‘Detox’ mạng xã hội, trào lưu bột phát liệu có hiệu quả?
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, sử dụng mạng xã hội có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ thấp và gây hại cho sức khỏe tâm thần.
Nói cách khác, mạng xã hội có liên quan đến trầm cảm. Ngoài ra, Facebook– mạng xã hội lớn nhất thế giới - từng vướng nhiều làn sóng tẩy chay quy mô toàn cầu do phát tán thông tin gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc...
Mạng xã hội giúp mọi người tăng tốc trao đổi và chia sẻ thông tin.
Thực tế, cuộc sống của nhiều người không thể tách rời điện thoại thông minh và những người bạn ảo. Thiết bị này sử dụng mạng xã hội để thông báo cho người dùng về các cập nhật của bạn bè, những người nổi tiếng được yêu thích và các sự kiện toàn cầu.
Về cốt lõi, mạng xã hội là một công cụ giao tiếp mạnh mẽ. Nó đã thay đổi cách các cá nhân tương tác với nhau. Nó giúp con người tăng tốc cách trao đổi và chia sẻ thông tin, suy nghĩ và nảy sinh ý tưởng. Tuy nhiên, mạng xã hội có những mặt trái.
Một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng nó - đặc biệt là lạm dụng nó - có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần theo nhiều cách. Đó là lý do những ngày gần đây, trào lưu ‘Detox social media’ (tạm dịch: thanh lọc mạng xã hội) diễn ra rầm rộ.
Có nên đổ lỗi cho mạng xã hội?
Nhiều người đã kêu gọi những người dùng khác ‘cai nghiện mạng xã hội’ như một cách để đối phó với việc họ đang dành quá nhiều thời gian cho nó. Vấn đề là, giống như bất kỳ làn sóng tẩy chay nào trước đó, hành động theo cách này không thực sự giải quyết được nguyên nhân gốc rễ hoặc không thể kéo dài.
Cai nghiện mạng xã hội không thực sự giải quyết được gốc rễ vấn đề?
Ý tưởng từ bỏ Facebook trong một tháng hoặc lâu hơn đồng nghĩa với việcbạn không thể kiểm tra nguồn cấp dữ liệu của mình, không thể đăng bất kỳ nội dung mới nào, thậm chí không thể sử dụng ứng dụng Messenger. Ban đầu, biện pháp này mang lại cho bạn cảm giác rất tốt.
Trước đó, khoa học đã chứng minh rằng não bộ kích thích chúng ta sử dụng mạng xã hội do dopamine (một loại hormone hạnh phúc) tăng lên nhờ lượt ‘thích’ trên các bài đăng. Giới chuyên gia cho biết cách tiếp cận mạng xã hội khiến chúng ta luôn bị cuốn hút, bởi vì tất cả chúng ta đều thích những phản hồi tích cực.
Nhưng rồi chúng ta lại bị đặt vào tình huống mong muốn cai nghiện mạng xã hội với ý nghĩ mình có thể sống một cuộc sống lành mạnh bình thường trở lại mà không cần những lượt ‘thích’ và bình luận. Chúng ta học cách điều chỉnh nhanh chóng với tình trạng bình thường mới. Tuy nhiên, giải pháp nghỉ ngơi này có điều gì đó không ổn.
Mạng xã hội khuyến khích người dùng sử dụng nó một cách ám ảnh, nhưng đó chỉ là cách chúng ta nghĩ về nó. Bản thân các nền tảng truyền thông xã hội không thực sự đáng trách. Facebook và Twitter kiếm tiền khi chúng ta sử dụng ứng dụng của họ liên tục. Tuy nhiên, chúng ta cũng tăng thêm giá trị cho bản thân. Chẳng hạn, một số người thích xem các chủ đề thịnh hành trên Twitter để có thêm tư liệu sinh động cho các nghiên cứu của mình. Một số người khác sử dụng Facebook để theo dõi các thành viên trong gia đình và cảm thấy vui vẻ khi xem các bài đăng từ bạn bè.
Thay vì ‘cai nghiện’ mạng xã hội, hãy sử dụng một cách có kiểm soát
Chúng ta cai nghiện mạng xã hội trong khi vẫn ngầm biết rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ quay trở lại.Tất nhiên, cũng có một số người cai nghiện và sau đó không bao giờ sử dụng mạng xã hội nữa, nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, họ đang bỏ lỡ mạng xã hội. Ngoài ra, phương pháp cai nghiện có thể giúp bạn không bị ám ảnh bởi mạng xã hội nhưng nó không thực sự khám phá ra lý do tại sao ngay từ đầu bạn lại ‘nhấp’, ‘thích’ và ‘chia sẻ’ nhiều như vậy.
Bản thân các nền tảng truyền thông xã hội không thực sự đáng trách?
Điều thường xảy ra là nhiều người cai nghiện một thời gian, sau đó lại bị ám ảnh trở lại. Trong khi đó, những gì mà chuyên gia khuyến nghị là hãy sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong một thời gian được ấn định vừa phải, sao cho chúng hữu ích và có lợi, nhưng sau đó dừng lại và không tiếp tục nhấp, chia sẻ trong nhiều giờ. Điều này tốt hơn là cai nghiện vì nó giúp bạn xác định các hành vi buộc phải sử dụng mạng xã hội và sau đó chủ động kiểm soát.
Nói một cách dễ hiểu, ‘detox’ mạng xã hội cũng giống như hành độngtắt công tắc đèn một lúc, nhưng khi bật lại, bạn vẫn tiếp tục sử dụng nó như... ''chưa hề có cuộc chia ly'' hay đoạn tuyệt nào. Điều này hoàn toàn khác với việc sử dụng có kiểm soát.