Dịch vụ ‘mua trước, trả sau’ dẫn dắt cuộc chiến siêu ứng dụng Đông Nam Á

17/06/2021 09:45 AM | Kinh doanh

Các siêu ứng dụng Đông Nam Á như Grab, Gojek cung cấp dịch vụ “mua trước, trả sau” cho những đối tượng chưa được ngân hàng phục vụ.

Tiềm năng của dịch vụ “mua trước, trả sau”

Tài chính là vấn đề đau đầu của Gege Lin nhiều năm. Là gia sư tại một startup giáo dục tại Jarkatar (Indonesia), cô thường đi xe ôm đến nhà học sinh trên toàn thành phố. Đôi khi, cô mở ứng dụng gọi xe để rồi phát hiện không còn đủ tiền mặt trả cho chuyến đi, phải nhờ tới phụ huynh học sinh “chi viện”. Lin muốn mở thẻ tín dụng song không đủ điều kiện của ngân hàng.

Đây chính là lúc Lin chuyển sang PayLater, dịch vụ do Gojek cung cấp. Đúng như tên gọi “trả sau”, PayLater cho phép người dùng chi một số món tiền nhỏ mà không phải thông qua ngân hàng, quy trình đăng ký cũng đơn giản. “Những gì tôi phải làm là chụp ảnh selfie và gửi ảnh thẻ căn cước. Sau đó, tôi có thể sử dụng ngay”.

Hiện tại, Lin không chỉ dùng PayLater để di chuyển mà còn mua sắm hàng hóa thiết yếu hàng ngày như thẻ điện thoại và trang trải cho các chi phí khác như phí bảo hiểm mỗi lần bố vào viện. Cô cho biết dịch vụ giúp quản lý chi tiêu hàng tháng và hỗ trợ cô giữa những đợt lĩnh lương.

PayLater là một trong các dịch vụ tài chính đi đầu trong quá trình chuyển đổi thành siêu ứng dụng của GoJek. Đối thủ Grab và Shopee cũng đã ra mắt dịch vụ tương tự, xem đây là viên gạch nền quan trọng để chuyển đổi từ công ty thương mại điện tử, giao hàng, gọi xe sang ngân hàng số.

Theo nhà phân tích Dewi Rengganis đến từ hãng Frost & Sullivan, nhiều công ty thanh toán di động tại Indonesia và châu Á - Thái Bình Dương muốn sử dụng nền tảng của mình để cung cấp các dịch vụ tài chính kỹ thuật số toàn diện.

Dịch vụ ‘mua trước, trả sau’ dẫn dắt cuộc chiến siêu ứng dụng Đông Nam Á - Ảnh 1.

Trong những năm qua, các ông lớn công nghệ khu vực như Grab, Gojek và Shopee cạnh tranh với nhau để kiểm soát “ví tiền” của người dùng khi chi tiêu trực tuyến tăng vọt nhờ thu nhập và khả năng tiếp cận Internet di động tăng. Năm nay, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử Đông Nam Á ước đạt 80 tỷ USD.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử tại đây tạo ra làn sóng đầu tư mạo hiểm vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, ngay cả trước khi dịch Covid-19 định hình lại cách mua sắm của cả thế giới. Dịch bệnh chỉ giúp tăng tốc lĩnh vực mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt vốn đã phát triển nhanh chóng.

Theo báo cáo của Worldpay, các dịch vụ “mua trước, trả sau” sẽ là một trong những hình thức thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Tại Indonesia, cho vay trực tuyến (bao gồm “mua trước, trả sau” và cho vay cá nhân) tăng trưởng 20% trong năm 2020, với lượng tiền xuất ra hơn 5 tỷ USD. Nửa đầu năm 2021, con số này đã vượt 5,6 tỷ USD.

Bên cạnh những người chơi lớn, một số công ty nhỏ hơn như Atome, Hoolah, Oriente cũng hoạt động khắp các ngõ ngách Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho khách hàng, nhà bán lẻ và dịch vụ giao đồ ăn.

Trả lời trang Rest of World, CEO Hoolah Stuart Thornton cho biết dịch vụ của mình được chấp nhận tại hơn 2.800 điểm, tăng từ 1.500 điểm cuối năm 2020. Giá trị giao dịch trung bình của Hoolah năm 2020 là 300 USD. Trong suốt mùa dịch, mọi người quan tâm hơn tới giá và tầm quan trọng của luồng tiền cá nhân. Với dịch vụ “mua trước, trả sau”, họ quản lý được ngân sách hàng tháng khi chỉ phải trả tiền cho 1/3 hàng hóa mà họ cần.

