Đến “Vua phở chuỗi” Lý Quý Trung cũng từng gặp những khó khăn này khi mở Phở 24, doanh nhân Khải Silk sẽ giải quyết bài toán này thế nào?

03/03/2017 10:41 AM | Kinh doanh

Dù có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống, nhưng việc mở ra một chuỗi cửa hàng, đặc biệt lại là cửa hàng phở sẽ là thách thức lớn với doanh nhân Khải Silk.

Chuyện ông Hoàng Khải (Khải Silk) mới tuyên bố mở chuỗi 300-400 tiệm phở trên khắp cả nước và xa hơn là ra nước ngoài, đã ngay lập trở thành chủ đề gây chú ý trong dư luận và giới kinh doanh. Bằng khả năng làm truyền thông khéo léo, ông Khải đã lôi kéo được rất nhiều nhóm đối tượng quan tâm tới chuỗi phở sắp ra mắt của mình.

Trước khi tuyên bố thương hiệu phở mới, bản thân ông Hoàng Khải đã từng có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống, buffet. Mặc dù vậy, hướng tới việc kinh doanh sản phẩm chuỗi, đặc biệt là chuỗi cửa hàng phở có thể vẫn sẽ là bài toán phức tạp khác dành cho vị doanh nhân này.

Jolibee – doanh nghiệp fastfood mạnh nhất Philippines sau khi thâu tóm lại chuỗi phở 24 cũng không thu về được thành công như mong muốn. Tại Việt Nam, những chuỗi cửa hàng tuy nhiều nhưng thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vậy doanh nhân Hoàng Khải có thể phải đối mặt với những vấn đề nào? Ông Lý Quý Trung – nhà sáng lập chuỗi phở 24 có thể là người biết điều này.

Ra mắt thương hiệu Phở 24 vào năm 2003, có thể nói ông Lý Quý Trung đã hoàn thành xuất sắc vòng đời của một sản phẩm kinh doanh chuỗi: Ra đời, bùng nổ và cuối cùng là thoái vốn thành công. "10 năm sống với Phở 24 là một ngã rẽ đầy ý nghĩa và đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi. Đó là những ngày tháng tôi hạnh phúc với lý tưởng sống của mình và vui sướng với những hoài bão dữ dội của tuổi trẻ", ông Trung từng chia sẻ.

Tuy nhiên, việc Phở 24 lụi bại sau đó cũng nằm trong dự đoán của ông Trung, vì những khó khăn mà ông Trung đã nhắc đến trong cuốn tự truyện “Bầu trời không chỉ có màu xanh”. Dưới đây là một số những bài toán mà ông gặp phải theo vòng đời của phở 24.

Gánh nặng tăng trưởng nóng

Ở nước nào cũng vậy, tiệm đầu tiên là phải nằm ngay khu vực trung tâm của thủ đô hay thành phố lớn. Chúng tôi không chỉ bán phở mà còn bán không khí ăn phở, cảm giác ăn phở.

Ngay năm đầu tiên tôi quyết định mở luôn 4 tiệm, tuy nằm trong cùng khu vực trung tâm quận 1 nhưng tiệm nào cũng đông khách. Nhu cầu của thị trường lúc đó rất lớn trong khi đối thủ cạnh tranh thì hầu như chưa có. Qua năm thứ 2, chúng tôi mở thêm 10 tiệm nữa và cứ thế tốc độ tăng trưởng nóng dần lên.

Bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng, Lý Quí Trung quyết định ký kết cùng Quỹ đầu tư mạo hiểm Vinacapital để mở rộng mạng lưới kinh doanh và đưa Phở 24 trở thành chuỗi nhà hàng đầu tiên của Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Số tiền đầu tư của quỹ đầu tư mạo hiểm giúp Lý Quí Trung thay đổi chiến lược cơ bản về cách phát triển hệ thống. Năm 2008, Phở 24 hoàn thiện dây chuyền sản xuất bánh phở tươi, làm bếp trung tâm, kho bãi và các dây chuyền sản xuất khác phục vụ cho toàn hệ thống cửa hàng trong và ngoài nước. Trọng tâm được chuyển từ chuyên bán nhượng quyền thành công ty tự mở các cửa hàng thuộc quyền sở hữu 100% của mình.

Việc mở rộng phát sinh ra vấn đề về áp lực tài chính ngày một lớn và việc kiểm soát chất lượng đồng bộ. “Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy đã tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa tất cả các quy trình sản xuất, chế biến và phục vụ nhưng thiếu sót vẫn cứ xảy ra", ông Trung chia sẻ.

Bộ máy ngày một phình to

Bộ máy quản trị của công ty đột nhiên phải nở phình ra để gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ do mình tự biên tự diễn.

Việc giữ tốc độ tăng trưởng kéo theo hệ quả là bộ máy quản trị chuỗi ngày càng lớn đến mức không thể kiểm soát. Trong quá trình mở rộng mạng lưới nhượng quyền thương mại, Lý Quí Trung ví "tất cả các cửa hàng nhượng quyền trong cùng một hệ thống giống như một đoàn quân, theo đó mọi người phải giữ đúng hàng ngũ của mình mà cùng nhau tiến lên theo tiếng trống trận. Có khi chỉ cần một chiến sĩ quay lưng, bất tuân lệnh cũng có thể làm cho cả đoàn quân hoang mang, tan rã".

“Nếu được, tốt nhất hãy tìm kiếm cho mình một nhà đầu tư không chỉ có tiền, mà còn có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực này để hỗ trợ, tư vấn cách xây dựng chuỗi”, ông Trung chia sẻ.

