'Địa ngục' chuỗi cung ứng sắp diễn ra: Mọi thứ đều đang mắc kẹt tại Trung Quốc, giá cước hàng không tăng 43% vẫn cam chịu

14/04/2022 09:32 AM | Xã hội

"Cơn bão" chuỗi cung ứng đang càn quét trên toàn cầu vì cách chống dịch của Trung Quốc.

Tờ CNBC đưa tin, rất nhiều hàng hóa đang bị tắc tại Trung Quốc trong bối cảnh nước này phong tỏa một số tỉnh, thành phố để chống dịch. Tuy nhiên, điều này có thể trở thành "vấn đề lớn" với nền kinh tế toàn cầu theo như chuyên gia tư vấn kinh doanh Richard Martin.

"Rất nhiều thứ chúng ta sử dụng trên khắp thế giới được sản xuất, hoặc có sử dụng linh kiện từ Trung Quốc. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cơn bão hậu cần tồi tệ hơn những gì xảy ra trong năm 2020 hay 2021", Martin – Giám đốc IMA Asia nói.

"Trung Quốc vốn chiếm 20% nhu cầu toàn cầu nhưng vai trò của họ trong chuỗi cung ứng còn lớn hơn rất nhiều".

Kể từ những tháng đầu của đại dịch, kinh tế toàn cầu đã gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng gặp thách thức do nhiều yếu tố: Dịch vụ logistic bị không theo kịp khối lượng giao dịch quá lớn, số ca mắc Covid-19 tăng ở châu Á và đe dọa sự gián đoạn dòng chảy hàng hóa. Xung đột ở Ukraine cũng gây thêm nhiều khó khăn.

"Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cơn bão hậu cần tồi tệ hơn những gì xảy ra trong năm 2020 hay 2021", Martin – Giám đốc IMA Asia

"Triển vọng với kinh tế toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn. Châu Âu ở ngay gần xung đột, Mỹ chuẩn bị nâng lãi suất, còn Trung Quốc đang tự làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế".

Trung Quốc trong vài tuần qua đã chiến đấu với dịch Covid-19 bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi dịch bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2020.

"Nền kinh tế Trung Quốc rất dễ bị tổn thương vào lúc này", theo Rob Subbaraman – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc nghiên cứu toàn cầu tại Nomura.

Theo nghiên cứu của Nomura thì: "Nếu nhìn vào những tỉnh thành phố bị phong tỏa 1 phần hay tất cả đang chiếm tới... 40% GDP của Trung Quốc".

Thượng Hải là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nền nhất khi các nhà chức trách địa phương buộc người dân ở đây phải ở nhà và không được ra ngoài. Tỉnh Cát Lâm – nơi có rất nhiều nhà máy ô tô cũng chứng kiến tình trạng tồi tệ khi bị phong tỏa.

"Vấn đề là việc này đang diễn ra trên khắp cả nước – không chỉ Thượng Hải mà cả Quảng Châu, rồi Cát Lâm - nơi có rất nhiều nhà máy sản xuất".

Tình hình ở Thượng Hải - nơi có cảng container lớn nhất thế giới hiện khá tồi tệ. Mặc dù chính quyền cho biết cảng Thượng Hải vẫn hoạt động nhưng dữ liệu trong ngành cho thấy tuần trước số lượng tàu chờ để lấy hoặc dỡ hàng đã tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại.

"Việc đóng cửa ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng từ nhiều góc độ bao gồm đóng cửa nhà máy, chậm hoạt động giao dịch tại cảng và thiếu tài xế xe tải", Zvi Schreiber, CEO nền tảng Freightos nói.

Điều này sẽ gây ra "áp lực lạm phát" lên những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giá cước vận tải hàng không cũng đang tăng lên. Tất cả các chuyến bay chở khách đến Thượng Hải, một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, đã bị hủy bỏ. Schreiber cho biết tỷ lệ vận chuyển hàng hóa hàng không giữa Thượng Hải và Bắc Âu đã tăng 43% trong tuần trước so với mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Việc đóng cửa nhà máy ở Thượng Hải và các thành phố lân cận có thể làm tăng thêm sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng điện tử và ô tô.

Ví dụ, Unimocron Technology - nhà cung ứng của Apple có trụ sở tại Côn Sơn. Trong khi đó, Eson Precision là một chi nhánh của Foxconn - công ty làm iPhone cho Apple. Eson cũng cung cấp linh kiện cho cả Tesla.

"Với mức độ dịch nghiêm trọng như hiện nay tại Trung Quốc, chuỗi cung ứng điện tử và ô tô sẽ trải qua sự gián đoạn đáng kể do các nhà cung cấp ngừng hoạt động trong vòng 7 - 10 ngày tới", Julie Gerdeman, CEO của công ty Everstream nói với CNN.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng chính sách Zero Covid với những biện pháp thắt chặt để ngăn sự lây lan của virus. Trái lại, phần lớn các nước trên thế giới đang dịch chuyển dần sang việc sống chung tới virus và bắt đầu mở cửa lại biên giới nhằm đón khách quốc tế.

Nguồn: CNBC, CNN

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM