong năm 2017 là 114 triệu và 290 triệu người mắc bệnh tim hồi năm ngoái - đây là con số cao nhất thế giới.

Những bệnh viện công lớn luôn chứng kiến cảnh chen chúc, vì là nơi có các bác sĩ đầu ngành. Người dân tìm đến đây để tìm phương thức chữa trị cho những triệu chứng nhẹ như cảm lạnh, cho đến bệnh hiểm nghèo như ung thư. Số lượng lớn những bác sĩ giỏi đều làm việc ở khu vực phía đông đất nước, cách xa so với các hộ gia đình sống ở nông thôn. Theo dữ liệu của công ty môi giới CSC Financial, trong khi ở Bắc Kinh và Thượng Hải có bệnh viện "top" đầu phục vụ cho mỗi 550.000 người, thì vùng nông thôn chỉ có 1 bệnh viện phải phục vụ tới 2,5 triệu người.

Nắm bắt cơ hội, một số công ty công nghệ "lấn sân" sang lĩnh vực này nhằm thu hẹp khoảng cách đó. WeDoctor, được hậu thuẫn bởi Tencent, cho biết nền tảng của họ có khả năng kết nối hơn 200 triệu người dùng với bác sĩ từ các bệnh viện trên cả nước. Alibaba Health của Alibaba đã có khoảng 15.00 bác sĩ tham gia.

Dù mối quan tâm đối với mảng y tế trực tuyến đã lan động, nhưng các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi kết quả thực sự. Kể từ khi IPO vào năm ngoái, cổ phiếu của Good Doctor đã giảm 15%. Các công ty khác trong ngành cũng đang trải qua giai đoạn không mấy thuận lợi, cổ phiếu Alibaba Health mất 8% trong 12 tháng qua, gấp đôi mức giảm của Hang Seng Index.

CEO của Good Doctor chia sẻ công ty đã thuê khoảng 100 bác sĩ từ các bệnh viện nổi tiếng ở Trung Quốc, mức thưởng hàng năm có thể hơn 1 triệu NDT cũng như quyền chọn cổ phiếu - đây là mức lương xứng đáng đối với họ. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ qua internet có thể gây khó khăn cho các bác sĩ. Liu Sainan cho hay: "Các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm thường thận trọng hơn, nếu tôi không gặp trực tiếp bệnh nhân thì rất khó để có thể nói rõ về tình trạng của họ. Nhưng tôi vẫn có thể đưa ra lời khuyên rõ ràng. Việc này đòi hỏi bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm."

Tuy nhiên, Liu cho biết dịch vụ này có một lợi thế mà các bệnh viện truyền thống không thể theo kịp. Đó là các bệnh nhân có thể dễ dàng giữ liên lạc thuờng xuyên với các bác sĩ, họ không cần phải chờ cả tháng mới đến buổi tái khám tiếp theo. Bà chia sẻ: "Internet đã đưa bệnh nhân và bác sĩ đến gần nhau hơn."

Cuối cùng thì lĩnh vực này cũng có được sự thúc đẩy từ các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã thực hiện một số bước đi giúp cho việc bồi thường bảo hiểm công đối với một số dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trực truyến được dễ dàng hơn, dù chính quyền địa phương có thể quyết định trường hợp nào sẽ được bồi thường.

Ngoài ra, Good Doctor bắt đầu xuất khẩu mô hình của họ ra nước ngoài. Công ty này đã thành lập một liên doanh với Grab và SoftBank để cung cấp dịch vụ tư vấn điều trị trực tuyến tại Đông Nam Á và Nhật Bản.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM