Đi máy bay trong thời buổi dịch bệnh nguy hiểm đến mức nào và câu trả lời tới từ khoa học
Khoa học xác định rằng rủi ro lây nhiễm trên máy bay là có nhưng không cao, và đặc biệt có thể giảm xuống chỉ cần chúng ta làm một điều cực đơn giản: đeo khẩu trang.
Đi máy bay thời Covid-19 liệu có mang lại rủi ro, và rủi ro ấy đến mức nào? Dĩ nhiên là với một người bình thường, việc cả trăm người cùng nhau trên một khoang hành khách chật chội với hệ thống thông khí kém dường như không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
Nhưng giới khoa học nói gì về vấn đề này? Thực ra thì, có khá ít nghiên cứu khoa học liên quan đến rủi ro lây nhiễm Covid-19 khi di chuyển qua đường hàng không.
Một trong những nghiên cứu rộng nhất về câu chuyện này do đội chuyên gia từ ĐH Goethe (ĐỨc) thực hiện, có đề cập đến khả năng Covid-19 lây lan trong một chuyến bay thương mại. Nghiên cứu cho thấy với 7 hành khách nhiễm bệnh trên chuyến bay, họ có khả năng lây nhiễm cho 2 người gần nhất.
Nói cách khác, có 2 ca nhiễm dường như có nguồn gốc từ 7 hành khách mắc bệnh ban đầu, nghĩa là khả năng lây lan vẫn có. Tuy nhiên, rủi ro thì không cao như chúng ta tưởng tượng.
"Chúng tôi có xác nhận được khả năng truyền bệnh trong chuyến bay đó, nghĩa là việc virus lây lan là có thể xảy ra," - trích lời Giáo sư Sandra Ciesek, chủ nhiệm nghiên cứu tại ĐH Goethe. "Tuy nhiên, tốc độ và mật độ lây nhiễm thì không cao."
Hình ảnh tại một sân bay ở Riga (Latvia) hồi tháng 5/2020
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA, về trường hợp chuyến bay thương mại của hãng Tel Aviv từ Israel đến Frankfurt (Đức) vào ngày 9/3/2020, kéo dài 4h40 phút. Thời điểm ấy, dịch bệnh vẫn còn mới đối với châu Âu, nên khẩu trang vẫn chưa bắt buộc và giãn cách còn rất lỏng lẻo.
Trong số 102 hành khách, có 24 người thuộc cùng một đoàn khách du lịch. Toàn bộ 24 người này được làm kiểm tra y tế và xét nghiệm Covid-19 ngay khi hạ cánh, trong khi 71 hành khách còn lại được liên lạc sau 4 - 5 tuần để phỏng vấn. 7 hành khách còn lại không thể liên lạc được.
Với nhóm 24 người, có 7 ca dương tính với virus SARS-COV-2, với 4 người bộc phát triệu chứng ngay trong chuyến bay. 2 người sau đó mới bộc lộ, và 1 trường hợp không có triệu chứng. Giả thuyết cho rằng nhóm này đã bị lây nhiễm từ trước đó 1 tuần, do tiếp xúc với một quản lý khách sạn dương tính với Covid-19.
Sau đó, có 2 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh trong 71 hành khách còn lại, đều ngồi ở khoảng cách 2 hàng ghế với các ca dương tính. 1 trường hợp có khả năng cao là lây trên chuyến bay, bởi người này đã được cách ly 14 ngày sau khi hạ cánh nhưng vẫn có triệu chứng nhiễm. Trường hợp còn lại không bị cách ly, nên không thể loại trừ khả năng lây nhiễm sau đó. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng người này cũng nhiễm bệnh khi đi máy bay.
Về mặt tổng quan, câu chuyện có lây nhiễm được trên máy bay hay không là một bức tranh vẫn còn khá mù mờ, bởi việc theo dõi hành khách là rất khó. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng Covid-19 hoàn toàn có thể lan truyền qua hệ thống thông khí, dù rủi ro không cao. Đặc biệt, khả năng này sẽ giảm xuống thấp hơn nữa nếu toàn bộ hành khách và phi hành đoàn áp dụng khẩu trang bắt buộc.
"Chúng ta biết rằng khẩu trang là công cụ ngăn ngừa virus lây lan cực kỳ hiệu quả, và cần phải được áp dụng trên các chuyến bay," - Giáo sư Ciesek nhận định.
"Có rất ít các trường hợp ghi nhận lây nhiễm trên các chuyến bay. Nhưng nó có thể xảy ra, nếu không có những biện pháp ngăn ngừa. Đây là quy trình quan trọng khi vận hành hàng không trong thời buổi dịch bệnh."