Triết lý quản trị xem nhân viên như “khách hàng nội bộ” thất bại với mô hình chuỗi

Khi phở 24 thành công, nhiều công ty sẵn sàng trả lương gấp đôi cho các nhân viên trụ cột của Phở 24, làm lòng trung thành của họ bị lung lay dữ dội. Ông đã chọn giải pháp "chấp nhận vuột mất một số thành viên nòng cốt do không thể “chạy đua vũ trang” tăng lương mãi". Ông cũng "nghĩ đến việc tuyển dụng người nước ngoài để đem lại luồng sinh khí mới và những kinh nghiệm của một trận đấu lớn hơn", song thất bại do trở ngại về văn hóa và ngôn ngữ.

"Triết lý quản trị xem nhân viên như “khách hàng nội bộ” của tôi đã vô tình trở nên mờ nhạt khi số lượng tiệm phở không ngừng gia tăng. Chưa kể chúng tôi cũng bắt đầu mắc sai lầm khi tuyển dụng thêm nhiều nhà quản trị cấp cao có khả năng nhưng không phù hợp với văn hóa của công ty. Không ít trong số này chỉ quan tâm đến mức lương và những quyền lợi mà họ được hưởng hoặc tệ hơn nữa, chỉ lấy kinh nghiệm và lý lịch từng làm qua ở công ty chúng tôi".

Sau tất cả, Lý Quí Trung nhận ra: "Hệ thống càng lớn mạnh thì người lãnh đạo càng phải lưu ý những gì đang xảy ra ở cửa hàng chứ không phải ở văn phòng", và "tôi lại phải học lại bài học đã từng học bao nhiều lần trước đây, là tất cả phải bắt đầu từ con người. Con người làm nên thương hiệu chứ không phải ngược lại".

Bài toán xây dựng thương hiệu

Không như Khải Silk rất giỏi làm thương hiệu trên mạng xã hội (thời đấy chưa có Facebook như bây giờ), trong những ngày đầu tiên, Lý Quí Trung đã "bỏ ra một số tiền không nhỏ để cầu chứng thương hiệu trong và ngoài nước. Một chi phí khác mà tôi cũng phải bấm bụng chấp nhận trong những ngày đầu là chi phí thiết kế logo hay biểu tượng của thương hiệu Phở 24".

Ở giai đoạn đỉnh cao, "câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu Phở 24 thu hút mạnh mẽ sự chú ý của báo đài trong và ngoài nước, đặc biệt phải kể đến các tờ báo, kênh truyền hình có uy tín của thế giới như The New York Times, The Wall Street Journal, International Herald Tribune, Bangkok Post, The Asahi Shimbun, Forbes Asia, Match Du Monde, Channel News Asia, CNN, AXN...

"Theo văn hóa người Việt hay Á Đông nói chung thì càng nói ít về mình thì càng khiêm tốn, càng tốt. Tôi nghĩ đối với kinh doanh điều này đôi khi có khác, vì làm sao người ta biết về mình đầy đủ khi chính mình không cho thông tin, không chia sẻ. Thách thức ở chỗ là chia sẻ thế nào cho khiêm tốn mà thông tin vẫn đến được nhiều người, càng nhiều càng tốt, trong và ngoài nước.

Và như ai cũng biết, quảng cáo rất tốn kém mà chưa chắc đem lại hiệu quả kinh tế tức thì, có khi phải mất đến vài ba năm sau mới phát huy hết tác dụng. Nhưng suy cho cùng thì quảng cáo không phải để tạo ra lợi nhuận trong tương lai mà để bảo vệ thương hiệu ngay lúc này, ngay ngày hôm nay", ông Trung chia sẻ.

Áp lực cạnh tranh từ hàng loạt đối thủ mạnh

Theo sau WTO, hàng loạt thương hiệu thức ăn nhanh đổ bộ vào Việt Nam, Phở 24 khó đương đầu để tìm lại chính mình như thuở sơ khai. Hiện tại, các chuỗi cửa hàng ăn uống đã tràn ngập khắp Việt Nam với đủ mọi thể loại từ đồ Hàn, Nhật, Trung, Âu, Á, càng khiến vòng đời của chuỗi bị rút ngắn và cạnh tranh khốc liệt hơn. Rõ ràng không thể dựa vào mô hình “ăn phở ngồi máy lạnh” để thành công như cách đây 15 năm.

Quay lại với ông Trung, trước áp lực phải mở rộng và cạnh tranh từ đối thủ, ông Trung đứng trước bài toán đi vay vốn ngân hàng hoặc tiếp tục bán cổ phần từ các quỹ. Mặc dù vậy, ông Trung “không muốn phải chịu thêm nhiều áp lực từ những khoản lãi phát sinh và không muốn đặt số phận mình vào tay người khác”. Cũng chính quan điểm này nên ông Trung từ chối bán bớt cổ phần lần nữa (5 năm trước đã bán 30% cổ phần cho VinaCapital) bởi theo ông, thật khó chấp nhận việc bị mất quyền kiểm soát với công ty do mình sáng lập.

Cuối cùng, Lý Quí Trung và gia đình ra quyết định phải bán hết. Và sau 11 tháng đàm phán, thương hiệu Phở 24 của Nam An Group được nhượng về cho VTI. Xét về lợi ích tài chính của thương vụ và tình hình kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, việc nhượng lại thương hiệu Phở 24 quả là quyết định khôn ngoan. Tiếc một điều, Lý Quí Trung phải sớm tạm biệt hoài bão và cả giấc mơ xây dựng một thương hiệu Phở Việt trên thị trường thế giới của mình.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM