Địa phương đóng góp 22% GDP cả nước ghi nhận dòng vốn FDI đổ vào trong quý 1 giảm mạnh

08/04/2022 08:54 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong quý đầu năm, địa phương này đã ghi nhận dòng vốn FDI đổ vào giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Thống kê TP. HCM, từ đầu năm đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt 406,6 triệu USD, giảm 40,1% so với cùng kỳ.

Địa phương đóng góp 22% GDP cả nước ghi nhận dòng vốn FDI đổ vào trong quý 1 giảm mạnh - Ảnh 1.

Cụ thể, có 127 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 102,4 triệu USD, giảm 12,8% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, tổng vốn đăng ký tập trung tại 3 ngành là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản có số vốn đăng ký chiếm 74,4% tổng vốn cấp mới. Cụ thể, Singapore có 16 dự án với vốn 34,5 triệu USD chiếm 33,7%. Hàn Quốc 15 dự án, vốn 24,2 triệu USD chiếm 23,6% và Nhật Bản 16 dự án, vốn 17,5 triệu USD chiếm 17,1%.

Bên cạnh đó, có 30 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký với số vốn tăng 9,4 triệu USD, chỉ bằng 3,1% so với cùng kỳ. Đồng thời có 504 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp với vốn góp là 294,8 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ.

Ngoài những dự án cấp mới, số dự án đề nghị chấm dứt hoạt động đến ngày 20/3 là 43 dự án với vốn đầu tư 54,84 triệu USD. Toàn thành phố còn 10.533 dự án còn hiệu lực hoạt động với vốn đăng ký là 52,89 tỷ USD (bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh vốn).

Trên thực tế, TP. HCM đóng góp hơn 22% GDP cả nước, gần 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Do vậy, sự hồi phục kinh tế thành phố có ý nghĩa rất lớn vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Theo báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội quý 1, đã có 98% số cơ sở sản xuất trên địa bàn hoạt động lại. Dù tốc độ không đồng đều giữa các ngành, nhưng đánh giá một cách tổng thể, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã và đang hồi phục một cách mạnh mẽ.

Là một trong những ngành chịu tác động mạnh của dịch bệnh vào năm ngoái, năm nay hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí là quý 3.

Ngoài việc tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại đã ký, hoạt động sản xuất cũng đang có được trợ lực lớn từ các chính sách. Chẳng hạn như Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân đến hết tháng 6. Theo Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM, hiện nay 1.500 nhà máy đã hoạt động ổn định. Lượng công nhân quay trở lại làm việc đạt trên 96%.

Theo các doanh nghiệp, với quyết định "nới" trần giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng cũng giúp giải quyết những khó khăn về lao động trong tình hình sản xuất mới. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động từ giai đoạn dịch bệnh, đang giúp các doanh nghiệp có sức bật tốt hơn trong giai đoạn sản xuất bình thường trở lại này.

Năm ngoái, TP. HCM ghi nhận mức giảm sâu GRDP tới gần -25% trong quý 3, giảm chậm lại -11,64% trong quý 4. Bước sang quý 1/2022, nền kinh tế thành phố đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể.

Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chưa đồng đều giữa các ngành như khu vực dịch vụ, dù tăng 2,87% so với cùng kỳ, nhưng xét về thành phần, vẫn có tới 6 nhóm dịch vụ tăng trưởng âm như dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành…

Trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố thông tin, trong quý tiếp theo sẽ tập trung nhiều giải pháp cho tăng trưởng ngành dịch vụ du lịch, công nghiệp điện tử, xây dựng, giải ngân đầu tư công…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM, ông  Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ bổ sung các giải pháp để tiếp cận cái gói hỗ trợ phục hồi kinh tế từ các gói tài khóa tiền tệ, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp".

Với việc ứng dụng chuyển đổi số để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; phát huy vai trò các tổ công tác của các ban ngành… thành phố kỳ vọng đà phục hồi nền kinh tế sẽ được giữ vững và đạt mục tiêu trong các quý tiếp theo.

Theo Minh Tiến

Cùng chuyên mục
XEM