PayLater nằm trong nền tảng GoPay. Nhờ hợp tác với tổ chức tài chính địa phương Bank Jago, người dùng còn mở được tài khoản ngân hàng truyền thống trong ứng dụng. Với PayLater, họ có thể hoãn thanh toán cho mọi thứ, từ hàng tạp hóa, vé máy bay đến mua sắm trong Google Play.

Cần sớm có khung pháp lý

Theo Rest of World, có hai lý do chính khiến các hãng công nghệ tập trung vào “mua trước, trả sau”. Thứ nhất, dữ liệu mà họ có được về tình hình tài chính của khách hàng so với ngân hàng truyền thống sâu hơn và nhiều thông tin hơn. Ngân hàng thường chỉ xem xét các khoản mua sắm và thu nhập lớn, trong khi công ty dịch vụ tài chính và thanh toán di động lại nhặt nhạnh dữ liệu nhỏ lẻ, giúp họ xây dựng bức tranh chi tiết về tín dụng của khách hàng.

Đó là mô hình mà Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent tiên phong. Theo nhà phân tích Rengganis, Alipay có hàng trăm điểm dữ liệu để nghiên cứu hành vi và chi tiêu của người dùng. Họ cũng có nền tảng thanh toán riêng, từ đó sở hữu vô số nguồn thông tin về một người.

Thứ hai, sản phẩm tín dụng nhỏ lẻ giúp các nền tảng tiếp cận nền tảng khách hàng khổng lồ cho các dịch vụ mà ngân hàng truyền thống khó với tới. Với nhiều người dùng Đông Nam Á, “mua trước, trả sau” có thể là lần đầu tiên họ sử dụng dịch vụ tài chính kỹ thuật số và tín dụng để mua sắm thứ gì đó.

Báo cáo năm 2019 của KPMG ước tính 73% người dân Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng tại các tổ chức tài chính chính thống, ít nhất 18% chưa được tiếp cận thẻ tín dụng.

Dịch vụ ‘mua trước, trả sau’ dẫn dắt cuộc chiến siêu ứng dụng Đông Nam Á - Ảnh 2.

Những nền tảng thanh toán xuất phát từ các dịch vụ khác, chẳng hạn Gojek và Grab, đều thu hút được sự quan tâm lớn. GoPay là phương thức thanh toán chính của hơn 2 triệu tài xế và 900.000 người bán hàng trên Gojek. Với lượng lớn người dùng sử dụng dịch vụ để trả tiền taxi, vận chuyển, nền tảng có lợi thế khi đã được khách hàng quen thuộc.

Theo ông Budi Gandasoebrata, Giám đốc quản lý GoPay, một trong các lợi thế khác biệt của GoPay là nằm trong hệ sinh thái Gojek. Quy trình sử dụng GoPay cũng hoàn toàn liền mạch. Khách hàng không cần đăng ký dịch vụ mà nó tự động hiển thị ở quá trình thanh toán.

Dù vậy, giới quan sát và nhà quản lý lo ngại các chiến dịch tiếp thị mạnh tay của doanh nghiệp có thể đẩy hàng triệu người vào cảnh chi tiêu vượt ngân sách. Chẳng hạn, Ita, một nhà thiết kế đồ họa, sử dụng PayLater khoảng 1 năm trước khi tình hình tài chính vượt kiểm soát. Cô có thể đặt đồ ăn bằng PayLater hàng ngày và nó gấp đôi ngân sách hàng tháng của mình. Cô còn dùng nó để trả tiền điện, điện thoại. Những ngày này, cô hạn chế dùng PayLater và thường trả hóa đơn bằng chuyển khoản ngân hàng.

CEO Thorton của Hoolah cho biết công ty của ông ưu tiên hướng dẫn khách hàng về tài chính để tránh chi tiêu quá mức. Hoolah sử dụng thuật toán độc quyền để xác định một người có đủ điều kiện sử dụng dịch vụ hay không. Công ty dự định triển khai dịch vụ tại Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam cuối năm nay. Trong khi đó, GoPay lại dựa vào lịch sử giao dịch của khách hàng để xác định tính hợp lệ.

Đối với một số hãng công nghệ lớn nhất Đông Nam Á, “mua trước, trả sau” là cánh cổng dẫn đến tín dụng cho những người khó tiếp cận, củng cố vị trí của họ trong “ví tiền” của người dùng. Chuyên gia phân tích Rengganis cho rằng chính phủ các nước cần phát triển khung chính sách để quản lý những dịch vụ tài chính mới nổi này do nhiều nền tảng sẽ sớm trở thành ngân hàng kỹ thuật số.

Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM